Diệp Chi
(VNTB) – Trong khi nhiều người dân vẫn còn ngóng tin tiếp theo về chuyện gia hạn hỗ trợ an sinh từ gói 62 ngàn tỷ của chính phủ, thì với riêng người dân nghèo khó ở Sài Gòn, giờ chuẩn bị trông thêm gói dành riêng 100 tỷ đồng.
Theo nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, chính quyền TP.HCM dự kiến 100 tỷ hỗ trợ thợ cắt tóc, sửa xe, giữ trẻ… ảnh hưởng bởi Covid-19, là thông tin ông Lê Minh Tấn – giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM – cho biết về việc hỗ trợ lao động tự do nằm ngoài 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được hỗ trợ vừa qua ở gói 62 ngàn tỷ.
Một vài người dân khi đọc được tin này, cảm thấy vui nhưng họ cũng bày tỏ những băn khoăn.
Độc giả tên Minh thắc mắc: “Tôi sửa xe máy thì phải làm hồ sơ xin trợ cấp ở đâu,vì từ lúc có dịch tới giờ tôi chưa nhận được bất cứ loại giấy tờ nào để khai báo nhận trợ cấp”.
“Nếu thành phố có ý muốn giúp đỡ những người như chúng tôi thì chúng tôi cảm ơn vô cùng. Nhưng mà không biết thủ tục sẽ như thế nào, có rắc rối, phức tạp hay không? Rồi thời gian chờ đợi nữa. Như cái đợt 62 ngàn tỷ đồng, nghe nói cho, nhưng biểu làm hồ sơ giấy tờ, đợi xét, hỗ trợ… Phường thì kêu khai nghề nghiệp, hỏi làm bao lâu rồi. Chú nói chú vá xe 28 năm rồi. Đợi hoài cũng chưa thấy gì”, ông Bùi Văn Châu, một thợ sửa xe mưu sinh bên lề đường kể.
Có thể nói, gói 62 ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho người nghèo, người khó khăn, và tuy có người nhận được, song cũng lắm người chưa nhận được, hoặc để nhận được thì cũng phải tốn kém một số tiền cho chuyện đi lại, có khi còn hơn khoản được hỗ trợ; rồi chi phí bù qua cho những ngày nghỉ, đi làm giấy tờ cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý người dân khi nghe tin sẽ có thêm gói hỗ trợ này nọ.
“Chờ đợi cũng lâu à, ở trên họ xét chừng nào có thông báo xuống, cũng chưa biết chừng nào. Cái đó của phường, khi nào nó cho thì mình biết, chứ khó khăn cũng chẳng dám lên yêu cầu. Thôi thì khi nào có hãy hay. Khi nào mình cầm trong tay thì cảm ơn”, ông Châu chia sẻ tiếp.
“Ờ thì cũng vui, có thì có, hổng có thì thôi. Chắc là giấy tờ cũng rườm rà lắm chứ hổng có đơn giản đâu, cũng hổng mong chờ gì nhiều. Như hồi trước, tổ trưởng cũng kêu khai, chụp hình, bản sao chứng minh nhân dân gì đó, tốn mấy chục ngàn bạc song có thấy cho đồng cắc nào đâu?. Thôi cũng không mong chờ gì hết, mình cắt tóc được nhiêu ăn nhiêu thôi”, ông Hòa, một thợ hớt tóc nói với vẻ hoài nghi vào chính sách an sinh của nhà chức trách địa phương.
Trong suốt mùa dịch, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, thiệt hại; từ người lao động cho đến các doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến của độc giả cho rằng: “Doanh nghiệp vừa, nhỏ tại Sài Gòn đóng cửa hàng loạt, nhân viên thất nghiệp hàng loạt, sao không thấy ai hỗ trợ họ, trong khi chính những người này góp phần tạo ra ngân sách qua thuế khóa? Tôi thấy những người làm trong ngành công nghiệp không khói như khách sạn, nhà hàng, du lịch, hướng dẫn viên, hàng không,… đang thất nghiệp từ tháng 03/2020 đến giờ, có thấy ai hỗ trợ gì đâu? Trong khi đó sao lại cứ chăm chăm vào những người làm nghề hớt tóc, sửa xe, giữ trẻ?”.
Có thể ý kiến của độc giả ấy là mang cái lý riêng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là những người làm nghề như cắt tóc, sửa xe, giữ trẻ… là không có đóng góp cho xã hội, là không làm ra đồng tiền cho xã hội. Hãy nghĩ thử xem, người ta có thể nhiều tiền để mua xe tay ga, xe hơi này nọ nhưng nếu không có những thợ sửa xe, thì liệu chiếc xe ấy sẽ bảo dưỡng ra sao? Tóc dài chắc là sẽ phải để nguyên rồi bới lên, khi mà mấy ông thợ hớt tóc phải nghỉ vì lệnh giãn cách xã hội?
Khó khăn là tình hình chung, với những người chỉ cần nghỉ một ngày làm là đói thì cần lắm những hỗ trợ. Còn những trường hợp như bạn độc giả kể trên, tôi nghĩ, có lẽ chính quyền cũng biết và trong báo cáo tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42, khóa X vừa qua, chính quyền đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, ngăn việc doanh nghiệp phá sản do khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Vấn đề là thời gian và thực hiện như thế nào mà thôi. Dĩ nhiên là đừng để người dân lại phải buột miệng nhắc một câu đã rất cũ của cố tổng thống nền đệ nhị cộng hòa ở miền Nam trước 1975…