Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dốt quá nên đành chọn trường nghề?

Phương Ngọc

(VNTB) – Thay vì thi cấp 3 với khả năng đậu công lập là rất thấp, thì phụ huynh có thể cho con học tại các trường trung cấp hoặc học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở mà không phải thi?!

 

“Thực ra, ai cũng mong con học hành giỏi giang để có một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, những em có sức học khá giỏi thì không nói làm gì. Riêng các em sức học bình thường, khả năng thi cấp 3 trường công không đậu thì chỉ còn cửa là về các trường dân lập, tư thục, Trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc trường nghề”.

“Thầy dùi” kiểu ở trên rất thường bắt gặp.

Năm nào cũng thế, cứ ăn Tết ta xong, khi các em học sinh lớp 9 chuẩn bị hồ sơ cho kỳ thi tuyển sinh 10, thì các trường trung học cơ sở đều họp phụ huynh để tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh lớp 9 với lý do “đây là một bước quan trọng để định hướng tương lai cho các em có học lực trung bình trở xuống”.

Những nội dung tư vấn hướng nghiệp thường có lập luận vầy: “Thay vì thi cấp 3 với khả năng đậu công lập là rất thấp, thì phụ huynh có thể cho con học tại các trường trung cấp hoặc học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở mà không phải thi.

Khi học các trường trên sẽ rất tiện lợi cho các em, vì chương trình học rút ngắn thời gian học, chỉ mất có 3 năm. Sau khi học xong, các em sẽ được cấp bằng Quốc gia Trung cấp nghề. Sau khi học xong các em rất dễ xin việc, được giới thiệu việc làm phù hợp, lương ổn định. Ngoài ra, nếu em nào muốn học liên thông lên cao đẳng hay đại học cũng rất dễ dàng”.

Thực tế khi được tư vấn, phụ huynh xem chừng không mấy mặn mà với các trường này. Họ rất lưỡng lự, phân vân khi được hỏi. Nói chung ai cũng muốn con vào cấp 3 cả. Họ luôn mong muốn con mình phải có cái bằng để vào đời. Ai cũng sĩ diện vì con người ta đều giỏi cả, nếu mình cho con học trung cấp hoặc học nghề thì thật ngại. Ngoài ra nhiều người còn quan niệm bằng đại học còn thất nghiệp huống hồ là bằng trung cấp.

Phụ huynh có cái lý của họ.

Ghi nhận từ một thống kê ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với những trường trung cấp có tuyển sinh học sinh tốt nghiệp bậc trung học cơ sở, học sinh phải vừa học văn hóa vừa học nghề, sau một học kỳ có trường đã mất đi 30 – 40% học sinh khóa mới.

Lý do được biết đến là đa số học sinh nghỉ giữa chừng, do các em chưa xác định được nghề nghiệp mà mình theo đuổi, lại thêm tâm lý học trung cấp dễ khiến các em chán nản. Một lý do nữa, học sinh kỹ thuật đa số là nam, đang ở lứa tuổi đi nghĩa vụ quân sự, trong khi bậc trung cấp không được tạm hoãn nghĩa vụ như đại học và cao đẳng.

Một nhà báo từng phụ trách mảng giáo dục cho rằng liên quan về hướng nghiệp nghề cho học sinh, lỗi chính ở đây là từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Tôi nghĩ chắc ai cũng biết, lâu nay việc dạy nghề trong nhà trường chẳng qua là học để cộng điểm thêm chứ không phải học để lấy cái nghề thực thụ. Nếu bỏ việc cộng điểm, sẽ còn bao nhiêu học sinh thực sự muốn học nghề? Tôi từng ghi nhận ý kiến nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm ủng hộ việc không cộng điểm nghề trong kỳ thi tốt nghiệp, để trả việc dạy nghề ở bậc học phổ thông về đúng với mục đích đúng đắn ban đầu.

Tôi cho rằng lãnh đạo của ngành giáo dục cần tránh bệnh thành tích về chuyện tiết dạy nghề ở cấp trung học. Ông bộ trưởng cần tỉnh táo, trung thực để thấy các em không thu được kết quả bao nhiêu từ chuyện học nghề ở cấp trung học, mà lại lãng phí thời gian, học phí…

Các em học hành chăm chỉ để lên lớp 10, hay kết thúc lớp 12 bằng sức học của mình, chứ không phải cứu cánh bằng việc… học nghề. Học nghề phải hiểu theo đúng việc học… ra làm được thợ, chứ không phải là những lý thuyết suông hay đối phó” – nhà báo này đã phản biện như vậy về chính sách giáo dục nghề trong bậc học phổ thông.

_______________________________________________________________________________________

Tin bài liên quan:

VNTB – Sẽ lại phải sửa sách giáo khoa và cả chương trình giáo dục phổ thông?

Trương Thế Tử

VNTB – Khi giáo viên cũng… làm luật

Phan Thanh Hung

VNTB – ” Xới lại” vụ cách chức hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng …

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.