Tôn Trọng Dân (VNTB) Phần đông người Việt hiện nay tại “quốc nội” (mà theo tôi cảm nhận, ở hải ngoại cũng không xa lạ với thói quen này) dùng các máy tính cá nhân (PC) theo cách tư duy của Microsoft [1], nhưng khi sử dụng các phương tiện truyền thông cầm tay, xách tay (Iphone, Ipad, Ipod), mọi người lại theo cách tư duy của Apple Inc. [2]
Sự mặc định cố hữu
Điều đó trở thành mặc định đối với hàng loạt các hãng Sony, Asus, Dell v.v… chuyên cung cấp “thể xác” cho các “linh hồn” nói trên trú ngụ (hệ điều hành [3] không gian ảo cho đến nay, 2015, vẫn là do “cơ chế lưỡng đảng”: Win OS và Mac OS chia sẻ quyền “thống trị” cùng với 1 anh chàng độc lập-không “đảng phái”: Linux). Nghĩa là, ngay cả trong cách sử dụng công cụ truyền thông đa phương tiện, loài người đã theo hướng đa nguyên, không chỉ dùng chuyên các sản phẩm/phương thức tư duy với hệ điều hành của chỉ ‘đảng’ Apple ‘Mac’ hoặc của ‘đảng’ Microsoft ‘Windows’, cho dù phục vụ mục đích ví dụ truy cập lên mạng lưới thông tin toàn cầu (WWW/Internet) đi nữa. Phần mềm truy cập mạng đã rất phong phú và tôi không tin rằng có ai đó trong chúng ta chưa từng thử qua ít nhất 3 trong số hàng loạt trình duyệt Internet phổ biến hiện nay: IE (Internet Explorer), Mozilla Firefox, Google Chrome, Opera, Safari, Torch, Maxthon, SeaMonkey v.v… Phán rằng, Google Chrome là duy nhất tuyệt vời? – Tôi e là người nào nói xong câu đó mà không bị ngay cả người thân phản bác mới là điều lạ lùng.
Đứng bên trong đất nước này, với tâm thế của một người đã có 1 / 3 đời mình sinh sống trong chế độ Việt Nam Cộng hoà, đã cống hiến 1 / 3 mùa xuân cho các đồng chí vô sản, tôi dành 1 / 3 còn lại nhìn những chặng đường mình đã đi qua, lắng nghe những gì mà một số đồng bào buộc phải rời bỏ đất nước ra đi lên tiếng, gạn lọc bao điều để đồng cảm, cùng rung động với những gì mà giới trẻ ra đời sau cơn suy kiệt bao cấpđược thụ hưởng qua làn gió nhà.xe.lối sống.thời trang.âm nhạc Hàn quốc, Mỹ, Singapore, Anh.., để đồng cảm với những khát vọng về những Audi, Kpop, Apple, Iphone..của họ, trong khi những vụ thảm sát Ba Chúc, vụ thảm sát Hà My, vụ thảm sát Gò Dài.. đã là những cái tên lạ lẫm, vời xa tít tắp, huống gì nói đến những Mậu Thân, Điện Biên Phủ, tiếng bom Sa Điện cách đấy hơn cả nửa thế kỷ, hoặc gần trọn một thế kỷ.
40 năm đất nước thống nhất. Lớp người trẻ sinh ra vào năm 1975 ấy nay đã đủ trí khôn (nếu không muốn nói: một số người nhất định đã quá đủ tri thức và trải nghiệm để hình thành nên một hệ thống của lý lẽ đáng gọi được là lý luận), đủ để phân biệt được cái gì là phù hợp và cái gì là không phù hợp đối với một tiến trình phát triển đất nước. Tuy không ai trong số họ có dịp trải qua những cuộc chiến cuối cùng của đất nước, đối diện với lũ Khmer diệt chủng mông muội, với bọn bành trướng Bắc Kinh như thời của chúng tôi, nhưng, độ tuổi của lớp người ấy nay đã là chủ gia đình, đã có trách nhiệm. Họ, chưa nói đến các giới, các thành phần khác, là nhân dân. Loại nhân dân đó được “phán tặng” vung vít: ngu? hèn? vô cảm? thiếu tri thức? không hiểu biết gì về lịch sử? bị đảng Cộng sản “nhồi sọ, tẩy não” nên đã thờ ơ với “làn sóng” dân chủ? – Thiết nghĩ, may là họ đã không phản ứng gì nặng nề. Vì, Họ không có thời gian dành cho chuyện đôi co vô bổ. Khó thể phủ nhận: tình cảm ban đầu, nếu có, đối với “lý tưởng” mang dân chủ đến cho tương lai Việt, bằng cách này, đã bị hạ thấp đến mức triệt tiêu trong lòng họ. Quý vị “dân chủ chống Cộng đòi cấm vận, bao vây Việt Nam” quá sung mãn cho “phát kiến” của thế hệ mình, một thế hệ “cha.anh” (có cả kẻ ‘ăn theo’ nhoi nhóc) nên, theo “lương tâm” của mình, muốn phán gì thì phán? Sự tôn trọng, tương kính đã biến mất, thay vào đó là sự khinh bỉ và căm ghét từ chính những con người tuổi 40 đó.
Đó là sự thật, rất xin lỗi, nhưng, sự thật nó không tròn trĩnh vì ai đó muốn.thích.chờ.mơ.
Khi lương tri khác biệt với lương tâm
Lương tri, khác biệt với Lương tâm ở chỗ này.
Không phải quen, mà là mới quen, không phải một, mà là hầu như khá nhiều người ở độ tuổi đó, khi tôi đề cập và hỏi họ nghĩ gì về .. dân chủ, họ đã bị ấn tượng xấu về những sự hừng hào vô căn cứ, ấn tượng xấu về những chuyện huyên thuyên bất chấp trước-sau/sai-đúng của cái gọi là “phong trào dân chủ”, Họ trả lời tôi bằng những cử chỉ và lời nói mà tôi không cần dẫn ra đây. Còn những bậc cha mẹ của họ, những người đã trải qua nhiều chiến cuộc, bị lọc lừa đủ kiểu trên cõi nhân gian ô trọc này, đã quá hiểu thế nào là Đỏ, thế nào là Vàng, tại sao anh này hò hét, tại sao chị nọ kêu rên.. – thái độ của họ thế nào? Họ lại mặn mòi với “con đường Dân chủ” hơn con.em Họ sao?
Lương tri, khác biệt với Lương tâm ở chỗ này.
Có những điều Phù hợp chưa chắc chúng đã là Đúnghẳn (vd: ra ngoài tỏ cho thấy yêu nước, chống xâm lược tất trong nhà hẳn phải là kẻ hiếu đễ, biết trọng lễ nghĩa?); Đúng ở giai đoạn này, không chắc đã Phù hợp ở giai đoạn khác (vd: đã có công chống xâm lược thì sức mạnh này sẽ được phát huy tốt hơn trong xây dựng). Đúng, chưa chắc đã Phù hợp, Phù hợp chưa hẳn là Đúng– mối tương quan giữa đúng và phù hợp luôn mang tính Nhị nguyên, chẳng một chiều xuôi rót như định kiến của vị gia trưởng, như thiên kiến của nhà thông thái hằng phán định chắc nịch: ‘1 năm nữa, Cộng sản sẽ sụp !’. Lịch sử thật trọn vẹn nếu tất cả các bên đều đối xử đúng và được đối xử đúng, cũng như, những cái đúng ấy đều phù hợp với lòng mong muốn của tất cả các bên tham gia vào lịch sử. Nhưng, vấn đề đó chỉ có thể đạt được trong .. phòng thí nghiệm, nếu không, là nhờ may mắn. Cũng như đa số các quốc gia trên hành tinh nhỏ bé này, Việt Nam không may mắn đến như vậy.
Lương tâm – ai mà chẳng có cái “tâm” và luôn tự xem là rất “lương”? song, Lương tri, khác biệt với ‘Lương tâm’ ở chính chỗ này: nó không chấp nhận nói dối, dù nhân danh cái “tâm” lành của bất kỳ ai.
Bám víu vào những kết cục không may để tiếp tục định hướng cho những điều không may kế tiếp, đó có còn là .. không may?
Chú thích:
[1] Công ty được sáng lập bởi Bill Gates và Paul Allen vào ngày 4 tháng 4 năm 1975. Nếu tính theo doanh thu thì Microsoft là hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới.
[2] Apple Computer, Inc. thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1976 bởi Steve Jobs, Steve Wozniak, và Ronald Wayne, và đổi tên thành Apple Inc. vào năm 2007.
[3] hệ điều hành: Operating System, viết tắt là Os.
* Bài “Đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo”
* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”
* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.