Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bảo hiểm xã hội ‘ăn’ quá dày…

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Tỷ lệ đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam là quá cao so với các nước khác, nhưng người lao động tại các nước này vẫn đảm bảo chi tiêu cuộc sống khi về hưu.

 

Nhóm 13 hiệp hội, ngành hàng vừa có đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Cụ thể, 13 đơn vị gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam;

Cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đã ký văn bản góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Có những biện luận đáng chú ý như sau:

Mức đóng năm 2022 đã cao hơn gần 10 lần so với năm 2007.

Hiện nay, dự thảo quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc (gọi tắt là BHXH) gồm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) có hợp đồng lao động vẫn giữ như Luật BHXH 2014. Nghĩa là, NLĐ đóng 10,5% (8% BHXH, 1,5% BHYT và 1% BHTN) và NSDLĐ đóng 21,5% (17,5 BHXH, 3% BHYT và 1% BHTN). Như vậy, tỷ lệ đóng của cả NLĐ và NSDLĐ là 32%.

Theo tính toán, tổng mức đóng vào quỹ BHXH của cả NLĐ và NSDLĐ dựa trên tỷ lệ đóng từ 23% năm 2007, 25% năm 2009 do đóng thêm 1% BHTN của NLĐ và NSDLĐ, tăng lên 32% năm 2017 đến nay, và mức lương tối thiểu vùng tăng hàng năm từ năm 2007 đến năm 2022, trừ năm 2021 không tăng do Covid-19, thì mức đóng năm 2022 đã cao hơn gần 10 lần so với năm 2007.

So với khu vực và thế giới, tỷ lệ đóng BHXH của NSDLĐ ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước, cụ thể Malaysia đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanma 2%,..

Thế giới làm được, lẽ nào lại khó với Việt Nam?

13 tổ chức Hiệp hội đề nghị:

a)  Đối với tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của NLĐ và NSDLĐ: Đưa về mức đóng của năm 2009, tức là NLĐ đóng 5% và NSDLĐ đóng 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25,5% hiện nay NSDLĐ đóng 17,5% “trong đó 3% quỹ ốm đau thai sản, 14% quỹ hưu trí và tử tuất và 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ BNN) và NLĐ đóng 8%.

b)  Đối với tỷ lệ đóng BHTN: Hiện tại Quỹ BHTN đã kết dư quá nhiều. Trong khi mục đích của quỹ BHTN nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ, và khi quỹ đã kết dư quá nhiều thì cần giảm mức đóng để điều chỉnh quỹ về mức cân bằng.

Đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ BHTN của NLĐ còn 0,5% và của NSDLĐ còn 0,5%, và có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế.

c)  Đối với tỷ lệ đóng vào quỹ BHYT: NLĐ đóng 1% và NSDLĐ đóng 2%. Như vậy tỷ lệ đóng của NLĐ sẽ là 6,5% gồm 5% BHXH, 1% BHYT và 0,5% BHTN – tức giảm 4% so với hiện nay.

Tỷ lệ đóng của NSDLĐ là 17,5% gồm 15% BHXH, 2% BHYT và 0,5% BHTN (giảm 4% so với hiện nay). Ngoài ra, theo 13 tổ chức trên, tỷ lệ đóng bảo hiểm của NSDLĐ và NLĐ tại Việt Nam là quá cao so với các nước khác, nhưng NLĐ tại các nước này vẫn đảm bảo chi tiêu cuộc sống khi về hưu.

Trên thực tế tại thời điểm đóng vào quỹ thì giá trị tiền NSDLĐ và NLĐ tại Việt Nam đóng không hề thấp. Vì vậy, cần xem xét tổng thể việc quản lý một cách hiệu quả quỹ BHXH cũng như cách tính trượt giá nói riêng và nền kinh tế vĩ mô nói chung, để tuy giảm tỷ lệ đóng BHXH nhưng vẫn đảm bảo lương hưu thực tế của NLĐ đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.


Tin bài liên quan:

VNTB – Khủng hoảng y tế vẫn chưa dừng lại

Do Van Tien

VNTB – Trả lại tài sản tôn giáo

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Xung đột tôn giáo sắc tộc với Đảng Cộng sản Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.