Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đôi nét phản biện về cải cách giáo dục ở Việt Nam cho học sinh tiểu học

Trần Thị Thảo 

 

(VNTB) – Ngay từ khi chương trình cải cách về phát âm, đánh vần, thay đổi nét chữ cho học sinh  ra đời đã có nhiều ý kiến góp ý.

 

Có thể nói những năm 50; 60 của thế kỷ trước (thế kỷ 20), nền giáo dục của VN vẫn còn chịu ảnh hưởng nhiều của nền giáo dục Pháp. Nhiều cán bộ trong ngành và nhiều thầy cô giáo đã sống và làm việc dưới thời thuộc Pháp cai trị, thời đó đúng là “Thầy ra thầy , trò ra trò “, làm gì có chuyện trò đánh thầy hay thầy ăn tiền của phụ huynh để nâng sửa điểm,  không có chuyện dạy thêm, học thêm,… như bây giờ.

Một thời gian ngắn sau ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4 năm 1975,  ngành giáo dục bắt đầu cải cách toàn diện cho phù hợp với yêu cầu hiện tại của đất nước.

Về cải cách giáo dục ( CCGD) có nhiều điểm tích cực nhưng cũng có nhiều điểm chưa đạt.

Bài viết này tôi chỉ nêu ra quan điểm của cá nhân tôi về vấn đề thay đổi cách phát âm , cách đánh vần và thay đổi nét chữ ở nhiều chữ cái trong tiếng Việt.

Như trên tôi đã nói, những năm 50, 60 và cả những năm đầu thập kỷ 70, nền giáo dục của ché độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều mặt tốt của nền giáo dục Pháp. Ở lớp Vỡ lòng ( thời đó có lớp Vỡ lòng trước khi bước vào học lớp Một của hệ 10 năm ), thầy dạy cho học sinh cách phát âm các chữ cái như sau ( tôi chỉ lấy ví dụ một số chữ ):

B(b) phát âm là “bê”

C(c) phát âm là ” xê”

D(d) ………………”dê”

Đ(đ)………………..”đê”

P( p)..……………..”pê”

v…v

Hiện nay trong 29 chữ cái thì CCGD đã thay cách phát âm tới 14 chữ, ví dụ :

B(b)  phát âm là ” bờ”

C(c) ……………….  “cờ”

D(d)………………….”dờ”

Đ( đ)………………….”đờ”

v…v

Cách đánh vần hiện nay cũng khác trước, ví dụ chữ ” VIỆT”

Trước 1975 : đánh vần như sau:  i ê tê iết  ; vê iết viết nặng việt.

Hiện nay : i ê tờ iết ; vờ iết viết nặng việt .

Phải thừa nhận, sau Cải cách Giáo dục đã có nhiều chữ đánh vần dễ hơn trước kia nhưng không khắc sâu vào trí nhớ cho học sinh.

Trước năm 1975, ở các lớp Vỡ lòng kể cả ở lớp Một, không hiếm thầy cô cầm tay cho học sinh viết nắn nót từng chữ, nhất là những  chữ có nét bụng trên, bụng dưới như chữ l; h; g; y . Tuy chúng có hơi khó viết nhưng phải thừa nhận là những chữ có nét bụng đó đều rất đẹp . Sau này nhờ cải cách mà học sinh thấy viết dễ  hơn vì người ta đã cho bỏ những đường cong mềm mại của chúng. Nhưng về mặt thẩm mỹ thì nhìn những chữ trên sau cải cách thấy chúng đứng thẳng như trời trồng.

Sau vài năm , Bộ GD lại công nhận cách viết có bụng ” nét bụng dưới và nét bụng trên ” của những chữ l, g, h,y , nhưng học sinh lớp trên vẫn có thể viết không bụng những chữ ấy

Và đây là hệ lụy của phát âm theo kiểu mới:

Đầu năm lớp 2 trong môn Tiếng Việt, thày cô lại phải dạy lại cách phát âm các chữ cái cho học sinh, tức là dạy cách phát âm giống như thời những năm 50; 60 của thế kỷ trước. Sỡ dĩ  phải quay lại cách phát âm cũ vì ở ngay những ngày đầu lớp 2, học sinh đã phải đọc được tên một số hình trong hình học. Vậy, nếu theo cách phát âm cũ thì học sinh sẽ đọc là : tam giác A BỜ CỜ , tứ giác A BỜ CỜ DỜ …thế thì buồn cười lắm.

Như vậy , chỉ trong vòng có mấy tháng chuyển từ lớp Một sang lớp 2 mà đã phải học tới 2 lần cách phát âm, điều này làm ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ nhỏ và gây khó khăn cho phụ huynh khi kèm cặp con em họ ở nhà. Đó là chưa kể đến việc làm tốn kém nhiều tiền bạc cho những công việc soạn, in, …sách giáo khoa .

Ngay từ khi chương trình cải cách về phát âm, đánh vần, thay đổi nét chữ cho học sinh  ra đời đã có nhiều ý kiến góp ý. Nếu Bộ Giáo dục thấy những cái được, cái hay thì duy trì và cái chưa được thì sửa chữa sẽ tốt biết bao. Nhưng cho đến nay vẫn không hề thay đổi mặc dù năm học 2020 – 2021 Bộ Giáo dục lại tiến hành Cải cách một lần nữa.

Trên đây là một số phản biện của cá nhân tôi, với mong muốn nền giáo dục nước nhà sẽ ngày một tươi sáng hơn. Mong những nhà sư phạm trong và ngoài nước góp ý thêm, cám ơn!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Dạy trẻ em họp quốc hội bù nhìn và nói láo

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tiễn “anh” Thanh

Phan Thanh Hung

VNTB – Rối: trường đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo