VNTB – Triết học của Việt Nam phục vụ yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

VNTB – Triết học của Việt Nam phục vụ yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Vân Khanh

(VNTB) – Hội Triết học phải nghiên cứu sao cho có thể đưa ra những giải pháp đáp ứng các mục tiêu mà Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã có chỉ đạo như vậy tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 20-9-2020.

“Hội Triết học đẩy mạnh nghiên cứu tinh hoa triết học thế giới, nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam, nghiên cứu và phát triển Triết học Mác – Lênin, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh nhằm cung cấp cơ sở lý luận triết học cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt với các mục tiêu cụ thể và to lớn mà Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” là: Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” – trích phát biểu của ông Võ Văn Thưởng.

Rộng đường dư luận, ghi nhận ở đây ý kiến của ông Phạm Văn Đức, giáo sư – tiến sĩ, khoa Triết học – Học viện Khoa học Xã hội.

Ông Đức cho rằng không cứ phải khăng khăng thủ cựu chủ nghĩa Mác – Lê nin, đồng thời cũng tỉnh táo xác định giá trị của ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh’:

“Triết học Mác – Lênin được du nhập, tồn tại và phát huy tác dụng ở Việt Nam từ gần một thế kỷ. Với tư cách là thế giới quan khoa học và cách mạng, nó đã có vai trò to lớn trong việc đào tạo các thế hệ con người cách mạng Việt Nam.

So với Nho, Phật, Lão thì nó là mới, nhưng so với yêu cầu hiện đại thì nó đã là truyền thống và cần được đối xử như đối xử với truyền thống, nghĩa là cần được nhận thức lại, cần khẳng định những giá trị phải tiếp tục giữ gìn, phát huy, cũng như những điểm cần phải bổ sung, phát triển.

Phép biện chứng duy vật là linh hồn của triết học Mác. Vai trò lịch sử của nó thì không thể phủ nhận, nhưng nó là sản phẩm của thế kỷ XIX, dựa vào kiến thức và hoàn cảnh xã hội của thế kỷ XIX mà khái quát nên. Từ đó đến nay, mọi lĩnh vực khoa học và đời sống đều đã có những bước phát triển vượt bậc, đòi hỏi triết học, dù triết học đó ưu việt như thế nào, cũng phải phát triển theo.

Do không đổi mới lý luận nên nhiều nhà nghiên cứu lúng túng trước thực tiễn sinh động, phong phú và đã đi đến đánh mất chức năng xã hội của triết học. Trong khi Đảng, Nhà nước và xã hội yêu cầu đẩy mạnh việc nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế xã hội để phát hiện, đề xuất những căn cứ khoa học làm cơ sở cho việc hình thành đường lối, chính sách thì họ lại chủ yếu làm công việc thuyết minh, minh họa cho cái đã có, thậm chí cho cái đang gây cản trở sự phát triển của cuộc sống. Họ không những không góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước, mà có khi còn ngăn cản sự đổi mới đó.

Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, phải đổi mới lý luận hiện có. Có đổi mới thì mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện đại và mới có điều kiện để hội nhập quốc tế. Bởi vì, hội nhập thì có đi có lại, có sự tiếp thu từ bên ngoài, có sự truyền bá từ bên trong ra và mới có thể đối thoại được với các nền triết học khác. Chỉ khi nào cái của mình có giá trị phổ biến thì chúng ta mới có điều kiện phát huy ra bên ngoài và người bên ngoài mới có cơ sở để chấp nhận, tiếp thu.

Mặt khác, khẳng định và kế thừa những tinh hoa của trào lưu triết học nào có lợi cho dân tộc mình. Bởi vì triết học của thế giới đương đại không phải là một thể thống nhất, mà bao gồm nhiều khuynh hướng khác nhau, thể hiện nhiều lập trường chính trị và triết học khác nhau.

Trong đó, có cái tốt, có cái xấu, có cái phù hợp, đồng thời cũng có cái không phù hợp với xã hội Việt Nam hiện tại; vì vậy, cần có sự thẩm định để tiếp thu hoặc loại bỏ.

Tiêu chí làm cơ sở cho sự thẩm định, kế thừa và tiếp thu không phải là cái gì xa lạ, về mặt chính trị – xã hội là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về mặt triết học là khoa học, lành mạnh, sắc bén, giúp ích cho sự phát triển tư duy lý luận”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)