VNTB – Tự chủ đại học và ‘vòng kim cô’ mang tên “cơ quan chủ quản”

VNTB – Tự chủ đại học và ‘vòng kim cô’ mang tên “cơ quan chủ quản”

Mai Lan

(VNTB) – Vụ việc đang diễn ra tại Đại học Tôn Đức Thắng với cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đang đặt lại vấn đề: tự chủ đại học sẽ ra sao khi vẫn buộc tiếp tục đeo ‘vòng kim cổ’ mang tên “cơ quan chủ quản”?

Tự chủ đại học là gì?

Tự chủ đại học là quyền của cơ sở giáo dục đại học quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình, cách thức và phương tiện thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước công chúng và pháp luật về mọi quyết định cũng như hoạt động của mình.

Đây là hình thức quản trị thích hợp với những tổ chức không thuộc hệ thống hành chính (hệ thống có cấp trên cấp dưới; cấp dưới do cấp trên bổ nhiệm và phải làm theo quyết định của cấp trên).

Thông thường, tự chủ đại học bao gồm 4 khía cạnh: tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật và tự chủ về nhân sự.

Tự chủ đại học có nhiều mặt ưu điểm như giúp các trường đại học tháo gỡ được nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, về hoạt động của nhà trường, quản lý của bộ chủ quản. Tự chủ đại học là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Quyền tự chủ đại học được thể hiện ở nhiệm vụ và quyền hạn của Luật như Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Hội đồng quản trị, của cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục, tuyển sinh, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh…

Bài học từ “tự chủ tài chính” ở trường đại học có ‘vòng kim cô’

Trường Đại học Tôn Đức Thắng khởi đầu là Trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh làm hồ sơ xin thành lập. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg thành lập trường ngày 24/9/1997.

Ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 18/QĐ-TTg chuyển loại hình tổ chức và đổi tên Trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2006, theo chủ trương xóa bỏ loại hình trường học bán công, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển 6 trường đại học và cao đẳng bán công thành đại học tư thục, trong đó có Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng. Theo nguyện vọng của nhà trường và tổ chức công đoàn, Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ban hành Quyết định số 747/QĐ-TTg, đổi tên Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng; chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; hoạt động theo mô hình đại học công lập tự chủ tài chính.

Ngày 29/01/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Nhà trường giai đoạn 2015 – 2017. Vì có một xuất phát điểm thấp nên từ 1997 – 2007, sau 10 năm thành lập, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn không giành được sự chú ý của xã hội, của truyền thông chứ chưa nói đến sự chú ý của giới khoa học và các đại học danh tiếng nước ngoài.

Tuy nhiên, chỉ từ năm 2007 đến nay, trường đã trở thành biểu tượng cho đổi mới, cho sự hiện đại, chất lượng của giáo dục Việt Nam, là thực tiễn sinh động để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về tự chủ giáo dục đại học. Năm 2007 được xem là dấu mốc bắt đầu những chuyển biến quan trọng của nhà trường khi Hội đồng Quản trị thông qua đề nghị của Hiệu trưởng ban hành Kế hoạch 30 năm (2007 – 2037) phát triển Đại học Bán công Tôn Đức Thắng (tiền thân của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày nay) thành đại học nghiên cứu nằm trong top 60 đại học tốt nhất châu Á.

Năm 2008, trường được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định giao khu đất hơn 10 ha tại phường Tân Phong, quận 7. Ngày 27/7/2008, trường bắt đầu khởi công Dự án Xây dựng Trụ sở chính tại phường Tân Phong.

Sau khi ban hành Kế hoạch 30 năm, trường có kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm và tập trung xây dựng những nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững trong dài hạn. Nguyên tắc “làm đúng ngay từ đầu”; và “học và làm đúng theo những đại học nổi tiếng nhất thế giới ngay từ đầu” được truyền thông rộng rãi cho từng giảng viên, viên chức và là một trong các nguyên tắc cơ bản để xây dựng chính sách phát triển và các kế hoạch hành động cho từng giai đoạn và từng kế hoạch.

Sự thành công của Đại học Tôn Đức Thắng từ cơ chế tự chủ đại học đã trở thành hình mẫu để cải cách hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước; được báo cáo điển hình vào tháng 8/2014.

Từ thực tiễn hoạt động của Đại học Tôn Đức Thắng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Ở Việt Nam không thể có “tự chủ đại học” nếu như ở đó có chi bộ Đảng?

“Tự chủ đại học xoay quanh bảy nội dung: nghiên cứu/công bố; nhân sự; chương trình/giảng dạy; hiệu trưởng; sinh viên (tuyển sinh đầu vào); quản trị trường; hành chính và tài chính. Trong những nội dung này chưa có cái nào tự chủ trọn vẹn. Nhưng cái được tự chủ nhiều hơn những cái khác là nội dung giảng dạy” – Giáo sư Phạm Phụ (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận xét.

Từ nhận xét của GS Phạm Phụ, cùng với những con số báo cáo được trích dẫn ở phần trên của Đại học Tôn Đức Thắng, cho thấy thật ra cơ chế tự chủ đại học, tự chủ tài chính đều phải chịu sự phụ thuộc vào chi bộ Đảng ở chính ngôi trường đó – đặc biệt là với những trường có ‘cơ quan chủ quản’. Chi bộ Đảng này lại chịu sự quản lý trực tiếp từ Đảng bộ cơ quan chủ quản, cùng Đảng bộ tại địa phương nơi trường đang hoạt động.

Thông thường, bất kỳ nơi nào có chi bộ Đảng thì nơi đó sẽ chịu giới hạn của quyền tự do chính trị. Trong môi trường đại học, việc gọi là “tự do học thuật” cũng phải lệ thuộc vào ý thức hệ của Đảng cộng sản.

Chính điều đó cho thấy nếu đã gọi là “Mọi thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều đến từ cơ chế tự chủ” (*), thì có lẽ cần xem xét lại việc giới hạn quyền của những đảng viên ‘chức sắc’ trong tổ chức chi bộ Đảng tại trường.

Đơn giản thôi, nguyên tắc đại học phải được tự chủ về học thuật. Những nghiên cứu bài bản, có cơ sở khoa học đàng hoàng được quyền nói ngược lại chủ trương cơ chế chính sách của Nhà nước, của Đảng. Bên cạnh đó, trường cũng phải đương nhiên được tự chủ về chương trình đào tạo, nhân sự, kêu gọi các hình thức tài chính cho phát triển phù hợp chiến lược phát triển của trường…

Thế nhưng nếu đặt tất cả nội dung ở trên vào chuyện “kỷ luật Đảng” đối với hiệu trưởng Lê Vinh Danh của Đại học Tôn Đức Thắng, cho thấy dường như ở Việt Nam không thể có “tự chủ đại học”, nếu như ở đó có chi bộ Đảng (!?).

____________

Chú thích:

(*) https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/moi-thanh-cong-cua-truong-dai-hoc-ton-duc-thang-deu-den-tu-co-che-tu-chu-post212076.gd

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)