Lynn Huỳnh
(VNTB) – “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu/ Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều/ Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ/ Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa”…
Xin mượn lời ca khúc “Nỗi lòng người đi” của nhạc sĩ Anh Bằng (1926 – 2015) để được chút tỏ bày ở một người viễn xứ nhớ về Hà Nội, và đó là một Hà Nội mà theo như tin tức trên báo chí vừa tường thuật hôm 19-9, “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội hôm nay, sau khi bày tỏ mong muốn thủ đô Hà Nội trở thành không chỉ một trung tâm kinh tế, mà còn phải trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa tiêu biểu của Việt Nam”
Tôi đã tự hỏi rằng: yêu cầu như vậy có quá cao với Hà Nội trong thể chế chuyện gì cũng từ Bộ Chính trị hay không?.
Tôi nghĩ nếu Hà Nội không bị chi phối bởi chủ nghĩa thân hữu, nếu Hà Nội biết thanh lọc cán bộ cấp phường, cấp quận, nếu Hà Nội biết lắng nghe thực sự ý kiến đóng góp của nhân dân, biết tôn trọng nhân dân và cương quyết hơn trong công tác quản lý nhà nước, thì Hà Nội đã là như vậy từ lâu rồi mới phải?
Dĩ nhiên ở đây là chính lá phiếu của cử tri Hà Nội chọn ra người sẽ đại diện họ trong quản lý đô thị. Lá phiếu cử tri Hà Nội cũng có luôn quyền lực truất phế bất kỳ ai không đủ năng lực quản trị thủ đô.
Báo Hà Nội Mới tường thuật lời ‘nói vo’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như sau:
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và Đảng bộ Thủ đô.
Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, trái tim của cả nước, Thành phố Vì hòa bình.
Vị thế Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều, quy mô lớn, không chỉ có 36 phố phường, không chỉ có Cổ Loa, mà bây giờ mở rộng ra rất nhiều. Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ.
Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang; tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Cổ Loa, Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội là tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Hà Nội linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần khơi dậy tinh thần tự hào, tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội, nơi tụ khí của tinh hoa, địa linh nhân kiệt với biết bao địa danh và anh tài nổi tiếng, khí phách Thăng Long, hồn thiêng sông núi… Hà Nội có nhiều thời cơ, thuận lợi phát triển, nơi các cơ quan trung ương đặt trụ sở…
Người Hà Nội hào hoa, thanh lịch: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; cần tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ, trong trường học, khơi dậy niềm tự hào, tự trọng, lòng tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm đối với Hà Nội.
Hà Nội đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thủ đô Anh hùng, ba lần được tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện, lâu nay đã quyết tâm rồi, Đại hội này cần có bước chuyển biến mới – đây là yêu cầu khách quan.
Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng Thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý đô thị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não Trung ương…
Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam, phát triển kinh tế nhưng phải có văn hóa, có quy hoạch, không phát triển tự do, lộn xộn… đã làm thì dứt điểm, đúng kế hoạch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ muốn vậy phải xây dựng Đảng, xây dựng con người, xây dựng tổ chức, kỷ cương kỷ luật, làm ăn bài bản, có kiểm tra, phân công trách nhiệm rõ ràng; làm được thì thưởng, không làm được thì phạt, vi phạm thì xử lý.
Tổ chức Đảng phải tốt, lãnh đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, nhạy bén, chủ trương đúng, hành động quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý cho nghiêm, tuyệt đối không được tự mãn…” (*)
Cá nhân tôi nghĩ rằng những ước muốn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra đối với Hà Nội, chủ yếu là những sáo ngữ của kiểu huấn thị quen thuộc bài bản tuyên giáo. Bởi ở đây chỉ cần mỗi một tuyên bố của người đứng đầu Đảng, đại khái là vầy:
“Thưa các đồng chí. Lâu nay Bộ Chính trị vẫn chịu trách nhiệm chỉ định người sẽ được bầu chọn là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bộ Chính trị chịu luôn trách nhiệm gợi ý về người được chọn là Chủ tịch thành phố Hà Nội cần phải là phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Nay, ở nhiệm kỳ mới sắp tới của Đảng và Quốc hội, cá nhân tôi nghĩ rằng chúng ta nên coi trọng trí tuệ và sự chọn lựa của phổ thông đầu phiếu trong nhân dân.
Tôi nghĩ rằng lá phiếu cử tri đảng viên sẽ chịu trách nhiệm chọn nhân sự trong Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Lá phiếu cử tri Hà Nội sẽ giúp chọn ra ai sẽ là người đứng đầu bộ máy quản lý hành chính của Hà Nội. Người đó không có yêu cầu trong lý lịch buộc phải là đảng viên. Và dù là lá phiếu cử tri đảng hay lá phiếu cử tri dân, thì những người ứng thí phải công khai với sự cạnh tranh bình đẳng trong việc đưa ra sách lược, chiến lược thích hợp cho quản trị Hà Nội.
Tôi tin, người Hà Nội thừa sức làm tốt những yêu cầu trên vì họ chọn người trên nguyên tắc cái chung của Hà Nội, chứ không phải của phe nhóm chính trị!”
Khó trăm lần dân liệu cũng xong kia mà!
_______________
Chú thích: