VNTB – Hãy giám sát và mạnh dạn phê phán ‘xây dựng’ tôi (!?)

VNTB – Hãy giám sát và mạnh dạn phê phán ‘xây dựng’ tôi (!?)

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – “Các đồng chí đừng ngại giám sát ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nói nôm na là giám sát tôi. Chúng ta phải đóng đúng vai, anh trong vai nào thì hoàn thành tốt vai đó” – ông Phan Văn Mãi đề nghị.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu quan điểm tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM: “Có thể các đại biểu ngại vì là giám sát tôi. Nhưng ở đây, chúng ta không ngại mà cần làm đúng vai. Đại biểu Quốc hội cần làm việc có trách nhiệm trước hiến pháp và pháp luật. Nếu có trường hợp chưa làm tròn vai thì cần góp ý để thực hiện tốt hơn” – ông mong muốn từng đại biểu sẽ phát huy sở trường, quan hệ của mình để đóng góp cho hoạt động chung của Trung ương, Quốc hội và sự phát triển của TP.HCM.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM – cho rằng: “Hoạt động giám sát còn giúp Chủ tịch UBND TP.HCM trong công tác điều hành. Ngoài việc UBND TP.HCM báo cáo, Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ có thêm kênh khác, góc nhìn khác để đánh giá hoạt động là Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM”.

Nếu các phát biểu ở trên không nhằm đến ‘ve vuốt’ nhau về dân chủ trong Đảng, thì phải chăng ‘đúng vai’ ở đây của bất kỳ người dân nào là cũng được quyền tham gia sinh hoạt chính trị theo nội hàm ghi tại Hiến pháp 2013, Điều 28: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Nôm na, phải chăng công dân có được quyền bày tỏ ý kiến, phê phán chê trách đối với đường lối chính sách phát triển quốc gia và năng lực phẩm chất của các vị lãnh đạo mà không phải sợ bị ghép tội danh theo Điều 117, Bộ luật hình sự về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”?

Bàn luận quanh vấn đề trên, luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng công dân cần phải được quyền thực hành các quyền tự do dân chủ, quyền biểu đạt các quan điểm chính trị, theo luật pháp quốc tế và Hiến pháp trong nước. Chứ hiện tại trong nhiều vụ án tuyên truyền chống nhà nước mà tòa án đang xử lý, đó thực chất chỉ là sự thực hành quyền tự do dân chủ mà trong thời điểm hiện tại là còn tương đối mới mẻ khác biệt đối với nhiều người.

“Các ý kiến bày tỏ dù bất lợi cho nhà nước mà nếu chỉ vì thế mà xử lý hình sự thì đó là mất dân chủ. Bởi lẽ công dân phải được quyền giám sát và chính quyền phải chịu sự kiểm soát của người dân. Đối với những lời lẽ chỉ trích chê bai về đường lối chính sách, thì công dân được quyền làm việc đó.

Bởi chất lượng của chính sách ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn lực quốc gia và mức độ phát triển ấm no hạnh phúc của người dân. Cơ quan nhà nước hoàn toàn có đủ nguồn lực để giải đáp phản biện làm rõ chính sách đường lối của mình để giữ uy tín.

Đối với những cáo buộc chê trách đối với cá nhân lãnh đạo, thì cơ quan có thẩm quyền phải thanh tra kiểm tra làm rõ, xem lời chê trách của nhân dân là nguồn việc pháp lý và tiến hành kiểm tra để rộng đường dư luận.

Nếu cá nhân vị lãnh đạo bị oan sai thì có quyền khởi kiện người đưa tin xấu với ác ý để yêu cầu xin lỗi bồi thường. Đó là cách mà nhà lãnh đạo Singapore là ông Lý Quang Diệu đã làm đối với những cáo buộc về mình.

Ông Lý Quang Diệu dùng công cụ tư pháp dân sự để xử lý vụ việc, chứ không sử dụng bạo lực hình sự trấn áp”.

Như vậy, giả dụ như lãnh đạo chính trị của Việt Nam như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn, nếu ông cho rằng Đảng của ông đang bị ‘nói xấu’, thì ông cần đại diện Đảng của mình để đứng ra ‘kiện’ người ‘nói xấu’ đó ra tòa, còn tòa dân sự hay hình sự thì tùy vào cụ thể vụ việc.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)