Việt Nam Thời Báo

VNTB – EVN đang ‘chuyển giá’

Hàn Lam

 

(VNTB) – EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện

 

Chưa đầy một chu kỳ thanh toán điện, EVN mới đây lại tiếp tục đề xuất cho phép được điều chỉnh giá bán lẻ điện vào tháng 9-2023.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện.

Vậy thì trên thực tế EVN kinh doanh lời hay lỗ?

“Chỗ ướt” mẹ nằm, “chỗ ráo” con lăn (!?)

EVN hoạt động theo mô hình doanh nghiệp mẹ – con. Pháp luật quy định công ty mẹ là công ty nắm một phần vốn, hoặc nắm giữ toàn bộ số vốn đầu tư của một hoặc nhiều doanh nghiệp khác, được gọi là doanh nghiệp con hoặc công ty con.

Công ty mẹ có khả năng kiểm soát một cách hợp pháp một số hoạt động nhất định của các đơn vị kinh doanh chiến lược phía dưới.

Cụ thể, công ty mẹ, công ty con đều là các chủ thể pháp lý độc lập và có mối quan hệ hợp đồng. Điều đó có nghĩa mô hình công ty mẹ – công ty con không phải là mệnh lệnh hành chính mà là sự liên kết mềm dẻo, linh hoạt, chặt chẽ trong phạm vi vốn, thị trường, chiến lược kinh doanh, công nghệ, kinh nghiệm quản lý,…

Trong quy định Luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định rõ ràng về công ty mẹ, công ty con như sau: Công ty con sẽ không được đầu tư góp vốn hoặc mua cổ phần của công ty mẹ.

Các công ty con thuộc cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn hoặc mua cổ phần lẫn nhau để sở hữu chéo. Ngoài ra, nếu các công ty con có cùng một công ty mẹ – mà công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước thì các công ty con không được cùng nhau góp vốn để thành lập doanh nghiệp.

Về lý thuyết chung thì mô hình công ty mẹ – công ty con được xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp đồng, nhưng công ty mẹ nắm giữ quyền chi phối điều hành các hoạt động của công ty con. Công ty con mặc dù là chủ thể pháp lý độc lập, nhưng bị hạn chế quyền tự chủ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài chính.

Quan hệ chi phối được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể dưới đây:

Quyền chi phối thông qua đầu tư góp vốn, có nghĩa là liên kết được hình thành từ hoạt động góp vốn của công ty mẹ chiếm tỉ lệ trong vốn điều lệ của công ty con đủ để công ty mẹ có thể chi phối hoạt động của công ty con.

Về bản chất, công ty mẹ được xem là cổ đông lớn, là thành viên góp vốn của công ty con. Tuy nhiên, vì phần góp vốn chiếm tỷ lệ lớn nên cổ đông, thành viên này giữ quyền chi phối trong công ty con. Tùy thuộc vào phần góp vốn đang nắm giữ mà công ty mẹ có thể chi phối toàn bộ hoặc một phần hoạt động của công ty.

Quyền chi phối thông qua việc kiểm soát hoạt động công ty, hiểu một cách đơn giản, đây là hình thức công ty mẹ cử một số người nằm trong ban điều hành công ty con. Từ đó chi phối hoặc quyết định các phương hướng, mục tiêu kinh doanh của công ty con. Việc cử người quản lý này có thể được thực hiện thông qua các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trong trường hợp trực tiếp, nếu mức vốn góp của công ty mẹ nắm giữ có quyền chi phối hoạt động của công ty con. Nếu công ty con chấp nhận điều kiện để trở thành thành viên tập đoàn (tạo cơ hội gia nhập vào tập đoàn, hưởng lợi ích từ tập đoàn lớn), lúc này, công ty mẹ được: Bổ nhiệm các chức danh quản lý quan trọng đối với công ty con; Công ty mẹ có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ đối với công ty bị chi phối.

Trong trường hợp gián tiếp, mức cổ phần, vốn góp của công ty mẹ chưa ở mức chi phối nhưng trong quá trình bầu ban điều hành, công ty mẹ vẫn có quyền bầu cử thành viên trong ban điều hành của công ty con.

Như vậy, trong cụ thể trường hợp của EVN thì khi sổ sách hạch toán tài chính riêng về khoản độc quyền mua – bán điện thương phẩm, có thể EVN phải chịu lỗ vì “làm nhiệm vụ chính trị” là “phải đáp ứng đảm bảo năng lượng cho đất nước”; thế nhưng như đã phân tích ở trên về chuyện lợi nhuận từ đồng vốn góp của mô hình doanh nghiệp mẹ – con, cho thấy khi các công ty con của EVN dư dã lợi nhuận đến độ đem gửi ngân hàng lấy lãi, thì làm gì có chuyện EVN thua lỗ liên tục như thời gian qua.

Lấn cấn từ những con số lợi nhuận khủng

Xin trích những con số ghi nhận từ báo cáo tài chính từ các công ty con của EVN:

Chẳng hạn, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh đã kết thúc năm 2022 với doanh thu thuần 3.084 tỷ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021 và vượt hơn 52% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty đạt 1.264,8 tỷ đồng, vượt 40,8% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm 2021.

Hay, Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà (có 30% vốn của Evngenco 3) báo đạt doanh thu hơn 742 tỷ đồng, tăng 44,2% và lợi nhuận sau thuế lên đến hơn 378,7 tỷ đồng, tăng 80,8% so với năm 2021…

Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thủy điện đều tăng cao, hầu hết đạt từ 40% trở lên.

Các công ty nhiệt điện cũng báo lãi khủng. Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu thuần 10.417 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 760 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021, đồng thời vượt 76% kế hoạch cả năm. Hiện Tổng công ty Phát điện 2 thuộc EVN sở hữu 40% vốn tại công ty này…

Thậm chí, những công ty phát điện là công ty con được hạch toán vào báo cáo của EVN cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá cao. Điển hình, Tổng công ty Phát điện 3 (Evngenco 3) công bố cả năm 2022 đạt doanh thu thuần hợp nhất 47.287 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021; lãi sau thuế đạt gần 2.550 tỷ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch năm.

Hay Công ty Evngenco 2 đặt kế hoạch đạt sản lượng năm 2022 gần 1,6 tỷ kWh; tổng doanh thu hơn 4.228 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.094 tỷ đồng. Kết quả hoạt động cả năm 2022 công ty chưa công bố nhưng báo cáo tài chính quý 3-2022 cho thấy tính đến hết tháng 9-2022, Evngenco 2 đã đạt doanh thu thuần tổng cộng hơn 18.142 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.668 tỷ đồng, gần gấp đôi kế hoạch đặt ra…

Rõ ràng, các công ty con, công ty thành viên từ sản xuất đến truyền tải điện đều báo lợi nhuận tăng cao trong năm vừa qua thì người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao công ty mẹ là EVN lại thua lỗ? Khoản lỗ đó đến từ đâu? Khách quan hay chủ quan?

Chuyển giá để tăng cổ tức?

Phải chăng ở đây dấu hiệu ngày càng rõ của vấn nạn “chuyển giá” nhằm tránh các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp?

Hiểu theo nghĩa rộng, chuyển giá doanh nghiệp là việc tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp bằng cách tối giản hóa nghĩa vụ đối với Ngân sách nhà nước. Theo thông lệ quốc tế, chuyển giá được hiểu là “việc thực hiện chính sách giá,“pricing policy”, đối với hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong cùng nhóm (hoặc tập đoàn) qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước nhận đầu tư trên toàn cầu.

Để làm được điều này, công ty đa quốc gia phải vận dụng những khác biệt trong chính sách, ưu đãi thuế, chênh lệch thuế suất giữa các quốc gia để xây dựng chính sách về giá giao dịch trong nội bộ nhóm (hoặc tập đoàn).

Thực tế, nhóm lợi ích hoặc tập đoàn không nhất thiết phải có tính đa quốc gia mà có thể là nhóm công ty có nhiều công ty con hoạt động kinh doanh trong nước, hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập, song chủ sở hữu của chúng lại có mối quan hệ liên kết với nhau.

Như vậy, cần hiểu hành vi chuyển giá theo một nghĩa rộng hơn, đó là hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng cách thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết.

EVN có thể là một minh chứng cho việc chuyển giá như trên từ những lãnh đạo chóp bu “tự chuyển hóa” của lợi ích nhóm quyền lực nào đó.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thủ tướng thợ đụng

Do Van Tien

Đến 2019: EVN vẫn muốn giữ thế độc quyền?

Phan Thanh Hung

VNTB – Từ tháng 10-2022, giá xăng dầu ở Việt Nam sẽ giảm

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo