Trần Trung Đạo
(VNTB) – Tại Bắc Kinh Sihanouk trở thành con cờ chính trị của Đặng Tiểu Bình.
Trong bài này, người viết tạm gác qua bên các vấn đề thuộc phạm vi ý thức hệ mà chỉ bàn đến đến các yếu tố an ninh lãnh thổ và quyền lợi lâu dài của dân tộc.
Đặng Tiểu Bình, sau thất bại trong cuộc chiến biên giới lần thứ nhất tháng 2, 1979, đã tiến hành hàng loạt thay đổi nhân sự bằng cách trẻ trung hóa cấp chỉ huy và nâng cấp kỹ thuật chiến tranh trong Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.
Hơn một triệu lính và sĩ quan già các cấp bị giải ngũ. Yếu tố phẩm chất được nhấn mạnh thay vì số lượng. Đặng Tiểu Bình có quan hệ gần gũi với quân đội và am hiểu các vấn đề quân sự. Bản thân ông ta đã từng là Chính Ủy Đệ Nhị Lộ Quân và sau 1949 là Chính Ủy Quân Khu Tây Nam Trung Quốc. Sau 1975, Đặng là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội và lãnh đạo Quân Ủy Trung Ương. Sau 5 năm cải tiến, Đặng Tiểu Bình muốn thử nghiệm chính sách “hiện đại hóa quốc phòng”.
Họ Đặng không dám phát động một cuộc chiến Việt-Trung khác vì xác suất bị thua lần nữa rất cao. Nhưng với tâm địa độc ác và chủ nghĩa bá quyền nước lớn, họ Đặng không muốn để Việt Nam yên.
Đặng Tiểu Bình cũng cần một chiến trường trong phạm vi hẹp để thử nghiệm khả năng của quân đội TC cũng như tầng lớp sĩ quan chỉ huy vừa nâng cấp.
Thủ đoạn chính trị của Norodom Sihanouk (1912-2022 )
Phải công nhận rằng Cambodia là một quốc gia nhỏ và thường trực bị đe dọa bởi các nước lớn ở hai đầu là Việt Nam và Thái Lan, Norodom Sihanouk phải tìm mọi cách để Cambodia tồn tại. Nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận Norodom Sihanouk đã sử dụng mọi mánh khóe chính trị để bảo vệ chiếc ghế quyền lực, kể cả việc bán đứng lương trì cho Pol Pot trong thời gian từ 1975 đến 1979.
Tháng Ba 1970, Thống chế Lon Nol lật đổ Sihanouk trong một cuộc đảo chính không đổ máu vì lúc đó Sihanouk đang nghỉ hè ở Pháp. Mất quyền lực tại Cambodia, Sihanouk quay sang cầu cứu CSVN và liên minh với Khờ Me Đỏ. Những kẻ thù trước đó đã thành bạn.
Sau khi đánh bại Thống chế Lon Nol, Pol Pot đưa Norodom Sihanouk lên làm chủ tịch nước, một chức vụ làm vì.
Sihanouk đã từng đến LHQ và 11 nước để biện minh cho các chính sách vô nhân của Pol Pot và vận động quốc tế công nhận chính phủ diệt chủng Pol Pot. Sau khi biết chắc chức chủ tịch nước của mình chỉ là một hư danh, Sihanouk từ chức nhưng bị giam lỏng trong một căn nhà ở thủ đô Phnom Penh. Sau khi CSVN chiếm Nam Vang, Sihanouk trốn sang Bắc Kinh.
Khi được yêu cầu chia sẻ quan điểm của ông ta đối với chế độ diệt chủng Pol Pot, Sihanouk tuyên bố: “Khờ Me Đỏ là những người chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ”. (Madhavi Kuckreja, Prince Norodom Sihanouk, New York, 1990)
Mầm mống chống Việt Nam đã có trong đầu Sihanouk từ lâu.
Tại Bắc Kinh Sihanouk trở thành con cờ chính trị của Đặng Tiểu Bình.
Tuy nhiên, Sihanouk cũng thừa nhận nếu CSVN không đánh bật Pol Pot vào rừng, số phận của ông ta và nhiều triệu dân Cambodia còn sống sót chưa biết sẽ ra sao. Trong hồi ký “My War with CIA”, Sihanouk viết: “ Lịch sử có thể phán xét tôi phù hợp cho việc khẳng định rằng dù người Khmer chúng tôi thấy sự hiện diện của người Việt Nam hiện nay trên đất nước chúng tôi có ghê tởm và nhục nhã đến đâu, đó là sự bảo vệ duy nhất của người dân khỏi bị Khmer Đỏ tàn sát.”
Tháng 3, 1981, Norodom Sihanouk thành lập một phong trào kháng chiến chống CSVN theo cách gọi bằng tiếng Pháp là “Front Uni National pour un Cambodge Indépendant, Neutre, Pacifique, et Coopératif” (Mặt trận Thống nhất Dân tộc vì một nước Campuchia Độc lập, Trung lập, Hòa bình và Hợp tác.)
Một người mang ơn Việt Nam và có nhiều mối quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo CSVN, Norodom Sihanouk chẳng những không tìm cách hòa giả, trái lại xúi Bắc Kinh tấn công Việt Nam như đã làm trong 1979.
Cuối năm 1983, Đặng tiếp Norodom Sihanouk, lúc đó đang là chủ tịch của Chính phủ Liên Hiệp Ba Thành Phần gồm Khmer Đỏ, Campuchia Dân Chủ và Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Khmer, tại Bắc Kinh.
Trong buổi tiếp xúc này, Norodom Sihanouk yêu cầu Đặng đánh Việt Nam lần nữa vì phía CSVN đang thắng thế trong nhiều mặt trận trên khắp lãnh thổ Cambodia. (Charlie Gao, In 1979, China Was Crushed in a War with Vietnam. What Happened Next Is Shocking, National Interests, April 11, 2018)
Đáp lại yêu cầu của Norodom Sihanouk, Đặng Tiểu Bình quyết định tấn công.
Khác với lần trước, lần này cuộc tấn công của TC sẽ thu hẹp vào hai căn cứ chiến lược Núi Đất (Lão Sơn, Laoshan) và Núi Bạc (Zheyinshan). Quân số giới hạn vào khoảng bảy trung đoàn. Năm trung đoàn tấn công Núi Đất (Lão Sơn) và hai trung đoàn tấn công Núi Bạc.
Quân Trung Cộng chiếm được cả hai căn cứ nhưng tại Núi Đất (Lão Sơn) họ đã chịu thương vong nặng nề vì áp dụng chiến thuật tương tự như trong chiến tranh 1979.
Sau cuộc phản công không thành công, Việt Nam mất hai vùng Núi Đất (Lão Sơn) và Núi Bạc vào tay Trung Cộng.
Bài viết dưới đây đăng trong trang Internet China Defence và cũng được in trong tác phẩm Dữ Kiện Bí Mật Của Chiến Tranh Trung-Việt (Secret Records of Sino-Vietnamese War) của ba tác giả Jin Hui, Zhang Hui Sheng and Zhang Wei Ming khoảng trước năm 2000.
Mặc dù trong nhiều đoạn, người kể không che giấu được tính khoác lác, khoe khoang thái quá, song qua những dữ kiện do viên Trung đoàn trưởng cung cấp, cũng chứng tỏ rằng Trung Cộng chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng xâm lược bắt nguồn từ chính sách bá quyền truyền thống của họ.
Đồng thời những lời kể cũng nói lên sự bất lực của giới lãnh đạo CSVN chỉ biết cúi đầu thần phục, chỉ biết hối lộ tham nhũng, sống xa hoa trên sự nghèo đói của nhân dân và không tìm cách hiện đại hóa quốc phòng khi nhìn đất nước từng mảnh đang rơi vào tay Trung Cộng.
Vào thời điểm gần 30 năm trước rất ít tài liệu về những trận đánh đã được tiết lộ. Các nguồn tin từ quốc tế, cũng như TC và CSVN rất hạn chế.
Người dịch đã phổ biến trên nhiều tạp chí trong đó có Khởi Hành tại California do nhà thơ Viên Linh làm chủ bút. Trong nước cũng có nhiều tạp chí, trang web và cả sách đã in lại.
Dưới đây là bản dịch từ ChinaDefence:
——————————————————
LỜI GIỚI THIỆU CỦA CHINADEFENSE
Bài tường thuật do một Trung Đoàn Trưởng Pháo Binh Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc trong cuộc chiến Trung Việt lần thứ hai kể lại. Tôi không biết chắc mức độ chính xác của bản tường trình nhưng khá gần với những gì tôi đã được đọc về chiến tranh Trung Việt lần thứ hai. Bài tường thuật có nhiều dữ kiện rất chi tiết. Lưu ý: Núi Lão Sơn, cao 1422 mét trên mặt biển. Lão Sơn có nghĩa là “Núi Già” theo tiếng Tàu. Lão Sơn nằm bên trong lãnh thổ Việt Nam gần biên giới Trung Quốc và được gọi là Núi Đất. Sau cuộc chiến 1979, Việt Nam xử dụng Núi Đất như một trạm xuất phát, nơi các lực lượng Việt Nam điều hợp các cuộc lục soát lớn vào Trung Quốc.
(Tường thuật của viên Trung Đoàn Trưởng Pháo Binh Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc)
Đầu năm 1984, trung đoàn của chúng tôi nhận lịnh phải chiếm Lão Sơn.
Ngày 18 tháng 2 chúng tôi tiến đến Ei-Liang, và ngày 20 đến đồi Ma-Sho. Sau 40 ngày chuẩn bị, ngày 1 tháng Tư, 3 đại đội gia nhập ”Đề án 142 “. Họ bắn vài loạt đạn về phía Việt Nam và rút ngay, để buộc phía Việt Nam trả đũa, và qua đó, để lộ vị trí.
Chúng tôi dùng đại pháo để áp đảo địch. Ngày 26 tháng 4, mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng và Lực Lượng Đặc Nhiệm Pháo Binh 119 được thành lập.
Để chiếm một căn cứ hỏa lực, chúng tôi tiến quân vào ban đêm. Không ai được phép gây tiếng động. Chúng tôi tháo gỡ các bộ phận súng 85 ly và chỉ lắp ráp lại sau khi đến căn cứ.
Tầm hỏa lực chỉ cách quân Việt Nam 500 mét. Để thấy đường đi, chúng tôi dùng các tấm vải trải giường trắng. Chúng tôi bố trí súng dọc phía bên phải của một căn nhà hoang. Trung đội 4 thám thính tiến quá sát với vị trí của quân Việt Nam, chỉ cách 400 mét và trong tầm bắn thẳng.
Ngày 28 tháng 4, lúc 5 giờ 50 sáng, pháo binh bắt đầu khai hỏa. Sau 34 phút pháo kích, mặt đất như bắt đầu rung chuyển. Lúc 6 giờ 24 phút sáng, khi trận pháo kích vừa ngưng, bộ binh mở cuộc tấn công. Quân đội Việt Nam phản ứng trong vòng 2 phút. Và ngay trong loạt đạn đầu tiên họ đã bắn hạ một Trung đội trưởng của chúng tôi. Anh ta là đồng chí đầu tiên hy sinh tại Lão Sơn. Chúng tôi bắn yểm trợ cho bộ binh. Bộ binh tiến bằng cách nhảy từ miệng hố đạn này sang hố đạn khác. Sau 9 phút, chúng tôi chiếm được điểm cao 662.6, và 54 phút sau, núi Lão Sơn hoàn toàn lọt vào tay chúng tôi. Đến 3 giờ 30 chiều, khoảng 20 điểm cao phía đông điểm cao 662.6 cũng lọt vào tay chúng tôi. Chúng tôi cũng triệt hạ một xe tăng của phía Việt Nam bằng 5 phát pháo trực xạ.
Ngày 11 tháng 6, lúc 3 giờ sáng, một viên pháo sáng được bắn lên. Chúng tôi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Trong suốt 30 phút, chúng tôi không liên lạc được với các đơn vị khác bằng điện thoại. Tiểu đoàn 2 thám thính cũng bị gián đoạn liên lạc. Duy nhất một Trung đội trưởng liên lạc được với chúng tôi và yêu cầu chúng tôi khai hỏa. Chúng tôi từ chối với lý do các đơn vị bạn cũng ở ngay trong vị trí đó. Chúng tôi yêu cầu 5 lính thám thính của tiểu đoàn 2 đến mặt trận, nhưng họ bị hỏa lực của địch ngăn chặn.
Trời sáng, viên chỉ huy toán thám thính với cả đại đội thám thính cũng bị đẩy lui. Tại điểm này chúng tôi biết các vị trí tiền phương của chúng tôi đã bị quân Việt Nam tràn ngập.
Vào 5 giờ 30 sáng, với sự yểm trợ của tiểu đoàn pháo, chúng tôi mở cuộc phản công. Trong vòng 30 phút, chúng tôi chiếm lại các vị trí đã mất. Lúc 6 giờ, quân đội Việt Nam mở cuộc tấn công mới. Các đơn vị bộ binh của chúng tôi gọi pháo binh bắn yểm trợ.
Khoảng 500 đến 600 quân Việt Nam đã tấn công vào phòng tuyến của chúng tôi giữa lúc các giàn tên lửa của chúng tôi cũng bắt đầu khai hỏa.
Chúng tôi giữ được vị trí và bắn hạ khoảng 100 quân Việt Nam. Tiểu đoàn pháo thứ hai của chúng tôi cũng vừa gia nhập mặt trận và tuôn đại pháo vào quân Việt Nam.
Đến 3 giờ chiều, quân đội Việt Nam không thể nào tiến đến được vị trí phòng thủ của chúng tôi. Lực lượng tiếp viện của phía Việt Nam đang cố gắng vượt qua sông và tấn công vào phía cạnh sườn của chúng tôi. Tư lịnh sư đoàn ra lịnh chúng tôi khai hỏa. Trước hết chúng tôi hướng nòng pháo vào 10 độ phía bên trái và rồi 10 độ phía bên phải. Cả đại đội quân Việt Nam đã không thể rút về vị trí của họ.
Ngày 12 tháng 7, quân Việt Nam phản kích.
Sau 11 tháng 6, chúng tôi đã học được bài học. Các ống phóng tên lửa do tôi chỉ huy. Pháo 82 ly do các tiểu đoàn chỉ huy được đào sâu vào và đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tôi. 12 trung đội đại pháo, bao gồm 4 trung đội xe tăng được phân phối cho mỗi đơn vị. Các hỏa lực tăng cường sẽ được hướng dẫn để bắn thẳng vào những con đường mà quân Việt Nam chắc chắn sẽ dùng để tiến.
Những con đường đó được chia ra. Mỗi đơn vị thám thính được chọn một hướng. Hai trung đội pháo sẽ bắn vào con đường chính với mục đích làm chậm chân quân Việt Nam. Ba trung đội tên lửa đóng trên cao điểm 152. Một trong số đó do Li Hai-Ren chỉ huy. Mật ngữ để tấn công là Heo Rừng.
Ngày 12 tháng 7, chúng tôi biết được danh sách các đơn vị của quân Việt Nam. Theo sự ước tính của chúng tôi, quân đội Việt Nam gồm hai trung đoàn thuộc sư đoàn 356, một trung đoàn thuộc sư đoàn 316, và 6 trung đoàn độc lập sẽ tham gia trận đánh.
Chúng tôi dự đoán quân Việt Nam sẽ tấn công lúc 5 giờ sáng. Lúc nửa khuya, chúng tôi có 2,5 lần số đạn bình thường sẵn sàng cho các khẩu pháo. Lúc 3 giờ sáng, tổng hành dinh thông báo 3 vị trí của quân Việt Nam và ra lịnh khai hỏa vào các vị trí đó.
Sau tràng pháo thứ nhất, tôi nói chuyện với Trung đoàn trưởng Chang Yo-Hop. Tôi hỏi ông ta nếu ông ta là chỉ huy quân đội Việt Nam, ông ta chắc chắn sẽ tấn công vào khu vực nào? Viên trung đoàn trưởng chỉ khoảng rừng trống khoảng 300 mét ở phía bắc của dòng sông.
Tôi đồng ý với ông và chỉ thị cho 6 trung đội trọng pháo tập trung hỏa lực vào mục tiêu 1000 mét chung quanh khu vực đó. Tôi báo cáo quyết định đến Bộ chỉ huy. Tư lịnh phó sư đoàn chấp thuận. Tôi ra lịnh pháo binh bắn từng loạt cách nhau 10 phút. Sau loạt pháo thứ hai, không có gì xảy ra. Tôi chỉ thị bắn hỏa châu soi sáng khu vực và kết quả cũng không có gì. Thật phí đạn. Bộ tư lịnh chỉ thị chúng tôi ngưng bắn. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng. Nhiều binh sĩ của chúng tôi lăn ra ngủ ngay.
Ngay lúc đó chúng tôi mới khám phá ra rằng lực lượng tấn công của phía Việt Nam chỉ cách phòng tuyến chúng tôi 500 mét. Hai Tiểu đoàn trưởng của quân Việt Nam bị giết tại chỗ. Mặc dù không có chỉ huy, quân Việt Nam đã không từ bỏ vị trí của họ. Những lính bị thương cũng không rên rỉ. Họ di chuyển thương binh ra khỏi khu vực sau khi hỏa châu vừa tắt. Kỷ luật của quân Việt Nam thật không thể nào tin được.
Lúc 5 giờ sáng, cả địa ngục rung rinh. Trận đánh bùng nổ tại mọi phía. Chúng tôi bắt được tù binh đầu tiên tại điểm này sau khi đã gây thương vong trầm trọng cho địch quân. Qua các tù binh, chúng tôi biết những gì đã xảy ra trước đó.
Quân Việt Nam quả thật có kỷ luật rất cao đến nỗi họ tung ra cuộc tấn công theo đúng kế hoạch ngay cả khi chỉ huy trưởng của họ đã tử trận. Quân Việt Nam rất giỏi giấu tung tích. Họ phối hợp chặt chẽ với nhau ngay cả không dùng một phương tiện truyền tin vô tuyến nào trước khi tấn công.
Ngay khi quân Việt Nam tấn công, các đơn vị bộ binh chúng tôi gọi pháo yểm trợ. Tôi lo lắng sẽ bắn nhầm quân bạn. Bộ chỉ huy ra lịnh tôi khóa phòng tuyến bằng cách bắn vào làn sóng tấn công thứ hai. Làn sóng tấn công thứ nhất thường là các đơn vị thám thính, nơi phía sau có thể có cả trung đoàn đang yểm trợ. Các giàn tên lửa của chúng tôi nhả 13 tràng liên tục. Ngoài ra các khẩu pháo 85 ly, 100 ly, 152 ly cũng tham gia phản kích.
Chúng tôi bắn 200 mét về phía trước tại 6 điểm. Từ trái sang phải và trở lại sang trái. Hỏa lực pháo chúng tôi dựng lên một bức tường lửa chung quanh các đơn vị của chúng tôi. Chúng tôi giết rất nhiều quân Việt Nam và nhiều ống phóng tên lửa của chúng tôi nóng đỏ rực. Trong ngày đó, trung đoàn chúng tôi bắn trên 10 ngàn viên pháo.
Đến trưa, chúng tôi hết đạn. Khi tin này được báo lên Chang Yo-Hop, ông ta thật không vui. Không có hỏa lực pháo yểm trợ, thật không có cách gì ngăn chặn được sức tấn công của 6 trung đoàn quân Việt Nam. Tôi đã gọi tăng viện đạn dược ngay khi viên pháo đầu tiên được bắn đi.
Lúc 1 giờ chiều thì 470 xe tải chở đạn cũng vừa tới. Quân đội Việt Nam đã chiếm lại được cao điểm 164. Một trong những tiểu đoàn của họ chỉ còn 6 người sống sót nhưng họ vẫn tiến. Lực lượng bộ binh của chúng tôi bắt đầu khai hỏa phản công ngay.
Cuộc pháo kích nặng nề cày nát điểm cao đó. Trong vòng 15 phút chúng tôi chiếm lại được cao điểm 164. Quân Việt Nam từ chối rút lui. Làn sóng này sang làn sóng người khác tiếp tục tiến lên giành lại ngọn đồi. Khi cuộc chiến tàn, chúng tôi đếm được 3700 địch quân địch bỏ thây trên mặt trận. Tư lịnh sư đoàn chúng tôi, cựu chiến binh từ thời nội chiến, cũng phải nói rằng ông ta chưa bao giờ thấy nhiều xác chết như thế. Chúng tôi tịch thu vũ khí và thắt lưng trên xác Việt Nam và phân phát cho lính trong trung đoàn chúng tôi. Đêm đó, bảy chúng tôi trong Bộ chỉ huy trung đoàn với Tư lịnh trung đoàn Chang Yo-Hop hút hết 4 bao thuốc.
Chúng tôi không thể ăn, chỉ uống sạch cả bốn thùng rượu.
Ngày 14 tháng 7, chúng tôi ra tín hiệu cho phép phía Việt Nam đến thu hồi xác chết. Chúng tôi yêu cầu họ mang cờ Hồng Thập Tự, mỗi toán không được quá 50 người và không được mang theo vũ khí. Một toán khoảng 60 đến 70 lính Việt Nam đến, không có cờ. Khi phát hiện ra họ không tuân theo thỏa thuận vì họ có mang theo súng, chúng tôi khai hỏa.
Chúng tôi không quan tâm đến sinh mạng của họ. Không một người nào trong nhóm lính này sống sót. Việt Nam chẳng còn đến thu hồi xác chết nữa. Trời đang là mùa hè. Nắng rồi mưa. Không ai có thể chịu được mùi xác chết. Chúng tôi buộc phải gởi các đơn vị hóa chất đến để đốt tất cả xác chết bằng những ống phun lửa.