Đông Đô
(VNTB) – Dường như nhà chức trách Hà Nội đang muốn tận dụng những thủ tục đúng nghĩa ‘hành dân’ để dân chúng chán nản mà không ra đường nữa, và khi ấy bảo đảm thực thi nghiêm lệnh giãn cách.
Công văn Số 2562/UBND-KT của nhà chức trách thủ đô ban hành vào chiều tối ngày 7 tháng 8 năm 2021, quy định rất rõ người đi đường ngoài chứng minh thư, cần phải có đủ 4 loại giấy tờ mới được thông chốt: Giấy đi đường – Lịch trực – Lịch làm việc – Văn bản phân công nhiệm vụ.
Mồng 7 tháng 8 nhằm thứ bảy, ngày nghỉ hành chính. Chủ nhật cũng là ngày nghỉ hành chính. Dễ hiểu việc người dân sẽ không kịp xoay sở, họ phải có thời gian chuẩn bị giấy tờ, xin xác nhận, những việc mà có khi một, hai ngày làm chưa xong.
Một bác sĩ làm phép tính: mỗi bệnh viện hạng 1 có khoảng 1.000 nhân viên, để soạn thảo 4.000 tờ giấy thì chắc chắn sẽ tốn không ít nhân lực, ký xong 4.000 tờ giấy đó thì lãnh đạo hết giờ làm việc, không làm được việc gì khác.
Lịch trực và lịch làm việc bố trí được dài hơi nhất là hàng tuần, nhưng luôn có sự thay đổi mỗi ngày bởi người nghỉ ốm, người nghỉ sinh đẻ, người phải nhận công tác đột xuất.
“Tôi lấy ví dụ tuần vừa rồi, khoa của tôi có một bác sĩ khu nhà bị phong toả, thế là toàn bộ lịch trực và lịch làm việc phải thay đổi. Vừa thay đổi xong, lại có lệnh điều động hai người đi công tác đột xuất, lịch trực và lịch làm việc lại thay đổi. Vừa thay đổi xong, thì bác sĩ chuẩn bị đi công tác gia đình lại có việc bất khả kháng, lịch trực và lịch làm việc lại thay đổi.
Nghề y đang nằm bên vợ nửa đêm cũng phải vùng dậy đến viện. Đó là những ca hội chẩn, những ca cấp cứu khẩn cấp anh em hỗ trợ nhau, những tình huống điều động bất ngờ; nếu đợi làm được đầy đủ 4 loại giấy đi đường như trên, chắc chắn nhiều bệnh nhân phải trả giá…” – bác sĩ Trần Văn Phúc, diễn giải.
Đi xin chứng nhận giấy đi đường cũng nguy hiểm không kém cho vụ F0 lang thang. Sẽ là những người chen chúc nhau nơi trụ sở UBND phường xã, những hành vi kiểm tra giấy tờ, chứng nhận ký tá và đóng dấu, đều tiềm ẩn nguy cơ – bởi biến thể Delta rất thích điều này.
Và đặc biệt, để qua được chốt phải xuất trình 4 loại giấy kèm chứng minh thư, đó chính là nguy cơ lây nhiễm cho cả lực lượng chức năng như công an, lây nhiễm luôn cho cả người đi đường do tiếp xúc, và đương nhiên tụ tập đông người tại chốt kiểm tra vừa công nhiên vi phạm quy định giãn cách, đồng thời cũng là tác nhân cực kỳ nguy hiểm cho lây lan từ những F0 lang thang.
Theo ghi nhận của báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, sáng đầu tuần đích thân bà phải tới phường Mỗ Lao, Kiến Hưng, nơi hai siêu thị mà bà phụ trách để tìm hiểu thủ tục giấy tờ. Tại đây bà được cán bộ phường hướng dẫn mẫu xác nhận lịch làm việc, lịch phân công công việc đúng “chuẩn”.
“Hiện chúng tôi làm giấy này theo hướng dẫn của phường, nhưng họ cũng hướng dẫn dựa theo kinh nghiệm chứ chưa có một mẫu chuẩn chung nào của thành phố về việc này. Doanh nghiệp về hoàn thiện, cũng chưa rõ có đạt yêu cầu để họ ký, đóng dấu trong hôm nay, kịp ngày tới đây có giấy cho anh em nhân viên đi làm hay không”, bà Dung băn khoăn.
Khác hẳn với Hà Nội, theo thông báo vào chiều ngày 9-8 của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, kể từ tối 9-8, nhân viên thuộc chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM được phép đi trên đường từ 18g đến 6g hôm sau để sắp xếp hàng hóa, chuẩn bị công tác hậu cần, vệ sinh khử khuẩn.
Cũng trong ngày 9-8, chính quyền TP.HCM xúc tiến việc mở bán lại lương thực, thực phẩm tại chợ truyền thống.
Đúng là Hà Nội chẳng chi mà vội…