Vân Khanh
(VNTB) – Đây là thông tin khá bất ngờ từ phía cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, đến nay những tin tức về bản dự thảo luật công đoàn sửa đổi, vẫn chưa hề được lấy ý kiến từ phía các doanh nghiệp – đối tượng chịu trực tiếp sự điều chỉnh của luật này.
Ngày 15/9/2020, các Hiệp hội Doanh nghiệp gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Hiệp hội các Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có công văn 15092020/CĐDN gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam về việc đề nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, các Hiệp hội cho biết dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), thông qua tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV vào năm 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các hiệp hội chưa nhận được bất cứ thông tin nào về Dự thảo hay được đề nghị, yêu cầu tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi từ Ban soạn thảo, trong khi doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động lớn của Luật này.
Điều 57, Luật số 08/2015/QH13 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 63/2020/QH14) về việc lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết quy định như sau:
“Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan (…)
Vì vậy, các Hiệp hội đề nghị các cơ quan, tổ chức,.. chủ trì soạn thảo lấy ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ cộng đồng doanh nghiệp và được nhận Dự thảo Luật để được đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng, hoàn thiện luật này.
Theo một đại diện hiệp hội, trước đây khi góp ý về dự thảo Luật Công đoàn năm 2012, phần lớn các doanh nghiệp đã yêu cầu cần làm rõ về quy định bắt buộc chủ doanh nghiệp phải trích đóng 2% trên tổng quỹ lương cho khoản gọi là “phí công đoàn”, và người lao động đóng 1%, tổng cộng là 3% quỹ tiền lương ở doanh nghiệp hàng tháng đều phải đóng “phí công đoàn”, bất chấp doanh nghiệp ấy chưa có tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên kiến nghị từ phía doanh nghiệp khi ấy đối với dự thảo Luật Công đoàn 2012 vẫn không được đáp ứng.
Hiện tại tin tức trên báo chí cho biết ở dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam muốn tiếp tục giữ khoản thu kinh phí công đoàn 2% này từ quỹ lương của doanh nghiệp. Như vậy, nếu điều này tiếp tục được giữ ở bản dự thảo luật công đoàn sửa đổi, cho thấy phía chủ doanh nghiệp lại phải gánh chịu sự bất hợp lý về luật định.
Theo đó, Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, dù không bắt buộc thành lập công đoàn nhưng hàng tháng, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Thậm chí, theo Điều 37 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, nếu có hành vi chậm đóng, đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định, hoặc đóng không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng, thì doanh nghiệp còn bị phạt tiền từ 12% – 15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.