Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hà Nội “không gì phải lo lắng”!

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Người dân Hà Nội có thể an tâm “dường như người ngoài 60 tuổi ở Việt Nam có kháng thể phòng dịch cúm tốt hơn hẳn Trung Quốc và Châu Âu.”?!

“Tôi cho rằng với những tin tức mà báo chí đăng trong vài ngày gần đây, cho thấy người dân Hà Nội không gì phải lo lắng, đặc biệt là người lớn tuổi lâu nay vẫn được khuyến cáo là dễ bị lây nhiễm cúm từ con vi-rút đến từ Vũ Hán này!”.

Một chuyên viên dịch tễ học ở Sài Gòn, nhận định.

WTO cần điều chỉnh lại khuyến cáo

Tổ chức Y tế thế giới đưa ra 5 khuyến cáo ở mùa dịch Covid-19, tóm tắt như sau:

1. Nếu có các triệu chứng ho, sốt… bạn nên tránh đi lại hoặc đi du lịch nhằm tránh lây lan bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV, hay còn gọi Covid-19, hoặc SARS-CoV-2).

2. Sử dụng khẩu trang đúng cách.

3. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm.

4. Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh và giữ vệ sinh cá nhân.

5. Một số lưu ý quan trọng khác: Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết…

Tuy nhiên trong trường hợp ca bệnh thứ 21 và một người đã tiếp xúc với người mắc bệnh song không bị nhiễm nCoV, cho thấy khuyến cáo thứ 1, 2 và 4 của WTO đã gặp ngoại lệ tại Việt Nam, và ngoại lệ này cần làm rõ từ các nhà dịch tễ học.

Những ngoại lệ ‘made in Vietnam’

Tin tức trên báo chí, ca thứ 17 và ca thứ 21 đều là người Việt Nam ngồi chung hạng ghế VIP trên một chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Một vài hành khách người nước ngoài ngồi chung hạng ghế VIP ở chuyến bay này cũng được phát hiện dương tính với nCoV. Chưa rõ ai đã lây cho ai.

Ca thứ 17 được nghi vấn bị nhiễm từ chuyến du lịch ở Ý. Ca thứ 21 thì nghi nhiễm từ một hành khách người Anh trên chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh. Một người đàn ông có tên Nguyễn Chí Dũng, sinh ngày 5-8-1960, quê ở Hà Tĩnh là người cũng ngồi hạng ghế VIP ở chuyến bay nói trên. Ông Dũng cũng chung chuyến và có thể cũng chung hạng ghế với ca thứ 21 lúc từ Ấn Độ bay sang Anh. Ông Dũng có những tiếp xúc với cả ca 17 lẫn 21 trên chuyến bay, và sau đó là tiếp tục tiếp xúc ca 21 trong công việc tại Hà Nội.

Thế nhưng ông Nguyễn Chí Dũng khi xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV. Rất có thể đây là một ca ngoại lệ trong việc sản sinh kháng thể tự nhiên với nCoV.

Người già ở Việt Nam có sức đề kháng mạnh với nCoV?

Theo báo The Guardian, chuyên gia y tế nhận định dân số già tại Ý đặt ra thách thức lớn trong việc giảm số ca tử vong do Covid-19 vốn đang ở mức cao. Virus SARS-CoV-2 đã giết 79 người ở Ý, tất cả đều trong độ tuổi 63-95 và mắc sẵn các bệnh nặng. Đây là điều đáng lo vì có đến 23% dân số Ý trong độ tuổi trên 65, già thứ nhì thế giới chỉ sau Nhật Bản. Còn tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở châu Âu là 27,9% theo thống kê năm 2017.

“Ý là quốc gia của người già. Người cao tuổi có tiền sử bệnh rất đông. Tôi nghĩ điều này giải thích tại sao chúng ta chứng kiến nhiều ca nhiễm corona nặng hơn những nơi khác. Ở đa số người lớn trẻ tuổi và trẻ em thì bệnh có triệu chứng nhẹ, ít vấn đề” – giáo sư Massimo Galli, giám đốc khoa truyền nhiễm Bệnh viện Sacco ở Milan, giải thích. “Tuổi thọ của chúng ta thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng không may là trong tình huống này người lớn tuổi dễ gặp nguy cơ hơn” – ông bổ sung.

Nhận định của bác sĩ Galli trùng khớp với kết luận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi phân tích dữ liệu dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Theo đó, người lớn tuổi mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp… gặp nguy cơ cao hơn, trong khi bệnh nhân trẻ em chỉ chiếm khoảng 2,4% và đa số đều nhẹ.

Trong lúc đó thì theo ghi nhận ở bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo https://vietnamthoibao.org/vntb-ca-21-ha-noi-se-la-mot-phien-ban-benh-nhan-31-han-quoc/, danh sách ‘người lớn tuổi’ mà ca 21 đã gặp gỡ mà không có sử dụng khẩu trang trước khi ông nhập viện, khá nhiều: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng; GS.TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng; PGS.TS Phạm Văn Linh, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng và Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng PGS.TS Nguyễn Viết Thông.

Với những học vị, học hàm và chức vụ như kể trên, cho thấy hầu hết đều là những người nằm trong nhóm tuổi có nguy cơ dễ bị lây nhiễm và tử vong vì Covid-19.

Tuy nhiên cho đến nay không có tin tức nào về những người này bị lây nhiễm từ ca 21. Điều đó cho thấy dường như người ngoài 60 tuổi ở Việt Nam có kháng thể phòng dịch cúm tốt hơn hẳn Trung Quốc và Châu Âu.

Từ góc nhìn như trên, cho thấy người dân Hà Nội có thể an tâm tin tưởng vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng và nhà nước Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ngày đầu Sài Gòn giảm giãn cách

Phan Thanh Hung

VNTB – Đi dập dịch thành mắc dịch!?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không báo chí tư nhân vẫn đảm bảo tự do ngôn luận?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo