Châu Nam Việt
(VNTB) – Chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng là bước tiến hay là gánh nặng đối với nhóm người cao tuổi và người nghèo?
Bắt đầu từ tháng 7, bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chi trả lương hưu và các chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng cho những người nằm trong nhóm thụ hưởng. Theo nhà cầm quyền thì việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ATM là chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.
Tuy nhiên, có rất đông người dân không được tiếp xúc với mạng internet, nếu áp dụng chuyển đổi số bắt ép như vậy thì những người này sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo phân tích của Kepios, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5,3 triệu (+7,3%) so với năm 2022. Thế nhưng, vẫn còn khoảng 20,9% dân số Việt Nam, tức là 20,60 triệu người, không sử dụng Internet vào đầu năm 2023. (1)
Có thể thấy việc bắt buộc chuyển đổi số là gánh nặng và thách thức đối với nhóm người từ 65 tuổi trở lên và người không có khả năng tài chính. Đa số người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, không quen thuộc với công nghệ thông tin, và các giao dịch ngân hàng. Với họ, việc sử dụng thẻ rút tiền mặt ATM, điện thoại thông minh, hay các ứng dụng ngân hàng trực tuyến là một thử thách lớn. Đối với những người sống ở vùng quê, đồi núi hẻo lánh, nơi mà cây ATM và các dịch vụ ngân hàng còn chưa phổ biến, việc nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng càng khó khăn hơn.
Bà Ng.T.L., 70 tuổi, chia sẻ với phóng viên VNTB: “Tôi không biết sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính. Cây ATM thì cách nhà tôi hơn mười cây số. Mỗi lần muốn rút tiền, tôi phải nhờ con cháu chở đi. Điều này rất bất tiện và tốn kém. Tôi rất lo lắng vì không biết sử dụng thẻ như thế nào cho an toàn. Nếu bị kẻ gian rút tiền thì coi như mất hết”.
Việc chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng không chỉ làm khó khăn về mặt công nghệ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn. Những người cao tuổi thường là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo khi phải sử dụng tài khoản ngân hàng qua các điện thoại ít bảo mật, hoặc bấm phải các đường dẫn có mã độc, nguy cơ bị lừa đảo và mất tiền là không thể tránh khỏi, hoặc chỉ vì quá nhẹ dạ cả tin.
Hồi đầu tháng 5/2024, một cụ bà 77 tuổi tại Hà Nội nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an, nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỉ đồng. Do lo sợ, cụ bà đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền gần 18 tỉ đồng vào tài khoản của “công an dỏm”. (2)
Cũng trong tháng 5, một cụ bà 68 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội bị lừa mất 15 tỷ đồng. Bà P. nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an nói rằng căn cước công dân của bà P. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Do lo sợ nên bà P. đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. (3)
Một vấn đề nghiêm trọng khác là nhiều người dân, đặc biệt là người cao tuổi và những người có thu nhập thấp, không đủ khả năng tài chính để mua điện thoại thông minh hoặc máy tính để sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Với nhiều người nghèo, một điện thoại thông minh giá rẻ cũng sẽ có nguy cơ tạo ra lỗ hổng về bảo mật để cho kẻ gian trực tuyến dễ dàng lợi dụng.
Bất kỳ một chính sách nào cũng được xây dựng với mục đích để phục vụ cho đông đảo người dân, đảm bảo cho sự thuận lợi và phù hợp với nguồn lực xã hội. Nhưng các nhà lập pháp Việt Nam có vẻ rất muốn thay đổi nhanh mà lại quên khảo sát nguồn lực và năng lực người dân. Trước khi cập nhật các phiên bản hiện đại thì cần phải cải cách xã hội để mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ một các bình đẳng và thuận lợi nhất. Nhà cầm quyền cần lắng nghe ý kiến của người dân, điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt và hợp lý hơn, để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho mọi đối tượng trong xã hội.
______________
Tham khảo:
(1)https://www.vnetwork.vn/news/internet-viet-nam-2023-so-lieu-moi-nhat-va-xu-huong-phat-trien/
(2)https://tuoitre.vn/them-mot-cu-ba-77-tuoi-bi-cong-an-dom-lua-mat-gan-18-ti-20240514204059416.htm