Việt Nam Thời Báo

VNTB – F1 nên ở nhà hay ở trại cách ly tập trung?

Ngọc Lan

(VNTB) – Việt Nam nên giữ nguyên mô hình cách ly tập trung hay chuyển sang cách ly tại nhà với các F1?

 

Nhìn từ đề xuất của chủ tịch huyện Hóc Môn

Nếu phải ở trại cách ly tập trung thì F1 sẽ phải trả chi phí ăn uống với mức 80 ngàn đồng/ người/ ngày. Trường hợp là hộ nghèo thì sẽ miễn phí. Dĩ nhiên khi F1 ‘ở nhà’, số tiền ăn là nhiều hay ít phụ thuộc vào khả năng tài chính, và với người lao động thì nếu quẩn quanh trong nhà, tiền ăn có thể thấp hơn con số 80 ngàn đồng nhiều; ngoài ra còn là yếu tố ‘ở đâu – quen đó’, F1 đỡ gặp tình trạng bức bối hơn khi phải vào trại cách ly tập trung.

Ông Dương Hồng Thắng – Chủ tịch huyện Hóc Môn của Sài Gòn, người từng có thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý đô thị của quận Bình Thạnh, đề xuất thí điểm cách ly F1 tại nhà nếu có đủ điều kiện như có phòng riêng, và chính quyền địa phương Hóc Môn cam kết giám sát chặt chẽ.

Theo phân tích của ông Thắng, có đến 70% ca nhiễm tại huyện này là lao động phổ thông, buôn gánh bán bưng. Do đó, ông Thắng đề nghị công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cần thực hiện trên diện rộng, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó cần ưu tiên đối với lao động phổ thông.

Ông Thắng nhận xét một số thời điểm phải chờ 5 – 7 ngày mới có kết quả tầm soát các ca liên quan đến F0, ảnh hưởng đến công tác truy vết. Như trường hợp xảy ra tại Công ty Tuấn Tú liên quan đến khách sạn Đệ Nhất (quận Tân Bình) chưa truy vết kịp thời, ca nhiễm đã chuyển qua chu kỳ mới. Do vậy, nếu cách ly F1 tại nhà còn giúp hạn chế được rủi ro lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Việt Nam từng làm thế giới ngạc nhiên, nhưng…

Góc nhìn y khoa, bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng cần có sự thay đổi phù hợp. Bác sĩ Phúc phân tích: Cách ly tập trung nghiêm ngặt các trường hợp F1 trở thành biện pháp chống dịch độc đáo. Nó nhanh chóng cắt đứt nguồn lây nhiễm, dập tắt các ổ dịch, đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng. Tính đến ngày 26/4/2021, Việt Nam chỉ có 1.570 ca bệnh, 35 trường hợp tử vong. Con số làm cả thế giới ngạc nhiên.

Nhưng ở làn sóng dịch thứ tư này, mọi chuyện đã trở nên rất khác.

Trong thời gian rất ngắn, sự gia tăng quá nhanh trường hợp F1 tạo nên gánh nặng đe dọa hệ thống vận hành mạng lưới khu cách ly tập trung, kèm theo đó là chi phí rất tốn kém.

Nhưng vấn đề chính đáng quan tâm là tốc độ lây lan của hai biến thể Alpha và Delta – tăng từ 40% đến 90% so với chủng virus Vũ Hán. Quan sát tại Việt Nam, nhận thấy hai biến thể này có tốc độ lây rất cao, gấp hai đến ba lần chủng cũ.

Không những thế, trong nhóm bệnh nhân Covid-19 có đến 60% trường hợp không triệu chứng, xét nghiệm nhiều lần âm tính. Sẽ có nhiều người phải đối mặt với rủi ro. Những người mang virus chưa được phát hiện, họ vẫn tiếp xúc mỗi ngày, tiếp tục trung chuyển virus.

Một khi quần thể F1 bị trộn lẫn những ca bệnh chưa được phát hiện, thì sẽ có sự lây nhiễm tương đối lớn, bài học con tàu Diamond Princess tái hiện.

Vào ngày 20/1/2020, tàu Diamond Princess thực hiện chuyến đi vòng quanh để quảng bá cho du lịch Đông Nam Á nhân dịp Tết Nguyên đán. Trên tàu có một hành khách 80 tuổi đến từ Hồng Kông, ông bị ho trước đó một ngày, kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Tối mùng 3 tháng 2 năm 2020, con tàu cập cảng Yokohama nhưng phải thả neo bên ngoài khơi xa, chính phủ Nhật Bản thực hiện các biện pháp kiểm dịch, phát hiện 10 người dương tính.

Ngay lập tức con tàu bị cách ly. Những ngày sau đó, bệnh nhân có triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính được chính phủ Nhật Bản đưa ra khỏi tàu. Hoa Kỳ, Canada, Hồng Kông, Úc và Ý nhanh chóng thực hiện giải cứu công dân.

Trong hành trình 26 ngày cách ly đứng im tại chỗ trên biển, tàu du lịch Diamond Princess có 712 ca nhiễm trong số 3711 thuyền viên và phi hành đoàn, chiếm tỉ lệ 19,2%.

Đó là ví dụ minh chứng mạnh mẽ cho luận điểm: khi virus vào được quần thể nhạy cảm, nơi nhiều người bị trộn lẫn, sự lây nhiễm sẽ bùng phát.

Sự thích nghi dựa trên sự hiểu biết

Bài học tàu Diamond Princess đã được tái hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tâm dịch Bắc Giang và có thể thêm tâm dịch mới ở TP.HCM hiện tại là ví dụ. 79% trường hợp F1 ở Khu công nghiệp Vân Trung chuyển thành F0, và 55% là tỷ lệ tại Công ty Hosiden. Đã hơn một tháng nhưng số ca nhiễm ở các khu cách ly vẫn chưa dừng lại.

Mức độ lây nhiễm chéo phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lưu ý là kích thước nhóm cách ly.

Giả sử có một ca bệnh trong phòng cách ly 10 người, dùng chung khu vệ sinh, gần như ngay lập tức 9 người còn lại bị nhiễm. Chưa kể các yếu tố như điều kiện sống khép kín, vẫn có những “ngóc ngách” lưu thông giữa các phòng cách ly, thói quen sinh hoạt, giao lưu giữa các cá thể trong khu cách ly, ý thức phòng vệ cá nhân, dùng chung khu vệ sinh; tất cả đều có thể tạo ra những chuỗi lây nhiễm.

Vẫn là trường hợp dương tính chưa được phát hiện trên, nếu thực hiện cách ly tại nhà trong điều kiện gia đình bốn người, nguy cơ lây nhiễm sẽ là ba người. Rõ ràng, con số ba khác biệt hoàn toàn với con số 9.

Điều lo ngại nhất khi cách ly tại nhà là gia đình có người già, người có bệnh nền. Tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nhóm người này là chính.

Mô hình dân số Việt Nam hiện có 7,7% người già. Tạm ước tính hộ gia đình trẻ có bốn người và hộ gia đình ba thế hệ có 6 người, tức Việt Nam đang có 75% số hộ gia đình trẻ. Tin tốt là trẻ em có tỉ lệ mắc Covid-19 rất thấp, hầu hết biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, hiếm khi tử vong.

Hệ thống y tế đang chuẩn bị cho một giai đoạn chống dịch rất thách thức là thời điểm để chúng ta thay đổi chiến thuật về cách ly F1.

Nếu Việt Nam xây dựng và sớm công bố bộ tiêu chuẩn cách ly tại nhà, trong đó có tiêu chí: hộ gia đình gồm những người trẻ khoẻ, có phòng riêng biệt, kèm theo các tiêu chí khoa học khác, là hoàn toàn có thể cách ly an toàn các F1.

Tin chắc, tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm, đồng thời giảm tải về người và chi phí cho hệ thống y tế quốc gia.

Dịch tễ học hiện đại đã và đang thay đổi rất nhiều. Sau hơn một năm rưỡi, loài người cũng hiểu biết hơn về virus. Cách ly tại nhà đúng quy tắc là sự thích nghi dựa trên sự hiểu biết. Nó có thể coi như một bước “tiến hóa” để sinh tồn.

***

Ý kiến của bác sĩ Cao Xuân Minh: “Nếu F1 được đảm bảo ở nhà 100%, cách ly tốt, thì dù có thành F0 rồi tự hết (khả năng 80%) cũng không có nguy cơ lây lan”.

Bác sĩ Cao Xuân Minh diễn giải: Việc giám sát cách ly tại nhà có thể rất dễ dàng, bằng chính chiếc điện thoại thông minh của bệnh nhân. Mỗi ngày nhân viên y tế chỉ cần hướng dẫn đo nhiệt độ báo cáo, hỏi triệu chứng ho, mệt, khó thở, bật camera đảm bảo đang trong phòng, đánh giá được tổng trạng, nhịp thở, ngày kiểm tra ngẫu nhiên 3 lần… nếu có tình trạng sức khỏe chuyển xấu thì đưa nhập viện.

Các thuốc điều trị, nâng sức đề kháng có thể phát trước và hướng dẫn cho bệnh nhân dùng. Dĩ nhiên quy trình, tiêu chuẩn cách ly phải được viết thật rõ, chi tiết để nhân viên y tế áp dụng giám sát và bệnh nhân thấu hiểu, tuân thủ.

Bệnh nhân phải luôn nghe khi có điện thoại và bật camera, nếu không nghe điện thoại thì nhân viên giám sát sẽ có mặt.

Có một điểm có thể tác động rất lớn lên nhận thức người dân khi để F1, F0 không triệu chứng ở nhà. Người dân sẽ cảm thấy F0 luôn ở đâu đó nên họ sẽ tuân thủ tốt hơn rất nhiều. Việc cách ly tập trung triệt để F1 ít nhiều tạo cho những người khác tâm lý chủ quan, trong khi có người còn không biết rằng mình đã là F0 tự lúc nào.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nếu Thảo Cầm Viên Sài Gòn đóng cửa vì lỗ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn ngày 1-10: Tìm lại niềm tin

Phan Thanh Hung

VNTB – Góp nhặt những ngày Sài Gòn ‘giăng mắc dây’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo