Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đốt vàng mã giúp an lòng người ở lại?

Diệp Chi

 

(VNTB) – Ấm lòng người đi, an lòng người ở lại, thì dẫu cho dù có nói mê tín dị đoan cũng chấp nhận.

 

Tâm linh luôn là điều… tế nhị.

Mỗi khi đến những ngày rằm lớn, hoặc những dịp cận Tết, những ngày Tết, câu chuyện đốt vàng mã lại được đem ra bàn luận. Không ít ý kiến cho rằng, cuộc sống hiện đại, việc đốt vàng mã gây ra nhiều bất cập; một số ý kiến khác thì cho rằng Đức Phật Thích Ca, Ngài không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên; nặng nề hơn, một số ý kiến nữa cho rằng đó là hành vi của mê tín dị đoan.

“Thì cũng tuỳ, mỗi người một quan điểm. Theo mình, mê tín dị đoan phụ thuộc vào chính thái độ và phản ứng của con người, nếu chúng ta coi đó là niềm tin tốt đẹp thì sẽ khiến chúng trở thành niềm tin đẹp”, anh Minh, cựu sinh viên một trường thuộc khối đại học Quốc gia chia sẻ.

“Dĩ nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Không thể lấy vụ đốt vàng mã gây cháy phòng trọ, bốn người tử vong ở Hà Nội hay một vài vụ khác liên quan đến vàng mã rồi khái quát lên đốt vàng mã là này là nọ được. Thực tế, như bà con, người quen, bạn bè tôi đốt giấy cho người thân, họ rất kỹ lưỡng. Đốt trong thùng, đợi cháy hết, còn tạt nước cho an toàn. Chủ yếu là ý thức thôi”, ông Hai, một cư dân sống trong Nam chia sẻ suy nghĩ.

Theo Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh Bắc Ninh, thì mê tín dị đoan bao gồm những hành vi ông đồng, bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin coi tay xem tướng, tin cúng sao, cúng hạn, cúng kem, tin thầy bùa thầy chú, tin cầu cúng tai qua nạn khỏi…

Chưa bàn luận đến những dẫn chứng của phòng An ninh nội địa là đúng hay sai. Nhưng một điều quá rõ ràng, đốt vàng mã cho ông bà không được viện dẫn là một hành động của mê tín dị đoan.

“Nói đốt vàng mã là mê tín, tôi không đồng ý. Đó là tập tục truyền từ đời này sang đời khác, chẳng lẽ tất cả tiền nhân của xứ Việt đều là người mê tín dị đoan?”, anh Minh bức xúc.

“Với người khác thì không biết như thế nào. Nhưng với tôi, cho dù lúc còn sống, đối xử với người thân tốt thế nào, tôi vẫn thấy chưa báo hiếu đủ. Chính vì lẽ đó, nếu làm được gì cho người thân đã mất, tôi cũng sẽ cố gắng.

Để lên án vụ đốt vàng mã, có ý kiến cho rằng vì lý do người Việt quan niệm “trần sao âm vậy”, đốt vàng mã thật nhiều thì càng thể hiện lòng thành và bày tỏ được lòng tri ân, cảm tạ đối với người đã khuất. Cá nhân tôi thấy quan niệm như thế cũng chẳng có gì là xấu. Chứ có ai chết, xuống “địa ngục” hay lên “thiên đàng” thăm thú rồi trở về trần gian chưa mà biết “âm” như thế nào? Cho nên, cứ “trần sao âm vậy”, cho dễ hình dung. Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ vàng mã làm theo mẫu của đời sống thực cũng bình thường”, chị Ngọc chia sẻ tiếp.

“Chủ yếu cái chính, có lẽ, cũng là để an lòng người ở lại, mong người thân mình ở “dưới đó” không thiếu thốn, không làm con “ma đói””, anh Minh kết lại.

Tựu trung lại, tập tục đốt vàng mã là phong tục, tập quán từ lâu đời của người Việt, được truyền lại từ đời này sang đời khác. Thiết nghĩ đó cũng chỉ đơn thuần là nét văn hoá dân gian, đạo ông bà của người Việt mà thôi.

“Ấm lòng người đi, an lòng người ở lại, thì dẫu cho dù có nói mê tín dị đoan cũng chấp nhận. Đó là ông, là bà, là đứa em ruột của mình mà.

Xin được mượn bốn câu của cụ Tố Như để kết cho vấn đề này:

“…Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Than vàng vó rắc, tro tiền giấy bay.

Tà tà bóng ngã về tây,

Chị em thơ thẩn dang tay ra về…”


Tin bài liên quan:

VNTB – Trâu không uống nước, ai đè được đầu trâu?

Trương Thế Tử

VNTB – Đôi dòng hai tiếng: dạy học

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Còng lưng cày để… xét nghiệm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo