VNTB – Khi nào thì hiệu trưởng trường đại học có thể bị ‘đình chỉ’ chức vụ?

VNTB – Khi nào thì hiệu trưởng trường đại học có thể bị ‘đình chỉ’ chức vụ?

Mai Lan

(VNTB) – Hiệu trưởng trường đại học có thể bị ‘đình chỉ’ chức vụ khi có vấp váp  liên quan đến đảng cộng sản Việt Nam; hoặc nếu không phải là đảng viên, có lẽ ông hiệu trưởng nọ đã không bị ‘đình chỉ’ chức vụ…

Luật giáo dục đại học, điều 16.2.d nói rằng Hội đồng trường của trường đại học công lập có quyền hạn “Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học”.

Ý kiến sinh viên

Ngày 21-8, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh – hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng – để kiểm điểm, xem xét kỷ luật trách nhiệm do có các khuyết điểm, vi phạm theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký, thời hạn đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh là 90 ngày.

Cùng ngày 21-8, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có quyết định giao tiến sĩ Trần Trọng Đạo – phó hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2014-2019 – thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của Trường đại học Tôn Đức Thắng trong thời gian tạm đình chỉ đối với ông Lê Vinh Danh.

Ghi nhận ý kiến từ một số người từng học ở Trường đại học Tôn Đức Thắng:

“Mình học ở Tôn Đức Thắng từ cái thời cơ sở của trường còn rải rác các nơi, cơ sở gần sân bay, nói vui thì như dãy chuồng gà, cơ sở trung cấp ở Ngô Tất Tố thì sinh viên gọi là sân vận động tổ chim, toàn lợp tôn nóng bà hú luôn. Học được mấy năm thì trường xây cơ sở mới ở quận 7, hồi dời khoa ra đó sinh viên tụi mình phụ bưng bê chuyển thiết bị ra đó, tuy cực nhưng vui.

Để có được cơ sở vật chất Tôn Đức Thắng hoành tráng, đẹp và đẳng cấp như hôm nay công của thầy Danh nói riêng và tập thể cán bộ công nhân viên của trường Tôn Đức Thắng là cực kỳ to lớn.

Ấy vậy mà…”.

“Em là sinh viên của trường Tôn Đức Thắng, và thật sự thầy hiệu trưởng rất được lòng của rất nhiều thế hệ sinh viên lẫn giảng viên. Nên việc đình chỉ công tác của thầy chúng em rất quan tâm và mong chờ một lời giải thích rõ ràng, hợp lý từ cơ quan chức năng”.

“Việc bỏ bộ chủ quản đã được đưa vào Nghị quyết 25/2005/NQ-CP về Đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020. Chấm dứt tình trạng can thiệp vào hoạt động tự chủ của các trường, đặc biệt là với mô hình tiến bộ như tại đại học Tôn Đức Thắng là việc làm cần thiết để thực hiện Luật giáo dục đại học sửa đổi và Nghị quyết 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 về việc thu gọn đầu mối quản lý, tinh giản biên chế. Vậy hiện nay, cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện theo quy định của pháp luật hay chưa khi ra các quyết định về nhân sự trong thời gian này?

Cụ thể hơn nữa, tại Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký thay, quy định tại Điều 1, Mục II, khoản 2, điểm b quy định: “Tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong và ngoài độ tuổi lao động (còn năng lực làm việc) căn cứ vào đề án vị trí việc làm, sau khi được Hội đồng trường thông qua; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan; đồng thời, bảo đảm tính cạnh tranh và có tính đến các đối tượng ưu tiên theo quy định”.

Như vậy, chỉ có Hội đồng trường đại học Tôn Đức Thắng mới có quyền ra các quyết định về nhân sự, hiện nay việc mà cơ quan chủ quản có thể tham gia là cùng nhà trường bầu ra Hội đồng trường và sau đó là tiến hành bầu hiệu trưởng, hiệu phó cùng các vị trí cán bộ khác của trường đại học Tôn Đức Thắng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Nhiều ý kiến khác của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, giảng viên… tất cả đều có mong muốn chung về thực hiện cơ chế tự chủ đại học mà Chính phủ đã dọn đường. Việc thực hiện trong thực tế cần có tính linh hoạt bởi đây là mô hình đang cho thấy hiệu quả tốt khi áp dụng vào đời sống hiện tại.

Những thành quả mà đại học Tôn Đức Thắng đã có, nói khách quan là chưa ai hay tổ chức nào về giáo dục tại Việt Nam làm được. Không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tự trang trải kinh phí hoạt động mà hình thành một cơ ngơi với chất lượng đào tạo như vậy chỉ có đại học Tôn Đức Thắng làm được”.

Viện dẫn các quy định pháp luật liên quan như lập luận trên để nói về chuyện “đình chỉ” chức vụ hiệu trưởng là không đúng, nhưng cái không trúng ấy tiếc thay lại là trúng ý của lãnh đạo.

Sức nặng của quyền lực Đảng

Ngày 25 tháng 8, trang web của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) có thông cáo báo chí như sau về chuyện “đình chỉ” kể trên:

“Theo Tổng LĐLĐVN, sau một thời gian tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã kết luận khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng và cá nhân đồng chí Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.

Theo đó, Đảng ủy Trường không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 97-QĐ/TW ngày 22.3.2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đảng ủy Trường không bàn bạc, trao đổi và không có nghị quyết lãnh đạo đối với một số chủ trương lớn liên quan đến hoạt động của Trường; để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm về công tác cán bộ, công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hiện dự án đầu tư, chấp hành không đầy đủ các kết luận kiểm tra, kiểm toán của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Đảng ủy Trường buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Lãnh đạo Trường vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc không chấp hành các chỉ đạo của cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐVN; một số đồng chí đảng viên, cán bộ chủ chốt của Trường có những phát biểu không đúng, thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của Tổng LĐLĐVN; cung cấp thông tin để báo chí đăng tải chưa đúng với thực tế, phủ nhận sự đóng góp, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn trong quá trình thành lập và phát triển của Trường, thoát ly vai trò cơ quan chủ quản của Tổng LĐLĐVN.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh kết luận những khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy Trường có trách nhiệm của cá nhân đồng chí Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy với vai trò là người chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động của Đảng ủy, Đảng bộ Trường và trực tiếp phụ trách công tác tổ chức, cán bộ.

Ngoài trách nhiệm của người đứng đầu đối với những khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy Trường, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng nhận thấy cá nhân đồng chí Lê Vinh Danh có khuyết điểm, vi phạm trong chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế làm việc và các quy chế, quy định của Trường có nội dung không đầy đủ, không bám sát quy định của Đảng, pháp luật; không tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc Trường tiếp tục thực hiện các nội dung Đề án đến năm 2019 chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.

Với trách nhiệm là Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Thủ trưởng đơn vị, đồng chí Lê Vinh Danh đã chỉ đạo thực hiện chưa đúng quy định của Đảng, quy định pháp luật và quy định của Tổng LĐLĐVN, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, trực tiếp ký các văn bản thể hiện việc không chấp hành các chỉ đạo của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ của Trường.

Với trách nhiệm chủ tài khoản của Trường, trực tiếp phụ trách công tác tài chính, tài sản, đồng chí Lê Vinh Danh để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót với giá trị lớn trong quản lý, sử dụng tài chính; quản lý, đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản… Cá nhân đồng chí Lê Vinh Danh và Trường liên tục có văn bản khẳng định trong suốt quá trình hoạt động, Trường tự chủ tài chính, tự trang trải toàn bộ các khoản chi, hoàn toàn không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và tổ chức Công đoàn là không đúng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Tổng LĐLĐVN và Ủy ban nhân dân các tỉnh dành cho Trường; thể hiện nhận thức chưa đúng, không đảm bảo quan điểm lịch sử, toàn diện, tạo dư luận bức xúc trong cán bộ, đoàn viên công đoàn. Cá nhân đồng chí Lê Vinh Danh thiếu gương mẫu trong việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập; sử dụng chức danh giáo sư chưa đảm bảo quy định pháp luật hiện hành.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh kết luận những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của đồng chí Lê Vinh Danh đã gây hậu quả nghiêm trọng làm giảm sút vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Trường, ảnh hưởng đến hoạt động của Trường, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Tổng LĐLĐVN, gây bất bình, bức xúc trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và đoàn viên công đoàn, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Đoàn Kiểm tra xem xét, thi hành kỷ luật đối với Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Vinh Danh và các đảng viên có liên quan. Với vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, sau khi đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng, Tổng LĐLĐVN sẽ tiến hành xem xét, đánh giá mức độ vi phạm để thực hiện kỷ luật về mặt chính quyền đối với đồng chí Lê Vinh Danh bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Thay lời kết

Như vậy, nhìn tổng thể qua những gì hiện đang được công khai trong vụ việc “đình chỉ” chức vụ hiệu trưởng, cho thấy xét về quy trình là có sự vi phạm, vì Luật giáo dục đại học, điều 16.2.d nói rằng Hội đồng trường của trường đại học công lập có quyền hạn “Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học”.

Cũng có ý kiến, ô hay, Đảng làm sao sai cho được, vì ở đây là “đình chỉ chức vụ hiệu trưởng”, mà “đình chỉ” thì đâu có nằm trong điều khoản nào của Luật giáo dục đại học (!?).

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)