Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dòng văn chương tranh đấu ở miền Nam trước năm 1975: vì sao ‘dừng’ giảng dạy ở bậc đại học?

 

Minh Châu

(VNTB) – “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”.

Ý kiến được trích dẫn ở trên là của nhạc sĩ Trần Long Ẩn tại hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM ngày 10/11/2019.

 ‘Hát cho đồng bào tôi nghe’ có phải là âm nhạc cũ của Sài Gòn?

Phát biểu tại hội nghị giao ban này, nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên, có ý kiến tương tự: “Thấy kinh tế lên mà bỏ qua mặt trận văn hóa tư tưởng là sai lầm. Giữ chế độ này là giữ thành quả cách mạng, nhưng giờ bỏ qua hết, chạy theo giải trí, game show… Trong khi để kế thừa cái đã có thì làm không tốt, mà lại ca ngợi boléro của chế độ cũ thì chính là ca ngợi luôn đời sống của giai đoạn đó…

Cũng từ khi đi vào thị trường, hội nhập, chúng ta lại quên đi biến động vô cùng phức tạp. Chương trình Âm nhạc Việt Nam – Những chặng đường trên VTV không biết chủ trương của Bộ Chính trị hay của ai, vì cái này ca ngợi nhạc của Sài Gòn cũ bằng những lời có cánh”.

Lý lịch khoa học ghi, nhạc sĩ Trần Long Ẩn còn có bút danh là Đoàn Công Nhân. Ông tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn. Nhà nghiên cứu lý luận, phê bình Mai Quốc Liên, tốt nghiệp cử nhân văn học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963.

Trước năm 1975, trong lúc đời sống tại các đô thị miền Nam bị xáo trộn vì cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều phong trào ca nhạc của sinh viên học sinh Sài Gòn đã phát khởi như “Phong trào Du ca Việt Nam”, “Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe”, như một cách nói lên tiếng nói của thanh niên lúc đó khao khát tìm về cội nguồn và ước mơ hòa bình.

Trần Long Ẩn nổi lên như là một nhạc sĩ của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” với bài Người mẹ Bàn cờ (thơ Nguyễn Kim Ngân) và một số ca khúc khác như Người cha bến tàu, Đi về mới có hoa lục bình, Chim gọi đàn chim tung cánh trắng… Đầu tháng 4/1974, Trần Long Ẩn ra miền Bắc học tập.

Ca khúc “Tình đất đỏ miền Đông” của Trần Long Ẩn đã đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước do Hội Văn nghệ Giải phóng tổ chức năm 1976.

Câu hỏi đặt ra từ hai phát biểu hôm hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM: Vì sao các ông không đề xuất đưa âm nhạc của một thời tranh đấu ở miền Nam trước 1975 vào thành những chuyên đề giảng dạy ở bậc đại học đối với khoa Ngữ văn, và các khoa liên quan đến xã hội khác?

Sao lại lãng quên thời kỳ mà văn chương được viết bằng chính sinh mạng của tác giả?

Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến thứ 17. Cuộc di cư năm 1954 đã thay đổi bộ mặt văn học nghệ thuật miền Nam. Sài Gòn là nơi sinh hoạt báo chí và văn học nghệ thuật chủ yếu của nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ gốc Trung và Bắc đến lập nghiệp.

Nếu như vào giai đoạn đầu 1954-1963, một nền văn nghệ tự do sinh hoạt trong một không khí văn hóa, tin tưởng, thì đến giai đoạn sau 1964-1975, văn nghệ đa dạng hơn nhưng cũng đa tạp hơn với những người làm văn nghệ phân hóa, bạo động trong một xã hội thời chiến.

Miền Nam bốc lửa, nếp thanh bình tương đối của thời ngưng chiến sau 1954 dần mất. Nhà văn cũng như bao người dân khác, bị thời cuộc xáo trộn, phải đối phó. Sinh hoạt văn hóa cũng bị biến cố thời thế ảnh hưởng, và ảnh hưởng nặng nề.

Dễ nhận ra rằng mỗi nhà văn có một vùng khai phá riêng. Tính chất đa dạng ấy khiến cho văn học miền Nam, qua các ngòi bút khác nhau, đã phản ánh được thân phận con người trong xã hội chiến tranh, bằng những hình thức sáng tạo mới, khác hẳn tiền chiến, tạo cho văn học Việt Nam một bộ mặt – tạm gọi là ‘trưởng thành’ trong tâm thức nhà văn và tâm thức độc giả.

Tính từ 1960 đến 1975, phong trào văn nghệ sinh viên học sinh tranh đấu vì hòa bình, dân chủ, độc lập trải rộng trên khắp miền Nam. Ở đâu có trường trung học, phân khoa đại học là ở đó có báo tường, báo in roneo, báo in số lượng hàng vạn tờ bằng typo cũng không ít, như bán tuần san Vùng lên của Hội đồng Chỉ đạo Sinh viên Học sinh Sài Gòn (1964), và nhiều tờ báo của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Sinh viên Huế; Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ…

Từ những tờ báo này xuất hiện hàng loạt tên tuổi: Hoài Hương, Ngô Kha, Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Huy Giang, Đông Trình, Triệu Cung Tinh (Triệu Từ Truyền), Chinh Văn, Cao Quảng Văn, Phan Trước Viên, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Thoại Châu, Trần Đình Sơn Cước, Đôi Nạng Xứ Dừa, Lê Gành, Trần Vạn Giã, Hà Thạch Hãn, Phan Viên Hoài, Trần Ngọc Hưởng, Nguyễn Như Mây, Nguyễn Kim Ngân, Lê Văn Ngăn, Trần Phá Nhạc…

Gần như những bút danh nổi tiếng nêu trên không chỉ đăng báo “chui” – không thông qua kiểm duyệt – mà còn có mặt thường xuyên trên các tờ báo công khai như: Bách khoa, Văn, Văn học, Nghệ thuật, Văn nghệ Tiền phong… kể cả các nhật báo với số lượng in bảy, tám vạn bản… Họ đã không chỉ góp phần làm phong phú thêm dòng văn học tranh đấu, mà còn là những chứng nhân lịch sử về những sinh hoạt văn hóa muôn màu sắc của sinh viên các trường đại học ở miền Nam trước 1975.

Khuynh hướng văn chương dấn thân trội bật, từ ý thức đến chính trị. Khởi từ đây những tạp chí Đất Nước, Đối Diện, Trình Bày, Hành Trình, Thái Độ… đối đầu với chính trị và chiến tranh, mở một “chiến trường” chính trị và xã hội hơn, dấn thân sâu hơn.

Đó là thời kỳ mà văn chương được viết bằng chính sinh mạng của tác giả. Tuy nhiên sau tháng tư, 1975 tất cả dần chìm vào quên lãng.

Thay lời kết

Có lẽ nhạc sĩ Trần Long Ẩn và cả ông Mai Quốc Liên từng nghe qua “Tha La giận mùa thu/ Tha La hận quốc thù/ Tha La hờn quốc biến/ Tha La buồn tiếng kiếm/ Não nùng chưa, Tha La nguyện hy sinh” – Trích thi phẩm Tha La của Vũ Anh Khanh. Bài thơ này nhanh chóng nổi tiếng khắp miền Nam trước năm 1975, khi được hai nhạc sĩ Dzũng Chinh và Sơn Thảo phổ nhạc với tựa đề lần lượt là “Tha La xóm đạo”, và “Hận Tha La”.

Những năm mà giáo sư Hoàng Như Mai (1919 – 2013) còn đứng lớp ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, thầy có giảng dạy về chuyên đề gọi là “Dòng văn học miền Nam thời tạm chiếm” – một tên gọi khác của “Văn chương tranh đấu ở miền Nam”. Tuy nhiên khi trường mang tên mới “Khoa học, Xã hội và Nhân văn” thì chuyên đề này dần dần… biến mất. Ngay cả sinh viên chọn đề tài “Dòng văn học miền Nam thời tạm chiếm” để đăng ký công trình nghiên cứu khoa học, cũng được các thầy cô nơi đây ‘khuyên’ hãy chọn đề tài khác (!?).

Một khi mà di sản văn chương của “Dòng văn học miền Nam thời tạm chiếm” không hiện diện trong giáo trình với các tiết bình giảng ở bậc đại học, thì việc gìn giữ và tôn vinh ra sao? Đó chính là câu hỏi mà người viết bài muốn gửi đến các vị đang ngồi ở Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM; đặc biệt là nhạc sĩ Trần Long Ẩn, người từng là sinh viên của Đại học Văn khoa Sài Gòn.

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tại sao cộng sản miền bắc thắng trong cuộc chiến tranh VN?*

Phan Thanh Hung

VNTB – Giải phóng cho ai? Giải phóng cái gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tội ác của Đỗ Mười: đánh tư sản miền Nam

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo