VNTB- Điều tra: Dự án Trạm biến áp 500kV Tân Uyên, Bình Dương khởi động bằng những chữ ký giả mạo



Nguyễn Thiện Nhân

(VNTB) – “Danh sách hộ tham dự lấy ý kiến tham vấn cộng đồng” gồm 73 người đại diện ký tên, có đóng dấu của UBND xã Thạnh Phước kèm Biên bản đề ngày 13/10/2013 có đại diện Công ty tham vấn xây dựng điện 3. Đây là một danh sách khống, nét chữ của một người, chữ ký đều giả mạo.

Trạm điện siêu cao áp 500kV sắp được xây dựng ở Khu phố Cây Da, Phường Thạnh Phước, Thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Đây là dự án quan trọng được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu điện công nghiệp của Thị xã Tân Uyên đang rất lớn.
  
“Dự án Trạm biến áp 500kV Tân Uyên và đấu nối” có chủ trương từ năm 2011, được Bộ công thương duyệt dự án tại quyết định số 9852/QĐ-BCT ngày 23/12/2013. Năm 2014, được chính phủ xếp vào danh mục các dự án lưới điện cấp bách của Tập đoàn điện lực VN, dự kiến hoàn thành năm 2017. Diện tích đất xây dựng trạm: 115,50m2 tương đương 11,55hecta. Vị trí đặt trạm: Khu phố Cây Da, Phường Thạnh Phước, Thị xã Tân Uyên (Trước ngày 1/4/2014 là ấp Cây Da, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên).

Tuy nhiên, việc triển khai Dự án Trạm biến áp 500kV có nhiều bất cập khiến đa số người dân trong vùng dự án không đồng tình.


Danh sách khống lập ra để được duyệt dự án 
Tác hại của thiết bị siêu cao áp
Để đảm bảo sức khỏe của người dân, Nghị định Số 14/2014/NĐ-CP về an toàn điện qui định cường độ điện trường phải nhỏ hơn hoặc bằng 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một mét và nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất một mét.
Trong bài “Nghiên cứu ảnh hưởng của trường điện từ đối với cơ thể người” trên Tạp Chí Điện & Đời sống tháng 9 năm 2007 viết về tác hại của đường dây và Trạm điện siêu cao áp như sau:
“Các thiết bị cao áp trên 330kV phát ra môi trường xung quanh một trường điện từ mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Các đường dây truyền tải điện cao và siêu cao áp có cường độ từ trường và cường độ điện trường đến 25A/m và 15kV/m. Các kết quả nghiên cứu đã xác định rằng tại một điểm bất kỳ trong trường của thiết bị điện siêu cao áp (tấn số 50Hz), năng lượng của điện bởi cơ thể với sự hấp thụ bởi cơ thể người gấp 50 lần so với sự hấp thụ trong từ trường”
Như vậy, Trạm biến áp 500kV gây ra tác hại nguy hiểm đối với người sống xung quanh. Người sống trong khu vực không khí nhiễm điện thường xuyên đau đầu, nặng đầu(cảm giác như có vật nặng đè lên đầu), mệt mỏi, tức ngực, khó thở, toàn thân đau nhức…Nếu trạm điện xảy ra sự cố, phóng điện vào người có thể gây bỏng nặng, để lại di chứng, giảm trí nhớ, kém minh mẫn. Tại khu vực nhiễm điện, khi lấy bút thử điện gí vào người hoặc đồ vật kim loại, bút sẽ sáng rực như cắm vào ổ điện. Người sử dụng nguồn nước bị nhiễm điện sẽ nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể bị điện giật.
Chưa đánh giá rõ ràng về tác hại của Trạm biến áp 500kV đối với sức khỏe người dân
Tại cuộc họp ngày 15/7/2016, người dân cho biết không an tâm khi dự án trạm điện 500kV triển khai mà không làm rõ các yếu tố liên quan đến sức khỏe của người dân. Đồng thời, người dân đề nghị việc kiểm định, đánh giá phải do một đơn vị độc lập có chức năng về chuyên môn mới đảm bảo tính khách quan.
Người dân yêu cầu phải kiểm định đánh giá mức độ ảnh hưởng sức khỏe đối với các hộ dân liền kề, phải nêu rõ cường độ điện trường có ảnh hưởng đến sức khỏe của hộ dân liền kề trong phạm vi bao nhiêu, có nằm trong giới hạn an toàn theo qui định của Nghị định Số 14/2014/NĐ-CP hay không? Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bản thẩm định, đánh giá nào rõ ràng cụ thể như người dân yêu cầu.
Vị trí đặt trạm điện 500KV không phù hợp, đề nghị di dời
Trường tiểu học Thạnh Phước nằm sát vị trí xây trạm biến áp 500kV
Vị trí khu đất dự kiến xây dựng Trạm biến áp 500kV gần tỉnh lộ DT 747 và Trường tiểu học Thạnh Phước, có hơn 30 hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng, trong tổng số hơn 70 hộ có đất nằm trong vùng qui hoạch. Trường tiểu học Thạnh Phước hiện có khoảng 700 em học sinh đang theo học. Sau khi xây dựng xong, sẽ có hàng trăm người bị ảnh hưởng cường độ điện trường siêu cao áp, đó là chưa kể những sự cố bất thường như nổ trạm điện hay rò rỉ điện.
Bà Nguyễn Thị Sề, người sống ở Khu vực qui hoạch trạm điện 500kV cho biết: Qua 3 lần họp, gần đây nhất là cuộc họp của 27 hộ dân với cán bộ Phường, người dân đều không đồng ý đặt trạm điện như vậy vì ảnh hưởng sức khỏe và không an toàn cho người dân, do đó người dân đề nghị dời vị trí đặt trạm điện ra khỏi khu vực hơn 30 hộ dân sinh sống. Vị trí di dời theo bà là cũng thuộc Khu phố Cây Da, gần Suối Cái, nơi có đồng trống và cách xa khu dân cư.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết bà không hài lòng vị trí đặt trạm biến áp ở khu dân cư, trạm điện sát nhà dân sẽ bị ảnh hưởng điện.
Tất cả người dân mà phóng viên VNTB tiếp xúc đều không đồng ý và yêu cầu di dời vị trí đặt trạm điện.
Người dân không đồng tình vị trí xây trạm biến áp 500kV

Báo cáo số 79/BC-UBND của UBND Phường Thạnh Phước  xác nhận cuộc họp ngày 15/7/2016 giữa 27 hộ dân với đại diện Đảng Ủy, HĐND, UBMTTQ, BQL các công trình điện miền Nam, ý kiến tại cuộc họp người dân đều không đồng thuận việc triển khai dự án Trạm biến áp 500kV tại vị trí nêu trên.
Cũng theo Báo cáo số 79/BC-UBND , tại cuộc họp, 27 hộ dân cho rằng: “Khu phố Cây Da còn rất nhiều vị trí thích hợp để bố trí trạm điện như: cách xa khu dân cư, gần đường dây trị an hiện hữu, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nhưng chủ đầu tư muốn ấn định tại vị trí hiện hữu nhằm giảm chi phí đầu tư.”
Đồng tình với ý kiến người dân, UBND Phường Thạnh Phước kiến nghị “Các ngành chức năng xem xét khảo sát đánh giá lại toàn bộ các yếu tố về hướng tuyến, nếu đảm bảo thì cho di dời vị trí Trạm biến áp 500kV vào khu vực ven Suối Cái thuộc Khu Phố Cây Da, Phường Thạnh Phước”.

Giả mạo chữ ký 73 người dân, lập danh sách khống để được duyệt dự án
 
“Danh sách hộ tham dự lấy ý kiến tham vấn cộng đồng” gồm 73 người đại diện ký tên, có đóng dấu của UBND xã Thạnh Phước kèm Biên bản đề ngày 13/10/2013 có đại diện Công ty tham vấn xây dựng điện 3. Đây là một danh sách khống, nét chữ của một người, chữ ký đều giả mạo.
Bà Phạm Thị Hai cho biết không có cuộc họp nào của 73 người vì dân không ai đi họp. Bà nói: “Tôi đã coi danh sách, và tôi nhìn vào đó tôi thấy chữ ký không phải là chữ ký của tôi. Có những người không có dính líu gì mà cũng có tên trong danh sách. Trong khi nhiều người có đất trong qui hoạch trạm điện, nằm dưới lưới điện hoặc nhà gần thì lại không có trong danh sách. Tôi không biết ở đâu có danh sách đó. Tôi khẳng định chữ ký trong đó không phải là chữ ký của tôi, tôi không có đi họp. Một số người khác cũng nói rằng người ta không có đi họp và chữ ký cũng không phải là chữ ký của người ta”.
Danh sách chữ ký “tham vấn cộng đồng” khống này được lập cách ngày dự án được duyệt chỉ hơn hai tháng cho thấy sự cấp tập, có thể người ta gấp gáp lập ra nó để được duyệt dự án mà thôi.
Phóng viên VNTB đặt câu hỏi thắc mắc với một người dân giấu tên rằng vì sao năm 2013, cán bộ UBND xã lập danh sách khống để dự án nhanh chóng được duyệt, nhưng đến năm 2016 thì Chủ tịch UBND Phường Thạnh Phước lại đồng tình với ý kiến người dân đề nghị thẩm định lại và di dời vị trí đặt trạm biến áp? Người dân này cho biết vì áp lực của các cơ quan cấp trên chỉ đạo, nếu xã không làm theo thì sẽ bị kỷ luật, khiển trách. Còn thực tế trong phường ai cũng thấy vị trí đặt trạm điện 500kV hiện hữu là không hợp lý, cần phải di dời.


Kết

Tác hại đối với sức khỏe của trạm biến áp 500kV là rất nghiêm trọng nếu cường độ điện trường vượt quá 5kV/m bên ngoài hoặc vượt quá 1kV/m bên trong nhà ở của dân, theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP. Qua tiếp xúc thực tế và xem xét hồ sơ, cho thấy ý kiến của người dân là xác đáng. Những yêu cầu của người dân cần được tôn trọng. Trong Khu phố Cây Da còn những vị trí khác xa dân cư, xa trường học phù hợp đặt trạm biến áp 500kV. Nếu di dời đến những vị trí này vẫn đảm bảo đúng như Dự án do Bộ công thương phê duyệt. Vì vậy, cần xem xét di dời vị trí đặt trạm biến áp 500kV Tân Uyên để đảm bảo an toàn sức khỏe và giống nòi cho người dân địa phương.
Tham khảo:

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)