Hàn Lam
(VNTB) – Sau khi việc thu gom cổ phiếu đã xong, thì Ủy ban Chứng khoán nhà nước mới xử phạt các tổ chức và cá nhân trên do mua “chui” cổ phiếu.
Ngay sau khi ông chủ của tập đoàn FLC vướng lao lý, trên sàn chứng khoán ở hôm sau đó được cho rằng có những tổ chức, cá nhân ủ mưu thâu tóm FLC thông qua giao dịch bất thường của cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Cảnh báo này có cái lý của nó, vì trong giới làm ăn ai cũng nhớ một thương vụ điển hình trước đây là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam vào năm 2015. Vụ sáp nhập này đã giữ lại tên Sacombank, nhưng hàng loạt lãnh đạo cũ đã gắn bó lâu năm với nhà băng này đều ra đi.
Lúc đó, cổ phiếu STB của Sacombank trên sàn giảm mạnh, từ khoảng 22.000 đồng xuống còn khoảng 11.600 đồng và đã có hơn 26 triệu đơn vị được giao dịch. Đầu năm 2012, Ngân hàng ANZ bán toàn bộ cổ phần là 9,6% vốn điều lệ tại Sacombank cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank).
Song song đó, Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Exim đã mua gần 50,4 triệu cổ phiếu STB, chiếm 5,17% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Sacombank (Eximbank cũng chính là 1 trong 3 tổ chức sáng lập của Công ty đầu tư Sài Gòn Exim).
Điều bất thường là việc mua gom cổ phiếu của một số tổ chức và cá nhân như Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Exim đã thực hiện âm thầm mà không công bố dù đã trở thành cổ đông lớn. Hay ông Trần Phát Minh, từng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Nam, cũng mua vào hơn 1,544 triệu cổ phiếu Sacombank, trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này với tỷ lệ nắm giữ 5,01%…
Sau khi việc thu gom cổ phiếu đã xong, thì Ủy ban Chứng khoán nhà nước mới xử phạt các tổ chức và cá nhân trên do mua “chui” cổ phiếu.
Kịch bản thâu tóm dần dần được hé lộ với những giai đoạn tiếp theo thông qua ma trận sở hữu chéo. Đó là nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng ACB sở hữu trên 20% cổ phần của Eximbank và chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho nhóm ông Trầm Bê, nhưng đứng tên sở hữu là các thành viên hội đồng quản trị của Eximbank…
Thông qua Eximbank, Phương Nam cùng các công ty có liên quan, ông Trầm Bê sở hữu trực tiếp và gián tiếp tới 37,7% vốn điều lệ tại Sacombank vào đầu năm 2012.
Sau đó, bất ngờ phía Ngân hàng Eximbank có văn bản gửi Sacombank đề nghị bầu lại toàn bộ hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đồng thời đề cử đại diện vào thành viên hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của ngân hàng này.
Trong văn bản yêu cầu, Eximbank cho biết đã được ủy quyền đại diện cho nhóm cổ đông đa số (chiếm 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) của Sacombank.
Đến cuối tháng 5-2012, có 6/10 thành viên hội đồng quản trị mới tại Sacombank là người của gia đình ông Trầm Bê, Phương Nam, Eximbank và bắt đầu kế hoạch thực hiện sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank…
Toàn bộ vụ việc từng được cho là khi ấy có bàn tay của vị thủ tướng đương nhiệm với đồn đoán ông Trầm Bê vốn là kinh tài cho vị chính khách có quê gốc xứ Kiên Giang này.
Rồi thời thế thay đổi, khi ông Nguyễn Tấn Dũng không tranh lại ghế Tổng bí thư, và ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm Thủ tướng, vậy là người ta lại thấy ông chủ cũ hồi nào của Sacombank lại quay về…
Thực tế cho thấy, những cá nhân từ ngân hàng tham gia điều hành quản lý doanh nghiệp sẽ đối mặt với vấn đề mâu thuẫn về lợi ích, bởi vì trong cương vị quản lý, cá nhân này có thể sử dụng quyền hạn của mình để làm lợi cho ngân hàng thay vì doanh nghiệp. Thêm vào đó, nhóm lợi ích đóng vai trò sở hữu trực tiếp các doanh nghiệp hình thành từ các mối quan hệ gia đình, sự liên minh giữa các bên hay các hành vi thâu tóm lẫn nhau với mục đích tăng vốn hoặc tạo ra “sân sau” thực hiện hoạt động tín dụng thường làm cho tình hình sở hữu chéo thêm tồi tệ.
Điều này dẫn đến một mạng lưới các mối quan hệ “không thể bẻ gãy” giữa doanh nghiệp và ngân hàng, thường lợi dụng quyền sở hữu, quyền biểu quyết để quản trị và đưa ra các quyết định tín dụng.
Thời gian qua tại Việt Nam cho thấy “sở hữu chéo” đang được hiểu và áp dụng một cách bóp méo, như vậy từ đó gây ra hệ lụy lớn cho nền kinh tế, tạo ra các ứng xử tiêu cực trong quá trình thực hiện tăng vốn và quản trị, cản trở năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tác động đến phân bổ quyền sở hữu tài sản và tạo ra nợ xấu trong hệ thống tài chính quốc gia.
Và vấn đề đáng lo ngại hơn là đứng đàng sau đó dường như luôn có các quyền lực chính trị đóng vai trò bảo trợ…