Mẫn Nhi (VNTB) Nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học đáng ra phải được coi là nghiêm trọng, thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại coi đó là bình thường? Liệu có nên xem xét lại tính đổ nát của nền giáo dục từ chính những ý thức giáo dục tồi tàn như thế này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Không thể lấy trường hợp cá biệt để đánh giá về cả một kỳ thi” |
Điểm chuẩn lên đến 30,5 – một kỳ thi được cho là tiết kiệm nay gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến công bằng và thực học.
Với 30,5 điểm, có nghĩa là dù đạt 10 điểm/ môn thì thí sinh ở khu vực 3 (khu vực thành phố) cũng sẽ bị trượt. Thế nên có chuyện, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phải đăng đàn nhấn mạnh về yếu tố “xét tuyển không giới hạn nguyện vọng” là cách thức để giúp thí sinh tránh rủi ro.
Nhưng rủi ro mà Bộ GD-ĐT mang lại cho thí sinh năm nay là gì?
Thứ nhất là việc “xét tuyển không giới hạn nguyện vọng” là một biện pháp chữa cháy cho thất bại của chương trình hướng nghiệp THPT, đồng thời nó tăng số hồ sơ ảo ở tất cả các trường. Bên cạnh đó, xét tuyển không giới hạn nguyện vọng cũng “khuyến khích” các em thiếu suy nghĩ về mặt chọn ngành, chọn trường, tác động tiêu cực đến nhu cầu xã hội về ngành cũng như bản thân các em đối với việc làm yêu thích của mình sau này.
Thứ hai, 30,5 điểm chuẩn là kết quả tổng thể của một kỳ thi không tốn kém, nhưng lại thiếu hiệu quả trong phân loại học sinh. Sẽ như thế nào nếu một học sinh mỗi môn đạt 10 điểm mà rớt ngành mình yêu thích, liệu đây có phải là hướng đi hợp lý cho cái diễn giải của ông thứ trưởng là “thí sinh điểm cao mà quyết tâm đi học chắc chắn trúng tuyển vào một ngành, trường phù hợp”?
Thứ ba, rõ ràng đề thi kết hợp năm nay hoàn toàn không có tính phân loại học sinh, việc tổ chức ở các địa phương tạo ra sự bất công bằng, khi mà tiêu cực địa phương chưa được kiểm soát. Vậy nên, dù số điểm 9-10 chiếm không quá 3% thí sinh dự thi, hay điểm trung bình môn ở ngưỡng 5-6 điểm thì nó không thể biện hộ cho tình trạng chặt ở điểm thi tỉnh X, mà dễ thở đối với điểm thi tỉnh Y được.
Thứ tư, việc thêm tiêu chí phụ trong cộng điểm vùng miền là điều cực kỳ bất hợp lý trong thời điểm học và dạy trên internet tràn lan như hiện nay. Việc xã hội đang hướng tới một nền kinh tế tri thức, nơi mỗi cá nhân đều phải tự học là chính, nhưng lại xuất hiện yếu tố “điểm ưu tiên” liệu đó là một sự công bằng trong một nền giáo dục hiện đại?
Bên cạnh đó, một số trường đặc biệt như Y-Dược (liên quan trực tiếp đến vấn đề nhân tài quốc gia) lại là những trường sẵn sàng tiếp nhận thí sinh cộng điểm ưu tiên, dẫn đến thí sinh đạt 10 điểm/ môn vẫn bị trượt vào trường này. Cần phải xác định những em đạt 10 điểm/ môn là “hiếm”, thậm chí là “cá biệt” nư cách bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT) bày tỏ. Nhưng cũng với cách bà Kim Phụng đề cập rằng, thí sinh đạt 30 điểm trượt đại học là trường hợp cá biệt, không nên nhìn vào đó để đánh giá một kỳ thi thì đó là một quan điểm thiếu tầm nhìn, và thiếu tôn trọng chính sách giáo dục trong đó “giữ bằng được chất xám”. Người viết đang tự hỏi nhân tài trong mắt bà là gì, và người giỏi trong mắt bà là gì? Nếu một nền giáo dục mà để vụt mất “trường hợp cá biệt”, chỉ đón nhận những trường hợp bình thường núp bóng cái gọi là “chính sách cộng điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng” thì bao nhiêu chất xám sẽ đội nón ra đi?
Liệu có cá biệt hay không, khi theo nhiều thí sinh phản ánh lại là cả miền Nam chỉ có 60 thí sinh đạt trên 29,25 điểm (cả nước đạt được tầm 100 thí sinh như thế), và điểm chuẩn trường YDS ở mức 29.25 nhưng thí sinh có điểm gốc 29.35 lại trượt. Tính chất điểm ưu tiên lúc này đã làm thay đồi “hoàn toàn” năng lực thi cử và khả năng giáo dục của nền giáo dục quốc gia.
Nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học đáng ra phải được coi là nghiêm trọng, thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại coi đó là bình thường? Liệu có nên xem xét lại tính đổ nát của nền giáo dục từ chính những ý thức giáo dục tồi tàn như thế này?
“Đó chỉ là trường hợp cá biệt, không nên nhìn vào thiểu số để vẽ nên một kỳ thi THPT quốc gia, điều này không chính xác”, bà Phụng nói.
Giáo dục Việt Nam ngày càng đổ nát, những cột mốc cải cách chỉ đem lại những bất công và dẫn đến sự mất kiểm soát về chất lượng giáo dục.
Câu chuyện 30 điểm vẫn trượt Đại học hay quan điểm “coi thường người học thực chất” của lãnh đạo Bộ GD-ĐT phần nào thể hiện rõ nét điều đó! Và dòng chảy chất xám ra nước ngoài thực chất bắt nguồn từ những câu chuyện đau lòng như vậy.