Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dịch Covid sẽ giảm vì Việt Nam thay đổi cách tính toán

Thới Bình

 

(VNTB) – Công đầu ở đây phải xướng danh, đó là “đã triển khai quyết liệt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Đảng” mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh như một tiêu chí bắt buộc.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký quyết định số 3989/QĐ-BYT và quyết định số 3979/QĐ-BYT về việc ban hành Tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố và TP Hồ Chí Minh đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Theo Bộ Y tế, một địa bàn cấp tỉnh/ thành phố, huyện, xã sẽ được xem là kiểm soát được dịch Covid-19 khi đã triển khai quyết liệt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và đạt 2 nhóm chỉ số.

Cụ thể, nhóm chỉ số về mắc mới Covid-19 trên địa bàn cần đạt gồm 3 tiêu chí nhỏ: Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày. Ngoài ra, địa bàn đó không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.

Nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm cần đạt gồm 3 tiêu chí nhỏ: Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao theo hướng dẫn đánh giá tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021; Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.

Riêng tại TP.HCM, 3 tiêu chí trong nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm được điều chỉnh theo tỷ lệ 30%. Cụ thể: Giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; Giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; Giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.

Bộ Y tế lưu ý, số ca mắc mới tại cộng đồng được hiểu là ngoài khu vực đang thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 theo Quyết định 3986 ngày 16-9-2020 của Bộ Y tế và các khu vực cách ly y tế khác.

Đến hết ngày 20-8-2021, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 312.611 bệnh nhân Covid-19, đứng thứ 72/ 222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4), Việt Nam có thêm 308.559 ca do lây nhiễm trong nước.

Các tỉnh miền Nam đang là tâm dịch của cả nước, trong đó 4 địa phương có số mắc cao nhất là TP.HCM hiện đã phát hiện tới 164.542 ca tính riêng đợt dịch thứ tư này; tương tự cũng đợt dịch lần thứ tư, đến ngày 20-8, Bình Dương có 55.601 ca, Long An có 16.552 ca, Đồng Nai có 15.602 ca. Hiện 4 tỉnh này khả năng sẽ cùng được ‘lockdown’ đồng bộ với kỳ vọng kiểm soát được dịch bệnh.

Trong một diễn biến khác, theo đánh giá ban đầu, thì chắc chắn sắp tới đây việc kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 sẽ đúng như hoạch định của Chính phủ, là ở ổ dịch lớn nhất nước hiện tại là TP.HCM sẽ ‘xuống đỉnh’ trễ lắm là từ ngày 15-9, với lý do đơn giản: thay đổi cách tính toán, không còn bảo thủ theo đuổi chiến lược “zero covid” nữa.

Các nước từng được ngợi khen như Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam đang cố gắng chống đỡ với làn sóng tấn công mới. Với những biến thể mới virus ngày càng lan truyền nhanh hơn, hiệu quả hơn. Alpha lây truyền tốt hơn chủng ban đầu từ 50 – 100%; Delta lan truyền hiệu quả hơn Alpha 50%… Đó là chưa kể một yếu tố khác – virus có thể lây qua súc vật trong nhà và hoang dã – tạo thành một nguồn lưu giữ virus mới – và có khả năng sẽ lây trở lại con người.

Đa số các trường hợp nhiễm trên người là không có triệu chứng nên khó phát hiện và dễ lan truyền đi. Các yếu tố đó cho thấy trừ khi các biện pháp khắc nghiệt được duy trì vô tận ở những quốc gia theo đuổi chiến lược “zero covid” (hay còn gọi là “elimination strategy”), thì xem ra dự báo Covid-19 sẽ trở lại vào một thời điểm nào đó không hề là câu chuyện của viễn vông.

Kinh nghiệm của Anh Quốc trong ‘lockdown’ cho thấy đây là biện pháp hiệu quả nhất làm giảm hệ số lây truyền khoảng 75% (2.7 xuống 0.6) và giảm số bệnh nặng cũng như tử vong, nhưng cần sự hỗ trợ rất tích cực và đáng kể về cho người dân về tài chính, xã hội, thông tin, tâm lý nhất là những nhóm khó khăn để duy trì sự tuân thủ.

Giờ đây với tỷ lệ tiêm chủng cao 90% một mũi và 77% hai mũi, nước Anh đã bỏ hẳn các biện pháp giới hạn!

Việt Nam ‘vận dụng’ bài học trên với sự gia giảm của thay đổi cách tính toán, cho thấy từng bước Việt Nam đang đi theo con đường ‘chấp nhận Covid-19’ như nhiều nơi đã và đang làm. Và đây có lẽ là chiến lược thực tế nhất cho tất cả mọi quốc gia.

Sau cùng, nếu viễn cảnh trên là đúng với Việt Nam, thì công đầu ở đây phải xướng danh, đó là “đã triển khai quyết liệt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Đảng” mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh như một tiêu chí bắt buộc.

***

Bộ Y tế tối 21-8 cho biết trong 24 giờ qua trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận  11.321 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó có 7.428 ca cộng đồng.

Cụ thể: Bình Dương (4.505), TP. Hồ Chí Minh (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa – Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1).


Tin bài liên quan:

VNTB – Thế nào là bung, là toang?

Phan Thanh Hung

VNTB – Danh sách về những khó khăn của miền Tây rất dài…

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – ‘Lỗ thủng’ ở đâu trong quản trị quốc gia?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo