Mai Lan
(VNTB) – Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc sở Y tế chỉ giữ lại một tiêu chuẩn là “tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị.”
Bằng cấp bắt buộc để có thể làm lãnh đạo: cao cấp lý luận chính trị
Sau Tây Ninh bổ nhiệm giám đốc sở Văn hoá Thể thao Du lịch làm giám đốc sở Y tế, bây giờ đến Cà Mau có giám đốc sở Y tế không phải ngành y. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc sở Y tế về chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã bị các tỉnh này bỏ qua, chỉ giữ lại một tiêu chuẩn là tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị.
Ý kiến ủng hộ chuyện “trái ngành” này là bộ trưởng Y tế đương nhiệm cũng không có bằng cấp y khoa, dù là trung cấp, và bà xuất thân được đào tạo làm nghề liên quan bảo hiểm xã hội. Bà từng là trợ lý của bà Nguyễn Thị Kim Ngân lúc bà Ngân là bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Cũng luồng ý kiến trên thì bộ trưởng, giám đốc là nhà quản lý, không hẳn là nhà chuyên môn miễn là quản trị tốt. Như vậy thì về nguyên tắc chung nhất, có lẽ tiêu chuẩn mang tính bắt buộc phải có là các ứng viên cho chức vụ bộ trưởng, giám đốc sở phải là được đào tạo bài bản ở một trường tên tuổi về môn gọi là “Quản lý hành chánh công”.
Dĩ nhiên chưa hẳn có bằng cấp “Quản lý hành chánh công” là sẽ làm tốt công việc được giao, vì nghề quản trị ở Việt Nam còn phải chịu sự chi phối mang tính “toàn diện” của đảng ủy cấp trên. Chính điều này nên tiêu chuẩn bắt buộc lâu nay cho mọi chức danh lãnh đạo, là phải có bằng cấp mang tên “cao cấp lý luận chính trị”; thay vì nên cần có bằng cấp của khóa đào tạo “thạc sỹ chính sách công”.
Người viết cho rằng nếu các quan chức cấp cao của Đảng thật sự cầu thị, thật sự “toàn tâm, toàn ý” phụng sự đất nước, nhân dân như những gì mà Đảng này hô hào suốt gần cả trăm năm qua, xin hãy đưa ra yêu cầu mang tính cạnh tranh trong lá phiếu bầu chọn giám đốc sở, bộ trưởng về bằng cấp chuyên môn “Quản lý hành chánh công”.
Quản lý hành chánh công trong môi trường tự do học thuật
Thời khóa biểu cho khóa thạc sĩ chính sách công của trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tại TP.HCM hiện tại có thể tóm lược như sau trong năm học đầu tiên: Nhập môn chính sách công là môn học giới thiệu tổng quan lĩnh vực phân tích, nghiên cứu chính sách và giải quyết các vấn đề chính sách then chốt hiện nay.
Học viên sẽ làm quen với quy trình làm chính sách, gồm nhận dạng vấn đề, xác định ưu tiên, ra quyết định, giải quyết động cơ của các nhóm quyền lợi và thực thi thông qua phương pháp tiếp cận tương tác và theo các tình huống cụ thể.
Mục tiêu chính của môn học này là giúp học viên làm quen với môi trường học tập trong đó đề cao vai trò của thảo luận và trao đổi tích cực giữa giảng viên với học viên và giữa học viên với nhau.
Kinh tế vi mô dành cho chính sách công là môn học giới thiệu các nguyên lý căn bản của kinh tế học vi mô như cung, cầu, cân bằng thị trường, lý thuyết về hành vi người tiêu dùng và lý thuyết về sản xuất.
Bên cạnh đó, môn học còn xem xét một số chủ đề quan trọng của việc hoạch định chính sách công như tính hiệu quả và công bằng, phân tích chi phí và lợi ích, thất bại thị trường và vai trò của nhà nước trong một nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi và hội nhập.
Kinh tế vĩ mô: Lý thuyết và ứng dụng chính sách. Đây là môn học cung cấp kiến thức cơ bản về kinh tế học vĩ mô và xây dựng kỹ năng phân tích các điều kiện vĩ mô ở những nước đang phát triển.
Điểm nhấn của môn học là ứng dụng thực tế thay vì các mô hình lý thuyết. Học viên sẽ nghiên cứu các mối quan hệ giữa các biến vĩ mô, khả năng sử dụng chính sách tiền tệ và ngân sách để đạt ổn định vĩ mô trong ngắn và dài hạn.
Các phương pháp định lượng là môn học trình bày những phương pháp phổ biến để ước lượng quan hệ kinh tế giữa những biến số quan sát được và kiểm định giả thuyết về các mối quan hệ này.
Học viên được tiếp cận với các phương pháp thống kê và kinh tế lượng, nhưng cũng nắm được các giới hạn của chúng. Mục tiêu của môn học là giúp học viên trở thành những người sử dụng các thông tin thống kê một cách thông minh và hiệu quả.
Luật và chính sách công là môn học xem xét mối tương tác giữa các vấn đề chính sách công và luật, lý giải những tranh luận về vai trò của luật trong phát triển kinh tế, xoay quanh việc xây dựng các thể chế luật pháp để điều chỉnh thất bại thị trường.
Môn học cũng bàn về những thành phần nền tảng của một hệ thống pháp luật, gồm luật sở hữu, luật hợp đồng, luật hình sự và quy trình luật, qua đó nêu bật tầm quan trọng của các thành phần này trong việc hoạch định và thực thi chính sách công.
Anh ngữ dành cho chính sách công. Đây là môn học bắt buộc, giúp học viên đạt trình độ tiếng Anh thông thạo để sử dụng được các tài liệu nguyên bản tiếng Anh và đạt được trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu đối với sinh viên cao học ở Việt Nam. Học viên đạt được điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh môn tiếng Anh của FETP có thể được miễn dự giờ trên lớp, nhưng vẫn phải thi cuối kỳ.
Vì sao Đảng ngại môn khoa học quản lý này?
Môn “Phát triển vùng và địa phương” của trường Fulbright tại TP.HCM ở năm thứ nhất của chương trình thạc sỹ có lẽ là nội dung mà nhiều lãnh đạo Đảng dễ phật lòng, khi mục tiêu của môn học này là nhằm trả lời câu hỏi: Làm thế nào một đơn vị, tổ chức (chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các cụm ngành, hiệp hội ngành nghề,…) xây dựng năng lực cạnh tranh để đạt được các mục tiêu phát triển của mình?
Phương pháp chính của môn học là sử dụng các tình huống nghiên cứu, chủ yếu lấy từ thư viện tình huống nghiên cứu của trường Kinh doanh Harvard và trường Fulbright.
Và cả hai trường nêu tên ở trên đều không đi theo con đường “kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2 comments
Ôi dào: Cao cấp lý luận chánh chị KKKK gì kia chớ? Trước đây các quan chức của ta có học hành KKKK gì đâu? Mà XH vưỡn bình an, không tệ lậu như bi giờ.
Không sao đâu . Thủ tướng Võ Văn Kiệt có cần bằng cấp gì đâu mà vẫn được trí thức nhà mềnh ca tụng ngất trời thế kia