Việt Nam Thời Báo

VNTB – Điểm lại vài năm Thìn trong lịch sử

Quốc Sử (tổng hợp)

 

(VNTB) – Những ngày tháng của năm cũ sắp qua, nhiều người đang chờ đón năm mới. Cùng điểm lại vài năm Thìn trong lịch sử…

 

Rồng là một con vật thuộc về huyền thoại với biểu hiện linh thiêng. Rồng là điểm hội tụ với ý nghĩa vũ trụ và nhân sinh. Người Việt có nguồn cội Lạc Hồng (Lạc Long Quân và Âu Cơ). Rồng là biểu tượng vật linh trong tín ngưỡng văn hóa dân gian. Rồng được sáng tạo thành hình tượng nghệ thuật và có mặt trong các thời kỳ nghệ thuật truyền thống của các vương triều tự chủ.

Mậu Thìn (248): Khởi nghĩa Bà Triệu

Nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa ở vùng núi Dưa và núi Quan Yên (Thanh Hóa) chống quân xâm lược nhà Ngô.

Bính Thìn (476): Ngày 30-3-Bính Thìn (6-476) Phạm Tu, tướng của Lý Bôn đánh thẳng vào lỵ sở của thứ sử tàn ác Tiêu Tư (Nhà Lương) tại Long Biên và đưa quân lên biên giới chặn đánh tàn quân Lương chạy về.

Mậu Thìn (548): Triệu Quang Phục xưng vương

Vua Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên thay, xưng hiệu là Triệu Việt Vương. Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương.

Đến năm Canh Ngọ (550), Triệu Việt Vương từ căn cứ Dạ Trạch xuất toàn quân giao chiến, giết được tướng giặc là Dương Sàn, thu lại kinh đô, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước.

Giáp Thìn (944): Ngô Quyền tạ thế sau 5 năm làm vua. Ông là người đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938.

Mậu Thìn (968): Dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình).

Canh Thìn (980): Năm Kỷ Mão (979), Đinh Bộ Lĩnh mất. Nhà Tống đem quân xâm chiếm nước ta. Tháng 8 – 980, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được trao quyền tổ chức kháng chiến. Dương Vân Nga cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm Hoàng đế. Lê Hoàn lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Phúc, xưng Đại Hành Hoàng đế.

Bính Thìn (1076): Lý Thường Kiệt lập chiến tuyến ở sông Như Nguyệt đánh thắng quân giặc Tống. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” xuất hiện từ đó.

– Trường Quốc Tử Giám, đại học đầu tiên ở nước ta được mở để đào tạo nhân tài tại Hà Nội.

Nhâm Thìn (1232): Thái sư Trần Thủ Độ chủ mưu sai người đào một hố sâu làm nhà lên trên, đợi khi con cháu đến tế lễ các vua Lý ở Thái Đường Hoa Lâm, Tiêu Sơn, Bắc Ninh uống rượu say, giật sập chôn sống để họ Trần yên vị ngôi thiên tử.

Nhâm Thìn (1232): Nhà Trần mở khoa thi thái học sinh, chọn người tài.

Giáp Thìn (1244): Vua Trần Thái Tông cải tổ lại hành chính và cho nghiên cứu định ra bộ luật hình.   

Canh Thìn (1280): thủ lĩnh người Ngưu Hống tại Đà Giang là Trịnh Giác Mật nổi dậy, Trần Nhân Tông sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đi thuyết phục phiến quân quy hàng. Trần Nhật Duật nhờ khéo ngoại giao và hiểu biết văn hóa dân bản địa đã thu phục được Giác Mật mà không phải giao chiến.

Nhâm Thìn (1292): 25-8-1292 ngày sinh của Chu Văn An, quê xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tuy là học quan, nhưng trước cảnh lộng hành của bọn quyền thần, ông đã dâng sớ “thất trảm” xin chém 7 tên nịnh thần.

Canh Thìn (1400): Năm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế, lên làm vua, lập ra triều Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và Triều Hồ, Quý Ly từng bước tiến hành những cải cách rộng lớn về mọi mặt.

Giáp Thìn (1424): Nghĩa quân Lam Sơn tiến vào giải phóng tỉnh Nghệ An.

Mậu Thìn (1448): Vua Lê Nhân Tông có dụ răn giới quan lại phải liêm khiết, không mượn tiếng việc công để lo việc tư. Khi xét kiện, không được nhận hối lộ mà bẻ cong phép nước. Một viên quan lại ẩn lậu 5 quan tiền thuế đã bị xử tội chết.

Canh Thìn (1460): – Ngô Sĩ Liên bắt đầu viết “Đại Việt Sử Ký”.

– Lê Thánh Tông lên ngôi.

– Lê Thánh Tông phong Nguyễn Xí làm Nhập nội kiểm hiệu Thái phó. Cuối năm đó phong tiếp tước Thái quận công.

Nhâm Thìn (1472): Vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ xét họ tên người Chăm còn lưu lại ở Thuận Hóa để cho hội nhập vào cư dân Đại Việt.

– Bản đồ nước Đại Việt có thêm dinh Thừa Tuyên – Quảng Nam, với 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Ân. Cư dân người Việt đã di dân đến lập nghiệp ở vùng đất phía Nam đèo Hải Vân.

Nhâm Thìn (1592): Khoa thi Hội cuối cùng của nhà Mạc. Trước tình thế ngôi vua lung lay, Mạc Mậu Hợp cho người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về sự tồn vong của nhà Mạc. Trạng Trình cho lời khuyên: “Sau này nếu có biến cố thì đất Cao Bằng dẫu nhỏ cũng có thể hưởng phúc được vài đời”.

Bính Thìn (1736): Thành lập “Tao Đàn Chiêu Anh Các” ở Hà Tiên.

Giáp Thìn (1784): Đại phá quân Xiêm xâm lược ở Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang).

Nhâm Thìn (1832): Nhà Nguyễn chia Nam bộ thành 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Giáp Thìn (1864): Vua Thiệu Trị xây dựng tháp Phước Duyên (Từ Nhân) 7 tầng, cao 21 mét tại chùa Thiên Mụ (Huế).

Mậu Thìn (1868): Nguyễn Trường Tộ dâng lên vua Tự Đức 8 điều trần về canh tân đất nước và nâng cao dân trí. Nhưng sau đó triều đình không sửa đổi gì.

Nhâm Thìn (1892): Nghĩa quân Đề Thám đánh bại 2.000 quân Pháp tại Hố Chuối (Bắc Giang).

Giáp Thìn (1904): Tháng 5-1904, cụ Phan Bội Châu cùng một số sĩ phu yêu nước tiến bộ thành lập hội Duy Tân.

Cơn bão năm Giáp Thìn (1904) còn được xem là trận cuồng phong mạnh nhất từng đổ bộ vào Sài Gòn khiến 3.000 người chết, thiệt hại tài sản tương đương 1.000 tỷ đồng ngày nay.

Bính Thìn (1916): Đêm 4-5-1916, vua Duy Tân bí mật lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp đã bị bắt và đày sang đảo Réunion (châu Phi). Kết thúc phong trào Thiên địa hội chống Pháp ở Nam bộ.

Canh Thìn (1940): Khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ.

Nhâm Thìn (1952): Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc.

Bính Thìn (1976): Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mậu Thìn (1988): Ban hành Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Canh Thìn (2000): Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 8 (1996-2000). Phạm Văn Đồng qua đời.

Nhâm Thìn (2012): Công bố Quyết định chính thức xếp thứ 2 Vịnh Hạ Long trong 7 kỳ quan mới của thế giới..

Những ngày tháng của năm cũ sắp qua, nhiều người đang chờ đón năm mới. Và họ cũng hy vọng rằng, với năm Giáp Thìn, cuộc sống của họ cũng sẽ dần tốt hơn, sẽ là một năm của… rồng bay.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lớp học về Sử Việt Nam tại trường Mỹ(*)

Trương Thế Tử

VNTB – 17 tháng Hai là ngày gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm sao để học sinh thích học môn lịch sử?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo