VNTB – Giáo dục con người xã hội chủ nghĩa thành công rực rỡ?!

VNTB – Giáo dục con người xã hội chủ nghĩa thành công rực rỡ?!

Ngọc Lan

(VNTB) – Biết bao “tính bản ác” được hình thành, thay đổi là câu chuyện không phải của một sớm một chiều

 

Thực trạng đánh nhau, chém nhau chỉ vì một cái nhìn, một cái chưa va chạm xe cùng nhiều lý do “không đáng” khác ở Việt Nam là điều hoàn toàn không khó tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Câu hỏi đặt ra là do bản tính hay do giáo dục?

Tam tự kinh bài đầu tiên có dạy: “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Ngụ ý của câu này, đó là con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải luôn được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển, để tính dữ không có điều kiện nảy sinh.

Trái ngược với đạo lý trên, theo Tuân Tử thì Nhân chi sơ tính bản ác. Học thuyết tính ác của Tuân Tử có nghĩa rằng, con người sinh ra vốn dĩ là ác, có được thiện là do quá trình bồi dưỡng, giáo dục mà có.

Ông cho rằng, con người khi sinh ra có đầy đủ dục vọng như ham lợi, ham sắc,… Nếu như con người cứ phát triển theo dục vọng thì mối quan hệ giữa người và người sẽ phát sinh ra tranh đấu và tạo nên một xã hội hỗn loạn, do đó mới cần phải có “lễ” để điều chỉnh, sửa đổi bản tính ác của con người.

Cả hai học thuyết, thoạt nghe là trái ngược nhau. Song, chúng đều có một điểm chung, đứa trẻ khi lớn lên, là thiện hay là ác, đều liên quan đến hai chữ: giáo dục.

Tra cứu thông tin trên công cụ google, nếu đem so với việc đánh nhau, chém nhau vì nhìn đểu thì vấn đề thầy giáo, cô giáo đánh học sinh (hoặc ngược lại) cũng không quá khó để tìm kiếm.

Viện dẫn gần đây, là vụ việc liên quan đến một thầy giáo trường Trung học phổ thông Hùng Vương, huyện Krông Ana dùng mũ bảo hiểm, thước gỗ đánh vào đầu học trò tại sân thể dục của trường trong giờ giải lao. Giải thích cho vấn đề này, đó là vì “nằm ngoài vòng kiểm soát của bản thân”.

“Vì một phút nóng giận, không kiềm chế được nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc… tôi đã vi phạm đạo đức nhà giáo”, thư viết. Thầy giáo cũng cho biết đã đến nhà học sinh xin lỗi. Thầy giáo hứa thay đổi bản thân và mong được tiếp tục phục vụ trong ngành giáo dục.

Giáo viên – người đưa đò, giảng dạy cho học sinh – còn không kềm chế được cảm xúc, còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với học sinh, thì hỏi sao học sinh có thể “nể”? Hỏi sao những bài học đạo đức trong nhà trường quên ngay khi tốt nghiệp?

Theo ghi nhận từ cựu học sinh tốt nghiệp ở một Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh thì môn giáo dục công dân không được giảng dạy trong trường hoặc nếu có, cũng chỉ là cho có, không ghi nhận điểm số, điểm thi trong học bạ.

Trong một diễn biến gần như tương tự, ghi nhận từ một cựu học sinh ở quận Gò Vấp thì môn giáo dục công dân tuy có được giảng dạy, nhưng do là vì môn phụ nên cũng không được học sinh chú tâm. Thậm chí, ngay cả giáo viên bộ môn cũng chỉ dạy theo những gì ghi trong sách Giáo dục Công dân, thi cử cũng chỉ cho có. Có lúc, bắt gặp học sinh giở sách ra chép, cũng cho qua, vì là môn phụ.

Thiết nghĩ, những ngày của chế độ xưa cũ, mà nhiều “thành phần cực đoan” cho rằng là Ngụy, tuy có thể vẫn có bất cập, song giáo dục với Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư cùng những bài học đạo đức vỡ lòng đã phần nào hun đúc nên tính cách của người miền Nam: phóng khoáng, không tính toán; hiền lành không “nổ súng, thả bom” vào đồng bào; vị tha trước những chính sách chống dịch, gây mất mát, đau thương…

Tóm lại, dù là nhân chi sơ tính bản thiện hay nhân chi sơ tính bản ác, thì giáo dục đóng góp không nhỏ vào việc hình thành nên tính cách của con người.

Dĩ nhiên, không phải là tất cả, nhưng đã hơn 47 năm của giáo dục trôi qua, biết bao “tính bản ác” được hình thành, thay đổi là câu chuyện không phải của một sớm một chiều. Song, nếu như có thật tâm thay đổi; nếu như ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thay đổi, chú trọng hơn đạo đức nhân cách cho các em, thì quả thật là một tín hiệu vui, đáng mong đợi và hy vọng…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Chúng ta đã đạt được văn minh Trường Sơn!