Việt Nam Thời Báo

VNTB – HD981: Nóng bỏng 2014 hay băng giá năm 2015?

Hiền Nhân (VNTB) Một năm sau ngày HD-981 tiến vào vùng biển Việt Nam, theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, HD 981 lại tiếp tục vào biển Đông, hiện giờ giàn khoan này đang hoạt động tại khu vực giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở biển Đông.

Về phía Việt Nam, lãnh đạo Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết đã nắm được thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981. Cảnh sát biển đã nắm bắt tình hình hướng di chuyển và hoạt động của giàn khoan này.

“Tuy nhiên, những thông tin, dấu hiệu đến nay cho thấy giàn khoan này cũng như các giàn khoan khác của Trung Quốc đang hoạt động trên biển Đông nằm ở vùng biển của họ.[…] Khi phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 hay các giàn khoan khác có hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển thì lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ có các biện pháp đấu tranh để bảo vệ chủ quyền.”

Mùa hè nóng bỏng 2014

Năm ngoái, vào ngày 3/5/2014, Cục An toàn hàng hải tỉnh Hải Nam tuyên bố giàn khoan dầu HD-981 sẽ hoạt động ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, và kết thúc vào tháng 8, đồng thời nước này tuyên bố bán kính an toàn lên đến 3 hải lý, vượt xa so với 500 mét theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Bắt đầu từ 11/5, tại Việt Nam đã nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc, các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo động ở vùng kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và các khu công nghiệp ở Bình Dương. Việc phá hoại tài sản, tấn công người nước ngoài có đặc trưng Trung Quốc (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản) diễn ra sau đó.

Trong khi ngoài vùng biển, đã xảy ra va chạm giữa tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc, và tàu đánh cá Việt Nam. Ngoài ra, tàu Cảnh sát biển của Việt Nam cũng chạm trán với Hải giám Trung Quốc xoay quanh giàn khoan HD-981. Đến ngày 26, khi một chiếc thuyền đánh cá Việt Nam bị lật chìm sau va chạm với thuyền đánh cá Trung Quốc, cũng như hai công dân nước này thiệt mạng sau cuộc biểu tình, Trung Quốc đã khuyến cáo công dân của mình sơ tán khỏi Việt Nam.

Trong tháng 6, nhằm xoa dịu căng thẳng, Ủy viên Dương Khiết Trì đến thăm Việt Nam, tiếp đón ông là Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chuyến thăm đã không làm giảm nhiệt, ngăn chặn leo thang ngoài biển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã nhấn mạnh rằng, hành động của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Về phía Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, sau chuyến thăm Hoa Kỳ vào cuối năm, ông đã đem về một tin mừng là, lệnh cấm vận vũ khí đang được dở bỏ, điều này có thể giúp cho Việt Nam cải thiện phòng thủ hàng hải của mình. HD-981 vô tình làm gắn kết quan hệ Việt – Mỹ.

Vào thời điểm đó, nhà phân tích quốc phòng Úc – Carl Thayer đã mô tả sự kiện HD-981 là “bất ngờ, khiêu khích, và bất hợp pháp.”

Vì sao là HD-981?

Tại sao giàn khoan HD-981 lại vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) năm ngoái?

“Động thái bất ngờ” – bởi mối quan hệ trước đó giữa Việt Nam – Trung Quốc đang đi lên, kể từ sau chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong tháng 10/2013, và họ đã đạt về những thỏa thuận về mặt xử lý bất đồng trên lãnh hải.

Một lượng lớn nhận định cho rằng, HD-981 là để kiểm tra phản ứng của ASEAN và Hoa Kỳ. Nó là “công cụ” đánh giá phản ứng quốc tế với hành động khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển của họ. Nhưng đồng thời, HD-981 cũng thách thức Mỹ trên 2 phương diện:

– Thương mại: ExxonMobil ở vùng biển Đông và quyền tự do hàng hải ở biển Đông.

– Chính trị: Chính sách xoay trục về Á châu của Mỹ. Và sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản trong chủ quyền quần đảo Senkaku cũng như sự bác bỏ chủ quyền đường 9 đoạn của Mỹ.

Một câu hỏi khác đặt ra, tại sao Trung Quốc lại chọn leo thang với Việt Nam, một người “anh em” đồng ý thức hệ chính trị? Một số nhà phân tích đã lưu ý rằng Trung Quốc chọn thời điểm thế giới mất cảnh giác về quan hệ giữa hai nước, vốn được cải thiện vào mùa thu năm 2013, để leo thang tranh chấp lãnh thổ.

Việc dùng Việt Nam để kiểm tra thái độ của ASEAN và Mỹ cũng bởi Việt Nam có là ứng cử viên phù hợp nhất. Như Tường Vũ nói với tờ New York Times, một cuộc tranh luận chính trị gay gắt tại Việt Nam rằng, việc liệu nước nên gần với Trung Quốc hay theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây?

Thời điểm đó, việc Hoa Kỳ phản ứng – bằng tuyên bố kêu gọi hành vi của Trung Quốc là “khiêu khích” – được cho là không đủ trọng lượng ngăn chặn hành vi của Trung Quốc trong tương lai.

Mùa hè nóng bỏng tiếp diễn?

Khi Trung Quốc thông báo về việc giàn khoan HD 981 vào lại biển Đông thì bối cảnh đã không còn giống như mùa hè năm 2014. Mặc dù, giàn khoan xuất hiện khi mối quan hệ giữa hai nước đang được cải thiện, nhất là trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó nhất trí giải quyết bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở 4 tốt ( “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”), 16 chữ vàng (“Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”).

Tuy nhiên, chuyến thăm đó diễn ra khi Trung Quốc vẫn tiến hành đẩy nhanh cải tạo, mở rộng đảo cạn trên biển Đông, và quân sự hóa đảo bằng xây dựng cụm quân sự, đường băng nhằm tạo tiền đồn trong quần đảo Trường Sa.… Nước này cũng tuyên bố áp đặt ADIZ trên Biển Đông.

Trong khi đó, phía Hoa Kỳ đã không phản ứng lại bằng tuyên bố, mà Bộ Quốc phòng nước này đang xem xét điều tàu chiến, máy bay đến Biển Đông để răn đe Trung Quốc, đồng thời, mở lại căn cứ tại Philippines.

Hoài nghi của Việt Nam về ý định chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc đã trở thành điểm ngoặc để điều chỉnh chính sách đối ngoại và an ninh. Quan hệ giữa Việt Nam với một quốc gia tranh chấp chủ quyền biển Đông khác là Philippines đang được cải thiện nhanh chóng, khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam cũng đang tìm mua vũ khí từ Nga, Ấn Độ… Việt Nam cũng tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các vùng đảo của mình.

Điều đó không có nghĩa, với sự quyết tâm của Việt Nam sẽ xóa bỏ sự quyết đoán của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền Biển Đông gần đây, hay chặn “giấc mơ Trung Hoa” trên biển Đông. Vấn đề đặt ra là, Trung Quốc sẽ mạo hiểm đến đâu trong bài toán áp đặt chủ quyền lãnh hải này? Và việc thách thức Mỹ đã đặt Trung Quốc ở thế đối đầu hay chưa?

Như nhiều nhà phân tích nhận định, HD-981 không có nghĩa là “bắt đầu” về mặt giành trọn chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng đó là một bước ngoặt rõ ràng nhất thể hiện tham vọng của nước này. 

Việt Nam, không có đủ tiềm lực để khởi động một cuộc va chạm vũ trang với Trung Quốc nếu như HD-981 tiếp tục di chuyển sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng sự ủng hộ về mặt chính trị và địa chính trị hiện nay đủ để khiến cho sự phản đối của Việt Nam thu hút hành động hơn là lời phản đối, tuyên bố đơn thuần, và tất nhiên nó khiến cho Việt Nam trở nên chủ động hơn. Bởi sau sự kiện HD-981 năm ngoái, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã hồi phục, nhưng hẳn không thể quay về trạng thái “bình thường” như trước tháng 5/2014 khi Việt Nam dần không còn mơ hồ “16 chữ vàng” và “4 tốt”

Theo một bài bình luận trên The Diplomat thì: Đối với Hà Nội, tất cả mọi thứ đã thay đổi mùa hè năm ngoái.

Có tham khảo một số bài viết trên The Diplomat

Tin bài liên quan:

Tự do báo chí : Việt Nam vẫn tụt hạng trên thế giới

Phan Thanh Hung

Biển Đông : Việt Nam gởi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc bồi đắp đảo

Phan Thanh Hung

Việt Nam nhận tàu tuần duyên Nhật Bản tặng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo