VNTB – Ông Lê Đình Kình đã tử vong như thế nào?

VNTB – Ông Lê Đình Kình đã tử vong như thế nào?

Triệu Tử Long

(VNTB) – Không có câu trả lời về nguyên nhân tử vong của ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Tại buổi họp báo bắt đầu từ 8 giờ 45 sáng 14-1, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin với lãnh đạo các cơ quan báo chí về diễn tiến sự việc tại Đồng Tâm vào đêm 8, rạng sáng 9-1, rằng, ‘Khi lực lượng chức năng tiến vào trên tay Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn’.

Kịch bản được viết lại

Tại buổi họp báo không có thêm thông tin về cái chết của ông Kình, và cũng không có giải thích vì sao có đường chỉ phẫu thuật chạy từ phía cổ họng của ông Kình xuống tới bọng đái; đặc biệt là nghi vấn về lỗ thủng nhỏ gần vị trí trái tim của ông Kình, được ngờ rằng bị súng ngắn sát thương với cự ly gần.

Trung tướng Lương Tam Quang nói rằng ông Lê Đình Kình đứng đầu nhóm người dân chống đối việc xây dựng hàng rào bao quanh sân bay Miếu Môn.

Luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét với nội dung họp báo được báo chí lược thuật, kịch bản vụ Đồng Tâm đã được viết lại. Hiện trường vụ án chuyển từ tường rào Miếu Môn theo thông báo ban đầu của trang thông tin điện tử Bộ Công an, thì nay thay đổi vào tư gia nhà dân… Và lần đầu tiên cơ quan công quyền đã phải thừa nhận: Lực lượng vũ trang chủ động tiến vào thôn; Không có lệnh khám xét nhà hoặc bắt giữ người; 03 chiến sĩ tử vong đã tự té vào khoảng không giếng trời giữa hai nhà dân sâu đến 4m; và dân không đào hầm chông, rải mảnh sành.

“Nhưng vẫn chưa thể giải thích thỏa đáng được nhiều yếu tố nghi vấn khác. Vài yếu tố trong số ấy là yếu tố thời điểm 2 giờ 00 hay 4 giờ 00 sáng xảy ra vụ án, và cơ sở pháp lý của các hoạt động trấn áp vũ trang?. Chính các yếu tố còn nghi vấn này quyết định tính hợp pháp của chính quyền trong sự kiện xảy ra vào rạng sáng ngày 09/01/2020” – luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.

‘Khi lực lượng chức năng tiến vào trên tay Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn’ như thông tin được Trung tướng Lương Tam Quang tái khẳng định ở buổi họp báo, nhưng lại không cho biết việc các lực lượng chức năng đã ‘vô hiệu hóa’ quả lựu đạn này ra sao, khi ông Lê Đình Kình vốn là người từng tham gia ‘kháng chiến chống Mỹ’, là Trưởng Công an xã – có nghĩa ông Kình biết sử dụng vũ khí sát thương.

Trung tướng Lương Tam Quang cho biết căn cứ pháp lý cho việc sử dụng lực lượng vũ trang hôm 9-1 là theo Luật An ninh quốc gia.

Luật An ninh quốc gia cho phép… nổ súng vào cụ già 84 tuổi?

Vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm được phía Bộ Công an cho rằng vai trò ‘cầm đầu’ là ông Lê Đình Kình, song lại không được giải thích rõ ở buổi họp báo hôm 14-1 là đã vi phạm vào điều khoản cụ thể nào ở Điều 13, của Luật An ninh quốc gia, về “Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, khống chế, kích động, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người khác nhằm chống chính quyền nhân dân, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia cắt đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

2. Nhận nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tham gia, giúp sức, cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; 3. Thu thập, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tiết lộ, cung cấp, tán phát trái phép tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước;

4. Xâm phạm mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia; 5. Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; 6. Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 7. Hành vi khác xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan”.

Ý kiến bên lề buổi họp báo của Bộ Công an: Vấn đề đặt ra là tại sao phía Nhà nước, đại diện là UBND TP. Hà Nội, lại không đơn phương đưa ra tòa phân giải, nếu thấy rằng ‘phe ông Kình’ – ở đây, phía Bộ Công an gọi đó là “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu, không chịu giải quyết tranh chấp bằng pháp luật? Việc “bảo vệ công trình từ xa” như báo chí đăng theo lời của tướng Lương Tam Quang là không chính đáng, vì còn có những giải pháp sử dụng pháp lý và các phương pháp hòa bình để giải quyết.

Việc “bảo vệ công trình từ xa”, bằng cách tấn công vô nhà ông Kình và giết ông này, không phải là việc “thi hành công vụ”. Đây là dấu hiệu một vụ “thảm sát” mà những viên chức có lương tâm phải điều tra cho kỹ càng. Ngoài ra, ông Lê Đình Kình là một lão thành cách mạng, có gần 60 tuổi đảng. Những đảng viên trung kiên và có lòng, cần phải lên tiếng cho trường hợp thương vong của đảng viên Lê Đình Kình.

Ai đã vi phạm Luật An ninh quốc gia?

Nếu tướng Lương Tam Quang viện dẫn Luật An ninh quốc gia cho diễn biến vụ việc xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, thì điều đó cho thấy có vẻ phía Bộ Công an đang ẩn ý quy trách nhiệm về Bí thư Thành ủy Hà Nội – ông Hoàng Trung Hải, và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung trong việc đã không làm tốt việc “xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân”, quy định tại Điều 16 “Điều 16. Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân”, Luật An ninh quốc gia.

Theo điều luật này, có 4 nhiệm vụ đặt ra với những quan chức như ông Hoàng Trung Hải, Nguyễn Đức Chung: “1. Vận động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; giáo dục, động viên cán bộ, công chức, người lao động và mọi công dân tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, tổ chức vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại và kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

3. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ an ninh quốc gia.

4. Xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia vững mạnh; xây dựng các phương án và tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia trong mọi tình huống”.

Nếu thực sự làm tốt ‘thế trận nhân dân’ thì ở đám tang ông Lê Đình Kình, cơ quan công quyền không phải vất vả với những cấm đoán đi kèm việc trấn áp đầy khó hiểu: cấm người dân đi đưa tang thực hiện quyền tự do cá nhân là chụp hình, là ‘live stream’; cấm cả phóng viên báo chí đến quan sát, đưa tin về lễ tang ông Lê Đình Kình; cấm luôn người dân ở các nơi khác ngoài xã Đồng Tâm đến dự lễ tang của một lão thành cách mạng Lê Đình Kình, người có đến hơn nửa thế kỷ tuổi Đảng…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)