Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đồng Tâm: lời thú tội trên truyền hình có là bằng chứng kết tội?

Đồng Tâm

 

(VNTB) – Và khi các nguyên tắc của pháp luật, quyền mà pháp luật trao cho các chủ thể chưa được tôn trọng thì các bản thú tội trên truyền hình chỉ làm cong vênh cái gọi là pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Còn những ai tin rằng, người dân Đồng Tâm có tội bằng sự tự thú trên truyền hình, thì người đó vẫn chưa hiểu về pháp quyền thực sự là gì.

 

Những lời ‘thú tội’ của những người dân Đồng Tâm liên quan đến sự kiện ngày 9/1 được phát trên tivi (truyền hình).

Về mặt hình thức, nó là lời thú tội. Lời thú tội chống lại chính quyền lợi của bản thân mình. Có thể những con người đó sau quá trình khuyên nhủ của cán bộ bằng những “nghiệp vụ” đầy nhân văn đã bị cảm hóa.

Nhưng vẫn có gì đó sai sai, có vẻ như khuôn có những vết bầm tím, có phải là hệ quả của những đêm thức trắng vì nghiền ngẫm lời cán bộ? Nhưng nếu không phải thì sao?

Nếu không phải họ thú nhận trong sự tự vấn lương tâm, thì có thể họ bị buộc phải khai những lời chống lại chính mình trong tình trạng bị ép bức trước đó.

 

Cưỡng bức thú tội?

“Mớm cung, bức cung, nhục hình” là ba cụm từ miêu tả nghiệp vụ của không ít cảnh sát các nước nhằm biến “thỏ thành gấu”. Thực tế, chính yếu tố này đã làm nên những vụ án oan kinh điển gây chấn động xã hội. Tại Việt Nam, trường hợp ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), và ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) là hai trong số nhiều vụ oan sai do bức cung, nhục hình từ các điều tra viên gây ra. [1]Theo Từ điển Luật học Black, một lời thú nhận là “tuyên bố thừa nhận hoặc thừa nhận tất cả các sự kiện cần thiết để kết tội”, điều này sẽ khác với việc thừa nhận một số sự thật nhất định, tất nhiên các yếu tố này sẽ không thỏa mãn để cấu thành hành vi phạm tội. Để thực sự kết tội, thì lời thú tội phải được kiểm tra chéo với các sự kiện khách quan hoặc các dạng bằng chứng khác (tang vật, lời khai các nhân chứng).

Nhưng điều đó chỉ đúng khi mà bản thân lời khai đó diễn ra trong tinh thần tự nguyện hối lỗi, chứ không phải bị “mớm cung, bức cung, nhục hình”, bởi như thế nó sẽ làm mất đi tính khách quan.

Theo Đạo luật Cảnh sát và bằng chứng hình sự năm 1984 (PACE) của Anh Quốc và  xứ Wales, thì một Tòa án sẽ loại trừ bằng chứng nếu như việc thừa nhận bằng chứng đó sẽ ảnh hưởng xấu đến sự công bằng trong tố tụng mà Tòa án không nên thừa nhận [2], hoặc nếu bằng chứng đó được thực hiện bằng cách tra tấn. [3]

Quay trở lại vấn đề, vì xác nhận lời thú tội trước công chúng là một hình thức ảnh hưởng nhân quyền, nên trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 [4] tại Điều 11 ghi nhận: Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó đã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp. [4]

Thế nhưng, cũng tại một số quốc gia, tình trạng sử dụng lời “thú tội” trước công chúng, cụ thể là truyền hình được sử dụng thường xuyên, nhưng áp dụng cho các cá nhân có hành vi “xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”, cụ thể nhóm người “thú tội trước truyền hình” bao gồm những nhà bất đồng chính kiến, những thành viên thuộc các tổ chức nhân quyền, thậm chí là những người từng là chính trị gia. Mục đích có thể là làm mất uy tín, bôi nhọ hoặc bất cứ thứ gì mà chính quyền mong muốn để dẹp yên dư luận.

Tại Trung Quốc, vào ngày 12/7/2015, đài truyền hình quốc gia CCTV đã dành hẳn 10 phút phát sóng lời thú tội của một luật sư nhân quyền Zhai Yanmin và cộng sự của ông. Cả ba người đã mô tả cách thức “tổ chức các cuộc biểu tình được trả tiền”.

Tương tự tại Việt Nam có thể nhắc đến trường hợp “Mẹ Nấm”, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh.

 

Những lời thú tội này có thể được ghi hình lại nhiều lần, để cho công chúng thấy sự “hối hận, thành khẩn” của người đang thú tội.

“Những lời thú tội trên truyền hình phục vụ nhu cầu chính trị “, Wang Qinglei, biên tập viên CCTV, người đã bị cách chức vào năm 2013 cho biết. [5] Và các lời thú tội tương tự kiểu này cũng nhằm “củng cố kiểm soát xã hội” của Chính phủ, Đảng.

Làm sao thoát ra khỏi câu chuyện thú tội trên truyền hình?

Xét dưới góc nhìn nhân quyền, hình thức này là bôi nhọ con người, xâm phạm trực tiếp quyền được im lặng và xâm phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội. Tất nhiên, nếu đó là một nhà nước pháp quyền thực sự, và hành xử theo pháp luật thì những nhà lập pháp – hành pháp – tư pháp sẽ cảm thấy bị “xấu hổ”.

Hiến pháp năm 2013 đặt ra quy định tại Chương II – “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013).

Bộ Luật tố tụng Hình sự tại Điều 13 đã quy định một nguyên tắc hoàn toàn mới của tố tụng hình sự Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Do đó, yêu cầu tuân thủ pháp luật được đề ra phải được đặt lên hàng đầu. Và khi các nguyên tắc của pháp luật, quyền mà pháp luật trao cho các chủ thể chưa được tôn trọng thì các bản thú tội trên truyền hình chỉ làm cong vênh cái gọi là pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Còn những ai tin rằng, người dân Đồng Tâm có tội bằng sự tự thú trên truyền hình, thì người đó vẫn chưa hiểu về pháp quyền thực sự là gì.

Tham khảo

[1] https://tuoitre.vn/oan-sai-do-buc-cung-nhuc-hinh-1015864.htm
[2] http://www.legislation.gov.uk/ukpga/1984/60/section/78
[3] http://www.bailii.org/uk/cases/UKHL/2005/71.html
[4] https://www.lexilogos.com/declaration/vietnamien.htm
[5] https://www.bbc.com/news/world-asia-china-25198882

 

Tin bài liên quan:

VNTB – CIVICUS: Chuyên viên LHQ quan ngại các vi phạm về quyền tại Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Nếu tôi là lãnh đạo- sẽ không xảy ra vụ Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

VNTB – Thực nghiệm hiện trường vụ án hình sự ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo