Mai Lan (ghi)
(VNTB) – Với 16 ca dương tính với Covid khi ấy, vậy lấy đâu ra mẫu thử lâm sàng để kết luận về chất lượng của kit test này?
(Ghi theo ý kiến của một bác sĩ từng là quan chức của Bộ Y tế)
Đến ngày 26-2-2020, Việt Nam mới có 16 người nhiễm Covid-19 nằm rải rác ở Hà Nội và TP.HCM…, và tất cả đều đã được chữa khỏi. Vậy thì học viện Quân y có lấy mẫu bệnh phẩm của những người này để nghiên cứu từ lúc nhiễm bệnh, đến lúc cho kết quả dương tính, và cho đến khi điều trị khỏi, kết quả âm tính là bao nhiêu ngày?
Và giả sử lấy hết 16 người này, thì theo tôi độ chính xác cũng không cao vì nó không đủ đại diện cho một đại dịch khổng lồ như Covid-19. Để đánh giá kít test theo tôi nhà sản xuất phải nghiên cứu từ lúc F0 mới bị nhiễm, lúc này tải lượng virus thấp, có thể cho kết quả âm tính giả, sau khi SC2 xâm nhập vào trong tế bào hầu họng nhân lên tải lượng SC2 tăng lên thì mới có kết quả dương tính.
Sau thời gian 2, 3, 4… tuần điều trị khỏi thì kết quả xét nghiệm mới âm tính. Cũng có trường hợp sau 4 tuần vẫn cho kết quả dương tính nhưng đó chỉ là xác SC2 , không có khả năng lây nhiễm.
Tôi nói như trên để thấy rằng với một xét nghiệm quan trọng, liên quan đến ngăn chặn một đại dịch, tính mạng và sức khỏe của người dân ta không thể bỏ qua nghiên cứu khoa học trên người. Và phải nghiên cứu trên hàng trăm, hàng ngàn F0 để cho kết quả chắc chắn và khuyến cáo cho người sử dụng, để hạn chế tối đa trường hợp âm tính giả và dương tính giả.
Lúc đó Việt Nam chỉ có 16 ca, lại không biết được chính xác ngày nhiễm và cũng không biết kít này có được nghiên cứu trên người không, hay là Học viện Quân y làm nghiên cứu này ở Vũ Hán nơi dịch đang bùng phát?.
Như vậy với thời gian chưa đến một tháng từ lúc bắt đầu đến khi được nghiệm thu, thì nghiên cứu thế nào, kết quả nghiên cứu có đáng tin không? Vì đây là đề tài cấp Nhà nước, sử dụng ngân sách, nên tôi yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Học viện quân y phải có bổn phận giải trình rõ cho nhân dân được biết.
Trên đây là suy nghĩ cá nhân và tôi luôn mong mình suy nghĩ sai, Bộ Khoa học và Công nghệ đúng, để cảm thấy bớt đau lòng và nhân dân đỡ mất lòng tin vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19, còn rất khó khăn gian khổ.
Bản thân tôi đã làm chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cấp bộ (ngoài các tiêu chuẩn khác thì ứng viên ‘vòng gửi xe’ còn phải bắt buộc có ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ).
Quy trình rất chặt chẽ và mất thời gian như sau: Sau khi đề tài, sáng kiến được áp dụng thì phải làm đề án gửi Cục Khoa học và Đào tạo của Bộ Y tế thẩm định. Cục này nếu thấy đề tài có giá trị trên thực tế, đạt hiệu quả cao lúc ấy mới đề xuất với Bộ trưởng thành lập hội đồng thẩm định, gồm 9 người do một thứ trưởng làm chủ tịch, một người của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên gia lãnh đạo các cục vụ tham gia. Sau đó Cục Khoa học và Đào tạo chuyển cho mỗi vị một bản đề án về nghiên cứu, đánh giá, thẩm định .
Một tuần sau hội đồng họp dưới sự chủ trì của thứ trưởng, để nghe giải trình và phản biện, cuối cùng là bỏ phiếu kín.
Đề tài cấp bộ đã được nghiên cứu và áp dụng hàng bao năm, chỉ nghiệm thu không đã mất một tháng, với bao thủ tục hết sức nghiêm ngặt. Không hiểu sao một đề tài cấp Nhà nước quan trọng thế mà từ lúc bắt đầu nghiên cứu đến khi nghiệm thu xong chỉ chưa đầy một tháng!
Chỉ mong rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Học viện Quân y trong tình thế khẩn cấp về dịch bệnh, đã có phương pháp nghiên cứu mới vừa đảm bảo thời gian nhanh vừa có độ chính xác 100% thì quá tốt cho đất nước.
Mong rằng Bộ Khoa học và Công nghệ cho nhân dân được biết sớm để giải tỏa những bức xúc trong những ngày đang rất đau buồn về dịch bệnh này. Tôi rất mong điều này!
(Và có lẽ cụ Tổng bí thư còn mong hơn cả vị bác sĩ cựu quan chức kể trên nữa kìa, vì bỗng dưng cụ đã bị lôi vào vụ việc, từ chuyện ‘ai đó’ đã ‘dùi’ để cụ – khi ấy còn kiêm chức Chủ tịch nước, hạ bút ký tặng huân chương lao động hạng Ba cho công ty Việt Á ở vụ kit test này…).