Đông Đô
(VNTB) – Người Việt chỉ khỏe mạnh đến tuổi 64, dù tuổi thọ trung bình hơn 73.
Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ II với chủ đề “Phát triển chính sách trong hệ thống y tế Lão khoa tại Việt Nam”.
Các chuyên gia đánh giá sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (trên 73 tuổi) nhưng thời gian sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 năm. Có đến 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây.
Trung bình một người từ 65 tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, khảo sát nhóm trên 80 tuổi trung bình mỗi cụ mắc 6,9 bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh – giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương – cho hay các bệnh người cao tuổi hay gặp gồm bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư…, ngoài ra còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ…
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thắng, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết, theo kết quả tổng điều tra dân số 2019, Việt Nam có 11,41 triệu người cao tuổi chiếm 11,86% tổng dân số.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2012 và sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035. Điều đáng chú ý là quá trình già hóa của Việt Nam chỉ diễn ra trong 23 năm (2012 – 2035) là dân số đã đạt ngưỡng “dân số già”.
Trong khi đó, Pháp phải mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm và Nhật Bản 26 năm. Theo nhận định của Liên hiệp quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
“Già hóa dân số ở Việt Nam đặt ra những thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và hệ thống y tế hiện tại. Do đó,hệ thống y tế ngày nay cần có những bước chuyển mình để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người cao tuổi” – bác sĩ Nguyễn Trung Anh nhận định.
Xin lưu ý về con số: Tuổi thọ trung bình trên 73 tuổi nhưng thời gian sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 năm. Có đến 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một bệnh nhân thường mắc 5-6 bệnh. Do mắc nhiều bệnh cùng một lúc nên triệu chứng thường không điển hình, chẩn đoán phức tạp, phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ tai biến do điều trị do vậy cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị có nhiều điểm khác với các nhóm tuổi trẻ.
Với số liệu trên có thể tạm tính là nhóm người từ 65 tuổi, có đến 96% là chịu gánh nặng bệnh tật, và nếu phải nhập viện thì thường mắc cùng lúc từ 5 đến 6 bệnh. Ngoài ra gần như cứ 10 người già từ 65 tuổi là có trên 9 người sẽ bị bệnh tật kép, bao gồm cả các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ.
Bên cạnh chuyện đặt ra về chăm sóc y tế của ngành Lão khoa, có lẽ cũng cần quan tâm đến một thực tế là các quan chức lãnh đạo ở Việt Nam dường như vẫn giữ nguyên trạng thái minh mẫn, không hề bắt gặp các hội chứng đặc trưng ở người già như những gì mà Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ II bàn luận.
Một vài dẫn chứng, theo lý lịch công khai trên báo chí, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 77 tuổi và ông vẫn minh mẫn để đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam suốt 3 nhiệm kỳ; Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Kém ông Nguyễn Phú Trọng đúng 10 tuổi là ông Nguyễn Xuân Phúc, hiện là Chủ tịch nước; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh – Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam; Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Cùng tuổi với ông Nguyễn Xuân Phúc là Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Tướng Công an Tô Lâm qua đến tết Tây 2021 là sẽ bước vào tuổi 65.
…Như vậy dường như khi quyền cao chức trọng thì cái gọi là “các hội chứng đặc trưng ở người già” được bàn luận tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ II xem ra không còn đúng nữa.