Lynn Huỳnh
(VNTB) – Theo dõi báo chí đưa tin về dịch virus Vũ Hán Corona, có cảm giác ngài bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần phải thay ngay nhóm ‘thầy dùi’ của mình.
Tại sao phải thay ư? Ai đời sau thời gian suốt hai tháng trời im lặng, chiều ngày 24-2 tại cuộc họp thường trực chính phủ, bất ngờ bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đứng lên dõng dạc tuyên bố các trường học cần phải được mở lại cho học sinh đến trường kể từ ngày 2-3. Và ngay tức thì, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bác ngay yêu cầu này, với lý do mà ai cũng thấy quá rõ ràng là dịch bệnh đang chuyển biến đầy khôn lường.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật như sau: “Qua đánh giá, tình hình kiểm soát dịch bệnh và công tác phòng chống dịch tốt. Kế hoạch là ngày 28-2 hết thời hạn tạm nghỉ, nên bộ đã ban hành văn bản điều chỉnh về khung năm học. Theo đó, tất cả địa phương căn cứ tình hình kiểm soát dịch, không phát sinh diễn biến phức tạp thì từ ngày 2-3 học sinh trên toàn quốc đi học trở lại. Kỳ thi THPT quốc gia là từ 23 đến 26-7, tức là lùi 1 tháng so với bình thường”, ông Nhạ thông tin.
Ông Nhạ cho biết: “Khi tính toán kỹ các phương án, cơ bản thống nhất nhưng một số địa phương như TP.HCM và 3 tỉnh chưa công bố hết dịch, nên có thể học bù. Với học sinh lớn tuổi có thể phòng chống dịch bệnh thì thống nhất đi học trở lại từ 2-3. Với bậc tiểu học, trung học cơ sở, mầm non thì tùy tình hình mà địa phương ra quyết định, nhưng đảm bảo đồng bộ đi học trở lại từ ngày 2-3”.
“Dịch diễn biến phức tạp, không thể ngồi chờ hết dịch mới cho học sinh đi học, nên kiến nghị Thủ tướng phê duyệt đề nghị trên, theo khung thời gian chung vì mỗi địa phương một mốc sẽ khó điều hành”, Bộ trưởng Nhạ đề nghị.
Tuy nhiên, ngay sau khi ông Nhạ phát biểu, Thủ tướng có ý kiến là hôm nay chưa thể chốt học sinh sẽ đi học lại vào ngày 2-3. Hiện nay đấy mới là phương án chuẩn bị sẵn sàng. Còn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh đến hết tuần này. (hết trích).
Cụm từ “Dịch diễn biến phức tạp, không thể ngồi chờ hết dịch mới cho học sinh đi học” của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là cùng ý tứ với phát biểu “chúng ta phải sống chung với dịch” đầy ngô nghê của phó giám đốc sở giáo dục TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu ngay sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý (2).
Vấn đề ở đây là dường như những quan chức như bộ trưởng Nhạ, như phó giám đốc Hiếu lại mang tâm thế kiểu đánh đồng ‘sống chung với lũ’ như người dân miền Tây Nam bộ vậy. Dịch bệnh lây lan chết người được báo chí thế giới và Việt Nam cập nhật liên tục trong ngày. Không thấy quốc gia nào đưa ra chủ trương “không thể ngồi chờ hết dịch” như ông Nhạ, hay “phải sống chung với dịch” như ông Hiếu, vì sống chung như vậy, hoặc nôn nóng không thể ngồi chờ như ông Nhạ, là đồng nghĩa đánh cược trong tìm đến cái chết không chỉ cho mình, mà còn liên lụy cả cộng đồng.
Nói theo nghĩa lạc quan, rất có thể cả ông Nhạ, ông Hiếu đều ‘hồn nhiên’ phát biểu theo lời của đội ngũ ‘thầy dùi’ giáo dục nào đó, giống như ngài thủ tướng từng được cho là hết lời khen ngợi bài thơ tụng ca chế độ của một cô giáo ở Đắc Lắc…
+ Chú thích:
(1) https://tuoitre.vn/chua-chot-viec-cho-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-vao-ngay-2-3-20200224164520725.htm
(2) https://news.zing.vn/hoc-sinh-tphcm-di-hoc-ngay-32-post1041589.html