Thới Bình
(VNTB) – Có thể lễ hội giỗ bà Phi Yến đã tồn tại hàng trăm năm, nhưng khi công nhận một lễ hội dân gian thành di sản phi vật thể quốc gia cần phải rất thận trọng.
Huyền sử là chuyện truyền thuyết có tính chất huyền hoặc, hoang đường. Nội dung có liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử. Ví dụ như các câu chuyện chép trong sách Việt Điện U Linh tập, Lĩnh Nam Chích Quái về Lạc Long Quân diệt ngư tinh, Thánh Gióng…
Với cách hiểu trên cho thấy việc Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch vừa ký quyết định công nhận đưa Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến, ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã gây ra không ít băn khoăn giới giác độ sử học.
Số là ở Côn Đảo có một ngôi miếu nhỏ và cũng là duy nhất mang tên Miếu Bà, còn gọi là An Sơn Miếu, hay miếu thờ bà Phi Yến. Nguồn gốc ngôi miếu này gắn với giai thoại lưu truyền trong dân gian được giới thiệu trong các ấn phẩm quảng bá về Côn Đảo phục vụ các tour chào du lịch nói về việc Nguyễn Ánh tuyệt tình, tống giam vợ, ném con xuống biển, trong thời gian ông trốn chạy quân Tây Sơn, lưu trú tại đây.
Tại Đà Nẵng, có một “chuyện kể dân gian” về đoàn tuần du của chúa Nguyễn Phúc Côn cùng con trai là Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) tại bến đò An Hải và mối tình diễm lệ với cô lái đò Lê Thị Răm như sau: “Cuối năm 1775, chàng công tử Nguyễn Phúc Ánh, con của Nguyễn Phúc Côn, tuổi tròn 14, nhân chuyến du hành Quảng Nam, cơ duyên gặp cô lái đò Lê Thị Răm 16 tuổi (tuổi Canh Thìn – 1760), quê làng An Hải, là cháu bốn đời của Hương tiến tham nghị Lê Cảnh. Cô lái đò có cơ duyên chèo thuyền đưa công tử Ánh đến tham quan phố Hội An và đảo Yến (Cù lao Chàm).
Thế rồi năm 1776, tình hình chiến sự thay đổi cục diện, chúa Nguyễn bèn bỏ kinh thành Phú Xuân vào Nam, cô lái đò Lê Thị Răm theo tình quân vào Nam. Năm 1778, bà sanh được hoàng tử đặt tên là Nguyễn Phúc Cải. Bởi vì bà có tên là Răm nên đặt tên con là Cải cùng loài rau cay.
Còn đối với Nguyễn Phúc Ánh, nhằm kỷ niệm mối tình đẹp của hai người trên đất Quảng, lại sanh cho mình một hoàng tử nên đã ban tặng cho bà là “Phi Yến” (kỷ niệm về đảo Yến); đặt tên con là Nguyễn Phúc Hội An.
Thế rồi, trong một lần vì can gián vua Gia Long không nên nhờ thực dân Pháp giúp mình đánh lại quân Tây Sơn nên Lê Thị Răm đã bị ông giết chết; còn hoàng tử Cải vì kêu khóc thảm thiết nên bị vứt xuống biển, xác trôi vào bãi Cỏ Ống tại Côn Đảo. Và tương truyền đây cũng là duyên cớ của câu hát ru: Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
Theo sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1995, thì Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ, 13 hoàng tử và 18 hoàng nữ. Thế phả đã ghi rõ họ tên, lai lịch từng bà, nhưng không thấy có ai tên là Răm (Lê Thị Răm) hay thụy là Phi Yến, cũng như không có hoàng tử nào tên là Cải hay Nguyễn Phúc Hội An cả!
Riêng về câu ca dao “Gió đưa cây cải…” vừa nêu, ai đã từng đọc cuốn “Việt Nam phong sử” (xuất bản năm 1914) của Thị Lang Bộ Học, Tiểu cao Nguyễn Văn Mại thì sẽ thấy ông chú giải câu ca trên chẳng ăn nhập gì với… huyền sử diễm tình ở trên.
“Việt Nam phong sử” giải thích như sau: Cải, rau cải có thể làm dưa, tháng mùa Đông bắt đầu gieo hột mà trồng. Trời, Thiên triều, triều Thanh bên Tàu. Răm, rau có vị cay, mọc ở chỗ đất thấp.
Theo sử ký, Nguyễn Thị Kim, người làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài là cung phi của vua Lê Chiêu Thống. Lúc ấy quân Tây Sơn chiếm thành Thăng Long, vua cùng hoàng thái hậu và các cung phi chạy lên Cao Bằng nếm bao nỗi đắng cay. Đến khi Chiêu Thống sai người cầu cứu nhà Thanh thì trước hết bí mật khiến người hộ tống thái hậu và con trai trưởng sang Tàu.
Còn cung phi Nguyễn Thị Kim đi theo không kịp, phải buồn hận trở về âm thầm ẩn tránh trong dân gian, lo việc làm ruộng, nuôi tằm, dệt vải bằng sức lực của mình. Ngày xưa sống với phấn sáp cung trang, ngày nay trở thành đàn bà quê với áo vải thoa gai, vua thì chạy, nước thì mất, nỗi đắng cay không xiết được, cho nên làm thơ phong dao để tự ví mình.
Cải là thứ rau có vị đắng ví với thái hậu. Rau răm cũng có vị đắng ví với cung phi. Nói thái hậu đi xa sang thiên triều chưa biết cam khổ ra sao. Một mình cung phi ở lại trong đất giặc đóng phải chịu nhiều những nỗi cay đắng ấy. Về sau vua Chiêu Thống ở Yên Kinh bị bệnh mà chết. Triều Nguyễn đã xin nhà Thanh đưa linh cữu vua về nước. Cung phi Nguyễn Thị Kim đến trước linh cữu lạy khóc rồi uống thuốc độc chết.
Như vậy, ý nghĩa câu phong dao trên là chỉ nỗi đắng cay của một cung phi của vua Lê Chiêu Thống chứ không phải là câu chuyện bi thương của mẹ con bà Răm như lưu truyền trên.
Ở Phú Quốc tỉnh Kiên Giang cũng lưu hành truyền thuyết tương tự, tuy có khác về chi tiết.
Phát biểu với báo chí, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa – thông tin Thừa Thiên Huế, cho hay bản thân ông rất ngỡ ngàng khi hay thông tin Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ông Hoa, truyền thuyết dân gian khác với sử liệu, sử học. Có thể trên đảo có đền thờ của một bà Phi Yến, nhưng đừng gắn đó là thứ phi của vua Gia Long. Có thể lễ hội giỗ bà Phi Yến đã tồn tại hàng trăm năm, nhưng khi công nhận một lễ hội dân gian thành di sản phi vật thể quốc gia cần phải rất thận trọng.
Đầu tiên phải xét đến nội dung của lễ hội đó có mang tính tiêu biểu và tính quốc gia hay không, thứ hai là tính sử liệu của lễ hội liên quan đến vị vua khởi nghiệp của triều Nguyễn. “Nội dung này nếu được công nhận là một di sản quốc gia thì đây là việc làm vô cùng tắc trách”, ông Hoa nói.