Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đôi dòng hai tiếng: dạy học

Diệp Chi

(VNTB) – Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm (!?)

Thời ‘trước đổi mới’, thi đậu vào đại học, trong đó có ngành sư phạm, nói chung là rất khó. Cả khóa thường chỉ có vài ba người đậu đại học chính thức (hồi đó còn có đậu dự bị). Thành phần thi đậu đại học hiển nhiên thuộc diện học lực đứng đầu. Trừ con liệt sĩ được ưu tiên, và con cán bộ thì ‘thi cho có tụ’!

Câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” có từ thời đó, nhưng không mang nghĩa là học dốt mới làm thầy. Đơn giản là bởi cái nghề giáo mặc dù được dán câu khẩu hiệu là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, nhưng lại là nghề đói rách nhất. Đói rách thì bị xã hội xem thường. Cho nên thời đó ông thầy hay bị giễu cợt “thầy giáo là tháo giày”, “giáo chức là dứt (ăn) cháo”. “Chuột chạy cùng sào” là chuột đói không lối thoát, vì thầy giáo thời ấy chẳng có kế sinh nhai nào khác ngoài đồng lương ba cọc ba đồng. Một số thầy giáo tranh thủ làm thêm cái nghề của người vô học như cày ruộng, nuôi gà, nuôi heo, đi xe ôm…

Sự “cùng sào” rõ ràng là mang nghĩa bần cùng. Chỉ vì yêu nghề mà người ta mới dấn thân vào sự bần cùng.

Tôi nhớ cái thời mình còn ngồi trên ghế nhà trường, đã được học những câu thành ngữ, tục ngữ về nghề “gõ đầu trẻ”: Không thầy đố mày làm nên; Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy)…. Có thể nói, khi ấy, hình tượng một giáo viên trong thế hệ học sinh chúng tôi thật trang nghiêm, để noi theo. Nhất là với những ông thầy hay bà cô khó tính, mỗi khi nói chuyện hay không chú ý vào bài là bị la ngay. Nói nào ngay, những lúc đó, sợ thì ít mà quê thì nhiều. Quê chứ sao không? Dù sao đi nữa, cũng đã lớn rồi, cũng đã có người cho mình “để ý” rồi. Mỗi khi bị phạt, nhìn lén sang bên, thấy em che mình khúc khích cười là “quê” muốn đỏ mặt luôn…

“Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Cúp tiết, trốn cấm túc, trèo tường ra khỏi trường để đi chơi… là những kỷ niệm mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được. Nhớ khi đó, thầy giám thị đã chạy theo, dí qua tầng lầu để bắt cho được bọn học sinh nghịch ngợm. Quên sao được hình ảnh của cô giáo dạy Văn, chấp nhận để gia đình sang một bên, lo cho đám nít quỷ chúng tôi ôn tập, thi tốt nghiệp rồi đại học…

Hôm nay, nhận được tin nhắn của đứa bạn thân cấp 3 tốt nghiệp trường Bách Khoa, đang làm về mảng game: “Tui lại nghỉ việc nữa rồi. Càng làm nhiều, càng thấy thêm áp lực, không phù hợp với ngành. Chắc sẽ chuyển qua đi dạy”.

Thật ra mà nói, tôi biết, với trình độ chuyên môn về Toán của bạn mình, nó có thể truyền đạt rất nhiều kiến thức đến cho học sinh (còn tiếp thu được bao nhiêu phụ thuộc vào cách hướng dẫn của nó cũng như khả năng hấp thụ kiến thức của từng học sinh). Dẫu biết rằng để thật sự trở thành một giáo viên, nói như lời của cô bạn đang dạy một trường ở Bình Chánh, phải đi học rồi thi công chức rồi Sở phân về trường…, nếu ai không tốt nghiệp từ trường Sư phạm thì phải có chứng chỉ Sư phạm do trường cấp. Chứ hoàn toàn không dễ dàng. Tuy nhiên tôi lại chẳng thấy vui tí nào. Không lẽ “đi dạy” (ở đây bao gồm dạy chính thức và dạy kèm) chỉ là cái ngành để những ai cảm thấy chán nản với công việc hiện tại của mình, muốn làm cái gì đó mới mẻ?

Cảm xúc thoáng qua, tôi lại chợt nhớ đến câu nói của một thầy giáo đang làm nghề, dặn dò đứa cháu trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm 2020: “Chọn ngành gì thì chọn nhưng cũng phải chọn sư phạm, để chi? Để phòng rớt hết thì vào sư phạm”.

Tôi cũng không biết từ bao giờ mà ông thầy giáo đó lại có suy nghĩ này. Tôi cho rằng, “gõ đầu trẻ” là một nghề cao quý. Tôi thừa nhận mình không phải là giáo viên. Song, thiết nghĩ, nghề nào cũng vậy, tâm huyết với nghề, thật sự yêu mến cái nghề, mới có thể vượt qua khó khăn cùng với nghề. Biết rằng, để thi đậu vào Sư phạm, là điều không dễ dàng nhưng đứa học sinh chuẩn bị vào phòng thi mang tâm lý đã chọn “sư phạm” làm con đường sơ – cua, lối thoát cho việc rớt đại học, ngẫm lại, thương cho mấy em học sinh quá!

Như suy nghĩ của bạn tôi, của ông thầy giáo có lẽ chỉ là thiểu số. Song, trộm nghĩ, nếu như một ngày nào đó, những người như vậy “may mắn” ra làm thầy, liệu rồi thế hệ học sinh sẽ như thế nào?

Lỗi thuộc về ai? Do chính từ suy nghĩ cá nhân của mỗi con người hay do lỗi từ chính hệ thống giáo dục?

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: sáng kiến?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không có lửa thì sao có khói?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Câu chuyện học thức

Phan Thanh Hung

1 comment

Loi Tran 22.08.2020 1:15 at 01:15

Làm ruộng, nuôi heo, gà, chạy xe ôm…chưa phải là vô học đâu bạn ơi!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.