Phạm Nguyên Trườngdịch
(VNTB) – Tôi tin chắc rằng hậu quả của Brexit sẽ xuất hiện trong vài tuần hay vài tháng nữa, và sẽ có nhiều người hơn nữa tham gia vào hàng ngũ của chúng ta.
George Soros – Huyền thoại đầu cơ
Theo tôi, nước Anh đã có những thỏa thuận tốt nhất có thể có với EU, vì nước này đã trở thành viên của của thị trường chung, nhưng lại không thuộc khu vực đồng tiền Euro và đã nằm ngoài một số quy định khác của EU. Nhưng điều đó vẫn không đủ sức ngăn chặn cử tri Vương quốc Anh thông qua quyết định rời khỏi tổ chức này. Vì sao?
Có thể thấy câu trả lời trong các cuộc thăm dò dư luận trong những tháng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về “Brexit”. Cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu và cuộc tranh luận về Brexit thúc đẩy lẫn nhau. Chiến dịch “Ra đi” lợi dụng tình hình người tị nạn đang ngày càng xấu đi – thể hiện bằng hình ảnh đáng sợ của hàng ngàn người tị nạn tập trung ở Calais, những người đang tìm mọi cách để vào nước Anh – để dọa dẫm dân chúng về dòng người nhập cư “không kiểm soát nổi” từ các nước thành viên EU khác. Còn các nhà chức trách ở châu Âu thì trì hoãn, không chịu thông qua các quyết định quan trọng về chính sách đối với người tị nạn nhằm không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, và do đó, kéo dài thêm cảnh hỗn loạn tương tự như ở Calais.
Quyết định của thủ tướng Đức, Angela Merkel, mở cửa đất nước mình cho người tị nạn là một cử chỉ đầy cảm hứng, nhưng nó đã không được suy nghĩ một cách thấu đáo, bởi vì không tính đến yếu tố hấp dẫn. Dòng người tị nạn đột ngột kéo vào đã phá vỡ cuộc sống quen thuộc hàng ngày của người dân trên toàn EU.
Hơn nữa, việc thiếu các biện pháp kiểm soát phù hợp đã gây ra tình trạng hoảng loạn, ảnh hưởng đến tất cả mọi người: người dân địa phương, các cơ quan phụ trách an ninh công cộng, và chính những người tị nạn. Nó cũng đã mở đường cho sự gia tăng nhanh chóng các đảng có tư tưởng chống Liên minh châu Âu và bài ngoại – ví dụ, Đảng Độc lập của Anh, tức là đảng dẫn dắt chiến dịch Ra đi – vì chính phủ các nước cũng như các thiết chế của châu Âu dường như không có khả năng xử lý cuộc khủng hoảng.
Bây giờ, kịch bản đầy thảm họa mà nhiều người lo ngại đã xảy ra, làm cho Liên minh châu Âu tan rã đã trở thành không thể đảo ngược đã diễn ra trên thực tế. Vương quốc Anh cuối cùng có thể hoặc không thể trở thành tốt hơn so với các nước khác sau khi rời khỏi EU, nhưng nền kinh tế và dân chúng nước này sẽ phải gánh chịu nhiều đau khổ trong ngắn và trung hạn. Ngay sau cuộc trưng cầu, đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ qua và các thị trường tài chính trên toàn thế giới dường như vẫn nằm trong tình trạng hỗn loạn, làm phức tạp thêm quá trình đàm phán về việc chia tay về mặt chính trị và kinh tế với EU. Những hậu quả của việc ra đi của Anh đối với nền kinh tế có thể tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008.
Chắc chắn là quá trình này có khả năng tạo ra những bất ổn và rủi ro về chính trị, vì không chỉ lợi thế có thực hay tưởng tượng đối với nước Anh mà cả sự tồn tại của dự án châu Âu đã bị đem ra đặt cược. Brexit sẽ mở cánh cửa cho những lực lượng bài-Âu trong những nước khá trong EU. Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, đảng Mặt trận Dân tộc Pháp đã tung ra lời kêu gọi Frexit (Pháp rời khỏi Liên minh – ND), đồng thời đảng mị dân Geert Wilders ở Đức cũng kêu gọi Nexit (Đức rời khỏi Liên minh – ND).
Hơn nữa, Vương quốc Anh có thể cũng không thể tồn tại như trước được nữa. Scotland, nơi tuyệt đối đa số người dân ủng hộ ở lại EU, có thể lại thực hiện một cố gắng nữa trong việc giành độc lập; còn một số quan chức ở Bắc Ireland, nơi các cử tri cũng ủng hộ chiến dịch “Ở lại”, cũng kêu gọi thống nhất với Cộng hòa Iereland.
Phản ứng của EU trước Brexit cũng có thể trở thành một cái bẫy khác. Các nhà lãnh đạo châu Âu, vì muốn ngăn chặn, không để các nước khác theo gương Anh, có thể sẽ không dành cho Vương quốc Anh những điều kiện – đặc biệt là những điều kiện liên quan đến việc tiếp cận với thị trường thống nhất của châu Âu – tức là những điều kiện làm giảm bớt những tác động tiêu cực của quá trình rời bỏ EU. Vì buôn bán với châu Âu chiếm một nửa kim ngạch của Anh, ảnh hưởng đối với các nhà xuất khẩu Anh còn khủng khiếp hơn nữa (mặc dù tỷ giá hối đoái có thể mang tính cạnh tranh hơn). Và, trong một vài năm tới, khi các thiết chế tài chính sẽ chuyển hoạt động và nhân viên của mình sang khu vực châu Âu thì thành phố London (City pf London) và thị trường bất động sản London cũng sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.
Hậu quả đối với châu Âu có thể còn tồi tệ hơn. Tình trạng căng thẳng giữa các nước thành viên đã tới mức giới hạn, đấy không chỉ vì vấn đề người tị nạn mà còn vì mâu thẫn giữa các nước cho vay và những nước vay nợ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo đang yếu đi ở Pháp và Đức lại chỉ tập trung vào các vấn đề đối nội. Ở Italy, thị trường tài chính giảm 10% ngay sau cuộc trưng cầu ở Anh là tín hiệu rõ ràng về việc nước này có thể gặp phải cuộc khủng hoảng ngân hàng trên diện rộng – điều này có thể làm cho Phong Trào Năm Ngôi Sao – hiện được đa số dân Rome ủng hộ – giành được quyền lực trong năm tới.
Những sự kiện đang diễn ra sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với chương trình cải cách khu vực đồng Euro, bao gồm liên minh về ngân hàng, liên minh giới hạn về tài chính, và các cơ chế mạnh mẽ hơn về trách nhiệm giải trình theo lối dân chủ. Nhưng thời gian không ủng hộ châu Âu, vì áp lực từ bên ngoài như Thổ Nhĩ Kì và Nga – đang lợi dụng sự bất hòa trong EU – càng làm cho xung đột chính trị trong nội bộ châu Âu thêm căng thẳng.
Đấy là tình hình của chúng ta hiện nay. Tất cả các nước châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh, đều bị thiệt hại vì đánh mất thị trường chung và đánh mất những giá trị chung mà EU phải bảo vệ. Đúng là EU đã thất bại và không thể đáp ứng được nhu cầu và khát vọng của các công dân của mình. Bây giờ EU sẽ tan rã một trong cảnh hỗn loạn, đặt châu Âu trước tình trạng còn xấu hơn là thà rằng không có Liên minh.
Nhưng chúng ta không được đầu hàng. Không nghi ngờ gì rằng EU là cơ cấu không hoàn hảo. Sau Brexit, tất cả những người tin vào các giá trị và nguyên lý mà EU bảo vệ phải liên kết lại để bảo vệ nó bằng cách tái thiết nó. Tôi tin chắc rằng hậu quả của Brexit sẽ xuất hiện trong vài tuần hay vài tháng nữa, và sẽ có nhiều người hơn nữa tham gia vào hàng ngũ của chúng ta.
—————–
George Soros là chủ tịch Quỹ Quản trị Soros và chủ tịch Quỹ Xã Hội Mở. Ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có The Alchemy of Finance, The New Paradigm for Financial Markets: The Credit Crisis of 2008 and What it Means, and The Tragedy of the European Union.
Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/brexit-eu-disintegration-inevitable-by-george-soros-2016-06