Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đóng góp tiền mua vắc xin: “kế hoạch nhỏ” kiểu mới!

Hồng Thắm

 

(VNTB) – Sài Gòn túng thiếu tới cái độ phải ngửa tay nhận tiền từ người già và trẻ nhỏ để mua vắc xin?!

 

Ngày còn đeo khăn quàng đỏ cách đây trên 30 năm, tôi hăng hái tham gia phong trào kế hoạch nhỏ. Thầy cô phụ trách đội kêu gọi các đội viên nhịn tiền ăn sáng để đóng tiền làm kế hoạch nhỏ. Thời khốn khó, ăn không đủ nhưng học trò ốm yếu lại được kêu gọi nhịn ăn. Những bữa trưa đi về bụng đói nhưng lũ con nít chúng tôi hớn hở vì được khen, đứa nào góp nhiều nhất thì còn được nhận cái giấy khen.

Chúng tôi còn được kêu gọi mang giấy báo cũ, chai lọ tới nộp cho thầy cô phụ trách đội để bán đi góp tiền gây quỹ. Giờ nghỉ buổi trưa chúng tôi được khuyến khích dán bao giấy để bán cho các tiệm tạp hoá gây quỹ đội.

Những đứa trẻ choi choi 10-12 tuổi nghe sao làm vậy mà chưa bao giờ đặt một câu hỏi tiền góp lại để làm gì, ai sử dụng và cũng chưa bao giờ thấy số tiền được tích góp vô đó bao giờ. Cho đến giờ tôi vẫn tự hỏi không biết số tiền lúc đó đã đi đâu.

Chuyện đã qua trên 30 năm, giờ lại được nghe kêu gọi làm “kế hoạch nhỏ” kiểu mới: đóng góp tiền mua vắc xin!

Kế hoạch nhỏ kiểu mới

Báo Tuổi Trẻ đã  “phát động chương trình Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19”.

Nghệ sĩ Quyền Linh cho rằng đó là trách nhiệm của người công dân, của người nghệ sĩ. Nghệ sí Kim Cương cũng có cùng ý nghĩ, bà nói đây là “một chương trình nhân đạo, liên quan đến sự an toàn của cả nước không của chỉ riêng ai và là phận sự của con người với con người, là trách nhiệm và là tình thương.”

Sau những lời hô hào trên là tiếp tới những tấm gương “góp tiền mua vắc xin” cho Sài thành như chú Bùi Quang Thảo (70 tuổi, ngụ quận Tân Phú) mang tới 5 triệu đồng, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Hoàng (78 tuổi) cũng đóng góp một ít trên báo Tuổi Trẻ. Tuổi Trẻ còn tự hào đưa cho lên bài về trẻ em 8 tuổi và cụ già 92 tuổi cũng đóng góp tiền để dành để chứng tỏ người dân hồ hởi thực hiện “trách nhiệm công dân”.

Báo Lao Động cũng phát động luôn chương trình “Triệu trái tim – Một tấm lòng – Vắc-xin vượt qua Covid-19” và đ ưa tin cô bé 5 tuổi Mai Nguyễn Minh Anh đập heo đất góp1.070.000 đồng tiền lì xì để đóng góp; cụ ông 81 tuổi Nguyễn Văn Tư từ Hóc Môn trao tặng 20 triệu tiền phúng điếu người vợ quá cố của mình để làm từ thiện.

Đài truyền hình HTV cũng có chương trình tương tự được đặt tên là “Triệu trái tim – Một tấm lòng – Vắc-xin vượt qua Covid-19” với kỳ vọng sẽ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cộng đồng, góp phần lan tỏa niềm tin và sự chung tay chiến thắng đại dịch.

Không lẽ Sài Gòn túng thiếu tới cái độ phải ngửa tay nhận tiền của người già và trẻ nhỏ?

Có phải cứ có tiền là có vắc xin?

Đọc tới tâm tình của những người mang tiền đi góp thì thấy họ nhận định rằng cần phải sớm có vắc xin để cuộc sống trở lại bình thường, và để được vậy thì phải có tiền.

Như vậy gười dân đi đóng góp vì nghĩ sớm có tiền thì sẽ sớm có vắc xin!

Nhưng đâu phải cứ có tiền mang tới mua là hãng dược người ta bán!

Nếu như vậy, thì có lẽ các nước Âu Mỹ giờ đã mua được vắc xin cho dân họ được hết rồi. Họ đã đàm phán mua từ lâu, nhưng mà vắc xin chưa sản xuất ra kịp cho mọi đơn đặt hàng khổng lồ.

Tất các các quốc gia trên thế giới, dù giàu hay nghèo đều phải xếp hàng chờ tới luợt. Tiến độ sản xuất vắc xin phụ thuộc và nhiều yếu tố khách quan.

Các hãng dược đã làm hết công suất, nguy cơ không sản xuất đủ theo yêu đơn hàng đã xảy ra vì do chuỗi cung ứng không đáp ứng được, ví dụ như thiếu kim hay ống chích  khi các nhà máy ở Trung Quốc không thể sản xuất kịp. Nhiều quốc gia cho tới giờ vẫn chưa có thể nhận được số vắc xin mà nhà sản xuất đã cam kết dù họ đã đặt mua từ lâu.

Hồi tháng Giêng có tin EU sẽ chỉ nhận được chưa đến 40% số vắc xin đã được hưa giao trong quý 1 năm 2021 từ AstraZeneca.  

AstraZeneca chỉ cung cấp cho EU 17% liều vắc xin mà họ sản xuất trong một tháng khi hiện nay hãng dược này có công suất làm ra 100 triệu liều/tháng. Cần nói thêm là EU đã ký hợp đồng với AstraZeneca từ tháng 9 năm ngoái và đã trả trước 404 triệu đô la mỹ để đặt mua 400 triệu liều vắc xin, trong khi Việt Nam chỉ mới đàm phán hồi đầu năm nay.

Ngoài ra còn có chính sách phân chia vắc xin được áp dụng để các quốc gia nghèo hơn vẫn có thể mua vắc xin cho những nhân viên y tế và người yếu thế. Vì vậy cho dù là Sài Gòn có huy động được hàng ngàn tỷ hơn gấp mấy chục lần Thuỷ Tiên thì sẽ vẫn phải đứng đợi. 

Quốc tế đã viện trợ cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin theo chương trình COVAX. Việt Nam cũng được hưởng các khoản viện trợ phòng chống COVID-19 như Hoa Kỳ viện trợ 9,5 triệu đô la, Nhật viện trợ 2 tỷ yên, ADB viện trợ 600.000 USD, World Bank viện trợ không hoàn lại 6,2 triệu đô la. Việt Nam còn có ngân sách phòng chống dịch bệnh, ngân sách nhàn rỗi của các hội đoàn nhà nước như chỉ riêngTổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam có đến 29.000 tỷ đồng. 

Vậy thì tại sao lại còn phải phát động phong trào kêu gọi đóng góp tiền mua vắc xin?

Mua vắc xin, chăm lo sức khoẻ  cho dân đã đóng thuế nuôi cả bộ máy đảng và chính phủ là trách nhiệm của nhà nước của đảng chứ không phải đẩy qua cho dân!

Lãnh đạo và truyền thông là giải thích cho dân hiểu chứ không phải lừa mỵ dân!

P/S: Đại gia nhập lô vắc xin 117.000 liều về Việt Nam đầu tiên nghe đâu là con rể của một quan chức gạo cội!


Tin bài liên quan:

VNTB – Họ có còn kịp mua cơm không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính trị hóa việc chống dịch Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Người đứng đầu Đảng đã dũng cảm nhận sai?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo