Lê Tự Do
(VNTB) – Trang fanpage “công an huyện Nghĩa Đàn” có nội dung về vấn đề thổi nồng độ cồn với những từ ngữ rất dễ dẫn đến cho người khác hiểu nhầm, về quyền tự do và dân chủ của người dân.
Mới đây, một trang fanpage trên giao diện Facebook có tên “công an huyện Nghĩa Đàn” đã đăng một nội dung:
“Còn nhớ, từ cuối năm 2007, mọi người dân khi tham gia bằng xe mô tô, xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Ban đầu, nhiều người vẫn tỏ ra khó chịu. Thế nhưng, đến nay hễ nếu ai tham gia giao thông trên đường bằng xe mô tô, xe gắn máy mà không đội mũ bảo hiểm thì mọi người sẽ nhìn bằng ánh mắt khác lạ. Nghĩa là người đó không bình thường.
Còn hiện nay, thực hiện nghiêm về quy định kiểm tra nồng độ cồn đối với tất cả mọi đối tượng tham gia điều khiển phương tiện giao thông cũng có nhiều người chưa thực sự bằng lòng.
Tuy nhiên, nếu làm thường xuyên, làm liên tục, làm triệt để, không có vùng cấm, không có xin cho, thì người dân sẽ sớm chấp hành và sẽ quen thôi.
CSGT sẽ mạnh tay xử lý nồng độ cồn ngay cả trong dịp Tết Giáp Thìn, góp phần hình thành thói quen cho người dân về việc “đã uống rượu bia, không lái xe”.
“Đã uống rượu bia, không lái xe. Tôi đồng ý. Nhưng với status này rất dễ nhập nhằng dẫn đến suy nghĩ vi phạm quyền tự do, dân chủ của người dân. Như trang viết, “cũng có nhiều người chưa thực sự bằng lòng”. Việt Nam là đất nước của dân, do dân, vì dân. Anh đã lắng nghe lý do vì sao người dân chưa bằng lòng chưa? Hay anh quy chụp tất cả những người chưa bằng lòng đều là những “ma men”? Trong số những người không bằng lòng đó, có bao nhiêu người đang sống chung với bệnh nền để rồi đưa ra số liệu ảo trong việc thổi nồng độ cồn? Để rồi anh cho rằng “làm thường xuyên, làm liên tục, làm triệt để…”. Nó có khác gì anh đang bắt buộc người dân phải thi hành răm rắp những điều anh đưa ra, cho dù nó có lý hay không có lý?”.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, đây là sự kiện chính trị – pháp lý quan trọng của đất nước. Lời nói đầu Hiến pháp 2013 thể hiện:
“…Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã thể hiện rõ trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp.
Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp là Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Cũng xin được nói thêm, theo chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa “dân là chủ”. Người nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ… Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. Xã hội nào bảo đảm cho điều đó được thực thi thì đó là một xã hội thực sự dân chủ.
“Vấn đề đội mũ bảo hiểm và thổi nồng độ cồn nó chẳng liên quan gì nhau để đem ra so sánh cả. Đội mũ bảo hiểm, trước đây, đi tỉnh cũng đã bắt buộc. Giờ thêm đi trong thành phố, xem ra cũng không quá khó. Nhưng thổi nồng độ cồn với những người vốn dĩ có bệnh nền hoặc đang điều trị bệnh, cho ra số liệu ảo, rồi ảnh hưởng thời gian, công việc của người ta, nó nghiêm trọng hơn nhiều”.
Không biết rằng, trang fanpage “công an huyện Nghĩa Đàn” là do ai quản lý nhưng với nội dung ủng hộ được đăng tải trong vấn đề thổi nồng độ cồn với những từ ngữ rất dễ dẫn đến cho người khác hiểu nhầm, về quyền tự do và dân chủ của người dân.
Cần chăng xem xét lại vai trò của quản trị trang fanpage này?