Xuân Minh
(VNTB) – Nếu ở Việt Nam, ‘quyền chính trị’ vẫn chịu sự điều chỉnh của pháp luật, thì những góp ý ở đây, mong rằng không bị quy chụp là có ý chống đảng chính trị, chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Quyền tự do công đoàn đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6-2019, với Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Một năm sau đó, tháng 6-2020, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây là một cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức. Bước tiến này sẽ đưa tổng số công ước cơ bản của ILO mà Việt Nam phê chuẩn lên 7/8 công ước.
Ở đây xin được luận bàn về đề xuất sửa đổi luật công đoàn, và soạn thảo luật về quyền lập hội từ cách nhìn ‘tương thích’ với những công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.
Thứ nhất, tổ chức công đoàn cần thuần túy là tổ chức dân sự xã hội, không phải tổ chức chính trị, và từng thành viên trong tổ chức xã hội dân sự này đều không chịu sự giới hạn nào về quyền tự do chính trị như hiến định khi tham gia vào các tổ chức công đoàn. Do đó cần điều chỉnh nội dung ở Điều 9.2, Điều 10, Hiến pháp 2013. Đồng thời cần sửa đổi Chương 1 của Luật công đoàn 2012, và các nội dung liên quan khi sửa đổi Chương 1 này.
ĐIỀU 9.2: Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị – xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
ĐIỀU 10: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, chấm dứt phân biệt đối xử giữa “công nhân – đảng viên” và “người lao động – không đảng viên.
Việc phân biệt đối xử này được thể hiện tại Hiến pháp 2013, Điều 4.1: “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM – ĐỘI TIÊN PHONG CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, ĐẠI BIỂU TRUNG THÀNH LỢI ÍCH CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Nếu tiếp tục quan điểm “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân”, sẽ không thể có các tổ chức công đoàn độc lập, vì những tổ chức này có thể chấp nhận, hoặc không chấp nhận sự hiện diện của tổ chức đảng.
Tương tự, khi Việt Nam tham gia vào các Điều ước quốc tế, thì yêu cầu đảng cộng sản là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” không có giá trị pháp lý – ngoại trừ trường hợp cơ quan đảng với cơ quan chính quyền hợp nhất thành một.
Tu chính Hiến pháp 2013
Đặt vấn đề tu chính Hiến pháp 2013 có thực tế hay không? Lý do: Để các văn bản luật nói trên phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, cần xem xét lại một số điều ở Hiến pháp 2013:
Đề xuất tu chính Điều 4, Hiến pháp 2013:
+ Điều 4.1: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Các nội dung nêu trên cho thấy đã phân biệt về “quyền lợi chính trị” giữa “công dân – đảng viên” và “công dân – không đảng viên” trong tất cả mọi hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.
Điều này đã được xác lập tại Điều 14: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
+ Điều 4.2: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.
+ Điều 4.3: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Cho đến nay chưa có thể chế nào quy định rõ tổ chức đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật là gì? Hay là chỉ có tư cách cá nhân là công dân và tổ chức thì hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật thôi.
Còn với tư cách là đảng viên, thành viên trong tổ chức Đảng thì hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là gì thì chưa được thể chế hóa; cũng chưa thể chế hóa để cho người dân giám sát tổ chức đảng và đảng viên.
Với những điều tóm tắt kể trên, việc lựa chọn tu chính Hiến pháp 2013, có lẽ là một giải pháp khả thi, có thể tiến hành nhanh và giúp đảng cộng sản Việt Nam hoàn thiện hơn về tương lai của một dự luật về đảng chính trị ở Việt Nam.