Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: Bầu cử thời Việt Nam Cộng Hòa

Khánh Hùng

 

(VNTB) – Các ứng viên thoải mái phê phán chính phủ quân quản ở nhiều phương diện, trong khi bản thân họ cũng đại diện cho các nhóm chính trị đa dạng tại miền Nam Việt Nam.

 

Những ứng viên này đến từ các chính trị gia cấp tiến chủ hòa ở đồng bằng sông Cửu Long, cho đến những nhóm quân nhân Công giáo tị nạn với lời kêu gọi đưa quân “giải phóng” miền Bắc. Không khí thảo luận chính trị đa nguyên, đa dạng và được tôn trọng.

Đó là những gì mà lịch sử ghi nhận về bầu cử của miền Nam Việt Nam.

Sinh tiền, ông Trần Văn Sơn (1933 – 2016), cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, cựu Trung tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, kể (trích): “Năm 1971, tôi là một Thiếu tá Hải quân đang phục vụ tại trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Tôi quyết định ra ứng cử dân biểu quốc hội nhiệm kỳ 1971-1975.

Vào thời gian đó cuộc chiến tại Việt Nam đang dâng cao và cuộc hòa đàm tại Paris sắp kết thúc. Tôi muốn có một diễn đàn để đóng sức vào công cuộc xây dựng dân chủ cho miền Nam Việt Nam.

Qua cuộc bầu cử 1971, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo quốc gia đã kiểm soát được quốc hội với đa số tuyệt đối dân biểu thân chính quyền. Phật giáo chiếm 19 ghế, phần còn lại cho nhóm ông Dương Văn Minh, cho Việt Nam Quốc Dân Đảng và Phong trào cấp tiến (Đại Việt) của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Sau khi đắc cử tại thành phố Nha Trang cùng với dân biểu Nguyễn Văn Cử, tôi gia nhập khối đối lập dân tộc xã hội, một kết hợp của khối xã hội và khối dân tộc.

Khối xã hội thành hình trong nhiệm kỳ 1967-1971 do dân biểu Phan Thiệp lãnh đạo gồm các dân biểu gốc Việt Nam Quốc Dân Đảng và một số dân biểu độc lập có khuynh hướng Phật giáo. Phật giáo không có đại diện chính thức vì tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội 1967-71.

Lập trường của khối xã hội là chống chính quyền quân nhân của Tổng thống Thiệu. Khối dân tộc gồm 19 dân biểu thân Phật giáo, đắc cử do sự ủng hộ của Phật giáo miền Trung. Tôi là một trong 19 dân biểu được Phật giáo ủng hộ. Dân biểu Đinh Xuân Dũng (Phan Thiết) ra tranh cử với tư cách độc lập. Vào Quốc hội ông gia nhập khối dân tộc xã hội.

Sau thủ tục hợp thức hóa sự đắc cử của các dân biểu, khối dân tộc và xã hội nhập lại cho đủ túc số theo nội quy, và thành lập khối đối lập dân tộc xã hội. Khối dân tộc xã hội gồm 29 dân biểu, 19 thân Phật giáo, 10 dân biểu còn lại thuộc các đảng phái và những thành phần ủng hộ tướng Dương Văn Minh…”.

Trong một bài viết bút danh Trần Bình Nam gửi đăng trên BBC, ông Trần Văn Sơn gay gắt nhận xét: “Miền Nam Việt Nam thiếu truyền thống dân chủ, lãnh tụ bất tài, và các chính trị gia – theo Thiệu hay chống Thiệu – thiếu khả năng.

Chương trình của đối lập do sự thúc đẩy của Phật giáo là dân sự hóa chính quyền, nói chuyện với Mặt Trận Gỉải Phóng Miền Nam thay thế tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để chấm dứt chiến tranh đã chứng tỏ là một đường lối sai lầm. Nó làm yếu chính quyền Thiệu thay vì đoàn kết các lực lượng chống Cộng và chống Thiệu thành một khối. Mặt khác Cộng sản cũng đã thành công xâm nhập vào mọi cơ cấu và định chế của Việt Nam Cộng Hòa…”.

Bầu cử ở miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa không hề có những khái niệm về “thế lực phản động” như hiện tại.

Theo dõi báo chí ở Sài Gòn trước tháng tư, 1975 hiện đang được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia nằm trên đường Lý Tự Trọng, tức Gia Long của Sài Gòn, thấy có kể câu chuyện vầy:

Sài Gòn tháng 7-1967 thật sôi động với các cuộc vận động tranh cử vào chức Tổng thống của hàng chục liên danh.

Các phương tiện thông tin đại chúng, các đường phố đều được các liên danh tận dụng tối đa để thu hút cử tri. Không khí náo nhiệt ấy như càng thêm “sôi” lên khi bất ngờ xuất hiện một cái tên không ai ngờ tới tham gia tranh cử Tổng thống. Đó là “Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam”.

Trước đó, ông Đạo Dừa đã âm thầm gây thanh thế bằng những “chiêu” lạ, như vận động tín đồ mua một xà lan lớn có sức chứa hàng trăm tấn, thiết kế 3 tầng đưa về neo đậu bên Nam Quốc Phật, trên đó xây dựng một số tháp, đài, nhà khách, vườn hoa…

Nhiều đoàn khách, nhà báo được mời đến tiếp xúc với Nguyễn Thành Nam để nghe ông khoe giáo lý “hòa bình” của Đạo Dừa. Nhiều tờ báo Nhật Bản, phương Tây không ngần ngại đưa hình Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam lên trang nhất.

Bước tiếp theo, Đạo Dừa cho các tín đồ của ông ở Sài Gòn vận động một chủ nhà thuốc nổi tiếng ở Chợ Lớn tìm mua biếu ông cặp ngà voi dài 1,8m, nặng 45kg, chu vi nơi lớn nhất 0,5m – là cặp ngà voi lớn và quý nhất miền Nam lúc đó, cho đến nay vẫn giữ ngôi vị kỷ lục này.

Ông Đạo Dừa ngồi giữa hai chiếc ngà voi chụm đầu vào nhau, cho mời báo chí tới chụp ảnh đưa tin, hình ảnh của ông trong vị thế “quân vương” xuất hiện đầy trên các báo. Nhiều tờ báo giật tít lớn trên trang nhất, loan tin Đạo Dừa ra tranh cử Tổng thống với vị thế của một “giáo chủ”.

Bước tiếp theo, Đạo Dừa quyên góp các tín đồ số tiền 50 triệu đồng để nộp vào Ủy ban bầu cử theo qui định. Đạo Dừa đã cho đoàn xe lam chở mình cùng 9 cần xé tiền (tổng cộng 50 triệu đồng) có tiền hô hậu ủng, múa lân đưa đón, cờ xí rợp trời từ Bến Tre về thẳng Sài Gòn.

Để hình dung số tiền ấy lớn thế nào, ta cần biết lúc ấy giá vàng ở Sài Gòn khoảng 5 ngàn đồng/ lượng, tức số tiền trên tương đương 10 ngàn lượng vàng. Nếu đúng đó là tiền thật, thì lực lượng tín đồ của Đạo Dừa quả là rất đông, gồm nhiều người giàu có mới có thể quyên góp được số tiền lớn ngần ấy.

Đạo Dừa là người tây học, biết cách sử dụng truyền thông, chuyến đi của ông về Sài Gòn vận động tranh cử được các báo đưa tin rất đậm. Cảnh Đạo Dừa diễn thuyết trước chợ Bến Thành được nhiều báo đăng trang đầu với hàng tít “Làm tổng thống 7 ngày”. Nội dung vận động tranh cử của Đạo Dừa nói rất rõ: Nếu ông đắc cử tổng thống, trong 7 ngày ông sẽ đem lại hoà bình cho nước Việt, sau đó ông “từ chức” và trở về con đường tu hành…

Chính quyền lúc ấy không ý kiến gì về cách thể hiện quyền tự do ứng cử của ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam. Tuy nhiên lần ấy ông Đạo Dừa không tìm được ai cùng đứng tên ‘liên danh’ để làm phó tổng thống nếu ông trúng cử, nên sau đó ông Nguyễn Thành Nam đã không có tên trong danh sách gút lại cuối cùng 11 liên danh tranh cử Tổng thống.

Một số hình ảnh của tạp chí LIFE về các hoạt động tranh cử dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sao sánh “tiêu chuẩn tàu” với “tiêu chuẩn châu Âu”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi người cộng sản tự lừa mình và lừa nhau

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Quân xanh – quân đỏ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo