VNTB – Điều 4 Hiến pháp và sự cần kíp của Tòa Bảo hiến

VNTB – Điều 4 Hiến pháp và sự cần kíp của Tòa Bảo hiến

Triệu Tử Long

 

(VNTB) – Vì ủng hộ Điều 4, Hiến pháp 2013 nên cần kíp có Tòa Bảo hiến để bảo vệ sự liêm chính của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Hiến pháp 2013, Điều 4.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Với cụ thể Hiến định trên thì Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Với những gì đang diễn ra công khai trên báo chí cho thấy Nhà nước đã nhận khuyết điểm với cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu rồi. Tuy nhiên, “Đảng là nguyên nhân của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” như vẫn hay được các văn kiện chính trị nhắc đến, thì cũng rất cần minh bạch luôn về những thất bại mà theo đó Đảng có chịu trách nhiệm đối với người lãnh đạo tối cao hay không?

Trả lời câu hỏi trên có lẽ sẽ cần đến sức nặng từ phán quyết của Tòa Bảo hiến, điều mà đến nay Việt Nam vẫn chưa hình thành.

Vì sao lại cần đến Tòa Bảo hiến?

Trước hết, từ khóa XIII của Đảng, mạng xã hội cũng như “các thế lực thù địch” – cách gọi của cơ quan Tuyên giáo Đảng, đã cho rằng với tiếp tục thêm nhiệm kỳ thứ 3 của Tổng bí thư là tham quyền cố vị, là vi phạm nguyên tắc do chính Đảng đặt ra là vị trí Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ.

Tiếp theo đó, với sự quyết liệt trong các chỉ đạo chống tham nhũng “không có vùng cấm”, rất nhiều quan chức cấp cao đã vướng vòng lao lý; trong đó sự kiện chính trị thu hút nhiều luận bàn, là sự từ nhiệm trước Tết nguyên đán Quý Mão của Chủ tịch nước, và hai tuần lễ trước đó là bãi nhiệm hai phó Thủ tướng.

Thuyết âm mưu cho rằng các quân cờ chính trị bị triệt hạ nhằm phục vụ lợi ích cho nhóm đáng gờm nhất hiện tại là tướng Tô Lâm, khi rất có thể thời gian tới đây ông Tổng bí thư đương nhiệm khóa XIII cũng sẽ “hồi hưu” trước khi nhiệm kỳ kết thúc. “Cổ xe” quyền lực xem chừng chỉ còn ông tướng đang là Bộ trưởng Công an, và một ông có hàm tiến sĩ khoa bảng đang là Chủ tịch Quốc hội.

Dĩ nhiên cả đồn đoán và thuyết âm mưu đều rất có thể chỉ là “đòn gió” của kịch bản chính trị nào đó chốn hậu trường. Nhưng dù thế nào đi nữa thì về bề mặt truyền thông đối nội lẫn đối ngoại, Đảng đang chịu nhiều tai tiếng.

Để giải quyết những tai tiếng đó, rất cần một phiên tòa mang tính bảo hiến.

Ở đây đang có ý kiến là nếu tiếp tục bảo thủ lập luận như lâu nay thì vẫn khó thuyết phục trong bản án liên quan sự liêm chính của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan điểm đó có thể tóm tắt thế này: Khoản 2, Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.

Như vậy, chủ thể bảo hiến ở Việt Nam rất rộng, bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, viện kiểm sát và toàn dân.

Mỗi cơ quan đều có cơ chế bảo hiến riêng được quy định ngay trong Hiến pháp năm 2013 hoặc luật. Tuy nhiên, chỉ có Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được Hiến pháp năm 2013 trực tiếp quy định chức năng bảo hiến.

Theo Điều 70 Hiến pháp năm 2013 thì Quốc hội “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”; Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội “giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Thế nhưng như báo Tuổi Trẻ tường thuật về lời nhấn mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hiến pháp. Đây là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc” (nguồn: https://tuoitre.vn/hien-phap-con-bon-van-de-lon-co-y-kien-khac-nhau-571463.htm); như vậy cho thấy công bằng nhất ở đây, và cũng là đơn giản nhất thay cho sự dàn trải của việc bảo hiến rất chung chung theo cách hiểu lâu nay, đó là cần đến phiên Tòa Bảo hiến để xem xét trách nhiệm của Đảng được Hiến định tại Điều 4.

Đại diện ‘hầu tòa’ ở phiên Tòa Bảo hiến đó, dĩ nhiên là Tổng bí thư; hoặc Thường trực Ban bí thư khóa XIII.

Tin rằng Đảng sẽ vững mạnh hơn khi sự liêm chính của Đảng được khẳng định bằng một bản án tuyên của Tòa Bảo hiến.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)