Dân Trần
(VNTB) – Với mức thu nhập hiện nay, người dân TP.HCM có thể phải đầu thai vài kiếp mới có thể mua được một căn nhà ở thời điểm hiện tại.
Ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nói ngày 14/05: “Nếu cứ thế này có khi đất ở TP.HCM đắt ngang với Hongkong và cứ đà này thì sẽ cản trở sự đầu tư phát triển của thành phố. Không chỉ vậy, ở TP.HCM, người dân và doanh nghiệp còn khó khăn trong việc xác nhận quyền sở hữu”. (1)
So sánh một chút về Hongkong và TPHCM thì chỉ số GRDP (tổng sản phẩm trong vùng) của Hongkong năm 202 là 359,8 tỷ đô la; còn TPHCM là 63,07 tỷ đô la. GRDP đầu người của Hongkong là 48.983,6 đô la/người/năm, TPHCM là 6.531đôla/người/năm, chỉ bằng 13% so với Hongkong. Tức là người ở Hongkong làm chưa đầy 4 tuần là có thu nhập bằng người ở TPHCM làm 1 năm.
Theo tổng cục thống kê, trung bình mỗi tháng, người dân ở TPHCM kiếm được khoảng 6,3 triệu đồng (2022). Với mức thu nhập này, người dân TPHCM có thể phải đầu thai vài kiếp mới có thể mua được một căn nhà ở thời điểm hiện tại.
Theo số liệu khảo sát năm 2022, sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hongkong có mức lương trung bình dao động từ 300.000-371.000 HKD/năm (911 triệu-1,1 tỷ đồng). Trong đó, sinh viên tốt nghiệp các ngành như Y khoa, Nha khoa và Điều dưỡng có lương trung bình hàng năm cao nhất là 494.000 HKD/năm (1,5 tỷ đồng). Sau đó là sinh viên ngành Giáo dục với lương trung bình là 353.000 HKD/năm (1 tỷ đồng). Còn sinh viên tốt nghiệp những ngành nghề khác thì có mức lương trung bình vào khoảng 300.000 HKD/năm (911 triệu đồng).
Còn ở TPHCM, sinh viên tốt nghiệp ngành Y phải đi làm thí công (không nhận lương) 2 năm mới được xét vô biên chế, với mức lương chỉ vài triệu mỗi tháng. Ngành sư phạm thì cũng không khá khẩm gì hơn. Thậm chí nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phải chạy xe ôm công nghệ, làm trái ngành vì thất nghiệp, không có việc làm.
Nếu sinh viên Hongkong tốt nghiệp đi làm vài năm là có thể mua nhà. Thì sinh viên TPHCM làm vài chục năm, thậm chí làm vài kiếp cũng chưa chắc mua được một căn nhà nhỏ.
Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển thì TP.HCM đang thiếu đất cho giao thông, nhà ở, giáo dục và đặc biệt là dành cho công nghiệp công nghệ cao, thiếu quỹ đất dành cho công nghệ cơ khí, chế tạo… nên khả năng thu hút đầu tư của TP, nhất là nguồn vốn FDI đang có xu thế chậm lại. TP cũng đang thiếu các dự án lớn để bứt phá.
Có thể hiểu rằng TP.HCM sẽ rất khó phát triển trong bối cảnh hiện nay. Thiếu quỹ đất, giá đất cao, không thu hút được các nhà đầu tư, không có dự án lớn… Thì thành phố làm sao phát triển được và thu nhập người dân làm sao có thể tăng lên được? Trong khi đó, giá nhà thì vẫn tăng đều đều, và chuyện mua được nhà của người dân TP.HCM càng ngày càng đi vào ngõ cụt.
Thực tế thì các lãnh đạo thừa biết vấn đề nằm ở đâu, nhưng họ không có cách giải quyết. Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM thì việc “quản lý đất đai còn rất nhiều bất cập, đó là hàng trăm văn bản luật liên quan đến luật Đất đai còn chồng chéo. Việc quy hoạch, lập kế hoạch thiếu đồng bộ, thiếu minh bạch và quản lý thực hiện quy hoạch rất khó khăn, thường bị phá vỡ, nhiều nơi còn bị khoét lỗ quy hoạch”.
“Giá đất không theo kịp giá thị trường, giao dịch ảo là phổ biến, khiến thất thu ngân sách rất lớn. Quản lý nhà đất có nhiều thiếu sót gây lãng phí lớn. Về quy hoạch, thực hiện quy hoạch cũng chưa tốt, quy hoạch theo hướng đa trung tâm nhưng thực tế chỉ thu hút về một trung tâm chính là chủ yếu”. Báo Thanh Niên dẫn lời bà Thảo nói tại Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM – Thực trạng và giải pháp” do Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 14/05.
Như vậy, các lãnh đạo biết rõ rằng luật đất đai còn chồng chéo, quy hoạch không đồng bộ, quản lý thiếu sót. Họ biết được lỗi ở đâu, sai chỗ nào, nhưng họ không có cách giải quyết, hoặc có cách nhưng làm không được vì vướng nhiều thủ tục, cơ chế. Đây cũng là vấn đề chính mà đảng cộng sản đang gặp phải: cơ chế chính trị độc tài nhưng rườm rà, phức tạp, người có tài thì không được trọng dụng, còn kẻ bất tài thì lại luồn sâu leo cao. Muốn giải quyết chuyện nhà cửa, thu nhập của người dân, thì chắc có lẽ phải thay đổi toàn bộ cơ chế và hệ thống chính trị. Nhưng đó lại là một câu chuyện nan giải khác.
______________
Tham khảo:
https://thanhnien.vn/cu-da-nay-gia-dat-tai-tphcm-se-dat-ngang-hong-kong-185240514210905087.htm