Thiền Lâm
(VNTB) – Nếu không có được EVFTA, kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu thiệt thòi lớn, còn giới chóp bu Việt Nam sẽ mất đi một chỗ dựa đáng kể để “cứu vãn chính trị”.
Sau cuộc gặp ngày 6/7/2017 giữa Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP cảng Hamburg, báo đảng đưa nội dung: “Phía Đức cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam phát triển quan hệ với EU, cũng như thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU”.
Nội dung trên lại “sao y bản chính” từ chính báo đảng sau chuyến công du 3 nước châu Âu là Vương quốc Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam – bà Nguyễn Thị Kim Ngân – vào tháng 4/2017.
Điều đáng thất vọng đối với đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là sau các cuộc làm việc với quốc hội 3 nước Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc, đã không có bất cứ một khoản viện trợ không hoàn lại nào được phía chủ nhà thông báo dành cho Việt Nam. Thậm chí, đoàn “quốc tế vận” của bà Kim Ngân cũng không có được văn bản cam kết nào của 3 quốc hội Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc về “sẽ thúc đẩy để Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU”. Tất cả chỉ là nói miệng theo lối xã giao mà chẳng có gì chắc chắn!
Đáng lý ra, trách nhiệm vận động các nước thành viên thông qua EVFTA là của Nghị viện châu Âu. Nhưng hẳn do tình thế đã biến diễn như thể “nước đã đến chân”, giới chóp bu Việt Nam không thể ngồi rung đùi chờ đợi châu Âu thông qua EVFTA như cách người Mỹ đã mang Hiệp định song phương Việt – Mỹ (BTA) đến tận miệng cho Việt Nam 16 năm trước, hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đặc cách xét cho Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này vào năm 2007. Giờ đây, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt sau khi Hiệp định TPP hầu như tan vỡ…
Còn lần này, chuyến đi Đức của Thủ tướng Phúc cũng không nhận được kết quả rõ ràng nào về EVFTA. Thậm chí ông Phúc còn bị Tổng thống Đức “truy” về “thành tích nhân quyền”: ngay trước chuyến công du Đức của thủ tướng Phúc, chính quyền Việt Nam đã giáng bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động nhân quyền có hai còn nhỏ là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chưa kể nhiều “thành tích” về bắt bớ hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền khác.
Cũng cần nhắc lại, muốn EVFTA được thông qua, phải có sự thống nhất của quốc hội thuộc 27 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần vài nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại.
Khác hẳn với quan điểm nhẹ nhàng những năm trước về nhân quyền Việt Nam, từ sau khi bị một số tổ chức nhân quyền quốc tế thẳng thắn phê phán, EU bắt đầu chuyển sang thái độ mạnh mẽ hơn trong việc đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền. EVFTA chính là một bằng chứng khi hiệp định này lần đầu tiên đã gắn điều kiện Việt Nam phải cải thiện nhân quyền với lộ trình triển khai các điều ước thương mại.
Có thể hiểu, số phận Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) vẫn còn bị “treo”. Thậm chí “treo” vô thời hạn.
Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã đạt xuất siêu đến hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Đây là con số cực kỳ đáng giá so với mức nhập siêu hơn 30 tỷ USD hàng năm của Việt Nam từ “đồng chí” Trung Quốc. Nếu không có được EVFTA, kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu thiệt thòi lớn, còn giới chóp bu Việt Nam sẽ mất đi một chỗ dựa đáng kể để “cứu vãn chính trị”.
Cần nhắc lại, chuyến đi Mỹ vào cuối tháng 5/2017 của Thủ tướng Phúc đã bị thất bại lớn khi Tổng thống Trump hoàn toàn không để cập gì về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ.