Việt Nam Thời Báo

VNTB – Doanh nghiệp ngành thủy sản yêu cầu cần cho phép tích tụ ruộng đất

Hàn Lam

 

(VNTB) – Đề nghị cần chấp nhận về quyền tích tụ ruộng đất, vì nguồn nguyên liệu hải sản khai thác trong nước ngày càng hạn chế.

 

“Kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật đất đai, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp”.

Trong bài phát biểu tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi trung tuần tháng tư này, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sở dĩ có đề nghị cần chấp nhận về quyền tích tụ ruộng đất, vì nguồn nguyên liệu hải sản khai thác trong nước ngày càng hạn chế.

“Chính phủ cần xem nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt hợp pháp từ nước ngoài là nguồn tài nguyên lớn mà Việt Nam có thể đẩy mạnh thu gom, nhập khẩu để phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch và chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, quy định những vùng nuôi, những loài hải sản được khai thác với kích cỡ nhất định, đồng thời có chính sách khuyến khích nuôi biển…” – người đứng đầu tổ chức VASEP lập luận.

Về lý thuyết quản trị, tích tụ ruộng đất là một dạng tích tụ tư bản dưới hình thức hiện vật trong nông nghiệp, vì ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được của nông nghiệp.

Lợi thế kinh tế theo quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp là có giới hạn, do đặc điểm sản xuất mang tính sinh học quy định. Đó cũng là một hình thức thuê đất để tích tụ ruộng đất với quy mô đủ lớn và sản xuất theo hợp đồng. Để có đất đai đáp ứng yêu cầu kinh doanh, nhà đầu tư có thể mua quyền sở hữu hay thuê quyền sử dụng đất theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”. Trong trường hợp thuê đất, nhà đầu tư kinh doanh phải trả địa tô cho chủ đất.

Thể chế chính trị của nhà nước Việt Nam hiện nay vẫn bảo thủ quan điểm cho rằng, tích tụ ruộng đất dẫn đến bần cùng hóa nông dân, sản sinh ra lớp địa chủ mới, khôi phục lại hình thức bóc lột địa tô thông qua quan hệ phát canh – lĩnh canh, địa chủ – tá điền. Nhưng cũng có quan điểm – như VASEP cho rằng, tích tụ ruộng đất là tất yếu khách quan trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực tế đã xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp không theo quy định (tích tụ ruộng đất ‘chui’ do vượt quá hạn mức cho phép), nhưng thực tiễn vẫn diễn ra mặc dù pháp luật không cho phép. Theo đó, bên cạnh sản xuất phát triển, sẽ nảy sinh vấn đề “nông dân không có ruộng”, “làm thuê trên mảnh ruộng của mình”…

Trao đổi bên lề tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi trung tuần tháng tư vừa qua, một chuyên viên pháp lý của VASEP cho rằng trong chuyện tích tụ ruộng đất có loạt vấn đề cần phải thay đổi về lập pháp như sau:

Trước hết, phải thẳng thắn nhìn nhận hạn mức nhận quyền sử dụng đất của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp hiện tại chưa khuyến khích được nông dân tích tụ ruộng đất cũng như chưa phù hợp với thực tiễn, do tình trạng hộ gia đình khi tích tụ ruộng đất đã phải mượn người khác đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tránh vượt hạn mức.

Chỉ riêng việc giải quyết về mặt pháp lý đối với những hợp đồng mua đất nhưng không làm các thủ tục chuyển nhượng đã là một việc khó khăn, dễ xảy ra khiếu kiện. Điều này gây không ít khó khăn cho người dân khi muốn phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng lại khó tiếp cận với các nguồn tín dụng thông qua việc thế chấp quyền sử dụng đất với phần diện tích ngoài hạn mức.

Chính vì vậy, việc quy định hạn mức nhận quyền sử dụng đất không thể giới hạn ở mức 10 lần hạn mức giao mà phải xét quy mô theo từng vùng, miền cho phù hợp.

Thứ hai, quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định nên việc tích tụ, tập trung ruộng đất còn chậm và gặp nhiều khó khăn, chưa khuyến khích được các hộ gia đình, cá nhân cũng như các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Với thời hạn quy hoạch sử dụng đất hiện nay là 10 năm, trong khi quá trình tích tụ ruộng đất của người dân, doanh nghiệp đã có thời hạn sử dụng đất dài hơn, ổn định hơn để các hộ nông dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, đặc biệt đối với các khu vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ ba, theo quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổng diện tích được nhận chuyển quyền trong hạn mức đối với mỗi loại đất (đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) vẫn chưa phù hợp với thực tiễn.

Thứ tư, cơ chế, chính sách đất đai ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa có, trong khi đây là động lực để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về nông nghiệp. Đây cũng chính là ý chính trong đề xuất của VASEP trong chuyện tích tụ ruộng đất để phục vụ cho yêu cầu nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp ngành thủy sản.


Tin bài liên quan:

Chuyển đổi sân Golf Phan Thiết có đúng quy định pháp luật không? ( Bài 1 -2)

Phan Thanh Hung

VNTB – Xuất khẩu tôm của Việt Nam sụt giảm rất mạnh

Do Van Tien

VNTB – Liệu Luật đất đai sửa đổi lại có bị lùi?

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 16.04.2023 10:36 at 22:36

Đảng nên khuyến khích những hình thức Hợp Tác Xã kiểu mới như thế này

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo