Hà Nguyên – Cát Tường
(VNTB) – Là đại biểu Quốc hội, tôi đã vạch trần hệ thống tham nhũng liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ
Trong thời gian làm thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã hủy bỏ bất hợp pháp hợp đồng xây dựng, sở hữu và vận hành Dự án Tổ hợp Nhiệt điện Kiên Lương tại Việt Nam của Tổng Công ty Năng lượng Tân Tạo.
Khởi kiện
Trong thông cáo báo chí về vụ khởi kiện, công ty Luật Charles H. Camp ở Washington, Hoa Kỳ, một trong những đại diện pháp lý của bên nguyên đơn, nói, việc hủy bỏ dự án này, theo phía nguyên đơn, là “vi phạm trực tiếp nhiều quyền đầu tư và thỏa thuận giữa TEC (Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo) và chính phủ Việt Nam. (Chi tiết thông cáo tại https://www.prnewswire.
Hồ sơ vụ việc ghi nhận từ phía Việt Nam cho biết, Dự án Trung tâm điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du đều do tập đoàn Tân Tạo đầu tư sẽ được Bộ Công Thương đưa ra bàn thảo tại cuộc họp tổ công tác giải quyết vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư diễn ra hôm 20-3-2018, đối với 2 dự án này.
Vào ngày 08-4-2008, Hợp đồng lập dự án đầu tư dự án nhà máy điện Kiên Lương 1 đã được ký kết giữa tập đoàn Tân Tạo và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện 2 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của đại diện các bộ ngành chính phủ, tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Chính phủ cũng đã có văn bản cho phép tập đoàn Tân Tạo lập dự án đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, nhà máy điện 4400MW và cảng biển nước sâu tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, từ năm 2011, chủ đầu tư đã không triển khai dự án gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời tác động đến đời sống nhân dân, tạo dư luận không tốt cho công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, nhân dân địa phương nơi có dự án đã có ý kiến không đồng tình với việc triển khai Trung tâm Điện lực Kiên Lương do lo ngại việc thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ngành nghề du lịch và phát triển thương mại, nuôi trồng thủy hải sản.
Năm 2016, UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Thủ tướng không đưa Nhà máy nhiệt điện than Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, và Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 xét triển vọng đến năm 2030.
Đến thời điểm đó, nếu bị thu hồi dự án và không chuyển nhượng được cho đối tác khác, Tân Tạo có thể sẽ mất trắng hơn nửa ngàn tỷ đồng đã đầu tư vào Nhiệt điện Kiên Lương.
Cuối tháng 6-2017, tập đoàn Tân Tạo đã đưa quyền sử dụng đất của 248,7ha và cơ sở hạ tầng tại Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương để thế chấp tại một ngân hàng quốc doanh để tài trợ cho chính dự án, với số dư tới cuối quý II/2017 là hơn 300 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 35 tỷ đồng.
Tổng tài sản hợp nhất của Tân Tạo tới cuối quý II/2017 là 12.980 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.385 tỷ đồng. Doanh thu trong nửa đầu năm đạt 260 tỷ đồng, lãi sau thuế 37 tỷ đồng.
Dù vay nợ tài chính không lớn so với vốn điều lệ, tới cuối tháng 6-2017 khoảng 1.400 tỷ đồng, song nợ quá hạn của Tân Tạo tiếp tục tăng lên 227 tỷ đồng so với 163 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Tập đoàn này sẽ phải trả tới 273 tỷ đồng nợ đến hạn trong nửa cuối năm 2017.
Trong thông báo gửi tới cơ quan báo chí, Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 7-7-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du, tỉnh Kiên Giang.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết, dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 được Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư từ năm 2008 do tập đoàn Tân Tạo đề xuất. Đây là dự án lớn song quá trình chuẩn bị đầu tư rất chậm do chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong thu xếp vốn cho dự án. Chính phủ đã có những tháo gỡ cụ thể nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án như chuyển hình thức đầu tư dự án sang hình thức Hợp đồng BOT với các cam kết bảo lãnh của Chính phủ.
Do tiến độ triển khai chậm, đồng thời với chủ trương phát triển các nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp tại tỉnh Kiên Giang sử dụng khí Lô B dẫn đến việc các dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 và Kiên Lương 2 không có trong danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để giải quyết triệt để vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính cùng UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát kỹ, đánh giá toàn diện về quá trình triển khai chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 và Cảng nước sâu Nam Du.
“Kể cả xác định khối lượng và chi phí cụ thể chủ đầu tư đã thực hiện đối với các dự án; xem xét sự cần thiết và tính phù hợp phát triển các dự án trong giai đoạn tới kể cả phương án chuyển đổi nhiên liệu phù hợp sử dụng cho các dự án; đánh giá kỹ về khả năng thực hiện của nhà đầu tư được giao phát triển các dự án; trên cơ sở đó, đề xuất các phương án xử lý cụ thể”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Với diễn biến như trên cho thấy không rõ vì sao mà bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại diện tập đoàn Tân Tạo lại kiện cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì vụ việc này được xử trí từ nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Công kích ông Nguyễn Tấn Dũng
Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã công kích ông Nguyễn Tấn Dũng rất nặng nề trong một thông cáo báo chí bằng Anh ngữ:
“Vì thành công của ITACO trong việc thay đổi tốt đẹp hơn cho cuộc sống của người dân, tôi đã được đề cử và bầu chọn là đại biểu Quốc hội. Trong thời gian đó, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi đã vạch trần hệ thống tham nhũng liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ. Tôi đã sử dụng tư cách đại biểu đó để lên tiếng chống tham nhũng và ủng hộ sự minh bạch hơn trong nền kinh tế kiểu Stalin của Việt Nam.
Vì những phát biểu táo bạo và thẳng thắn của tôi, tôi đã bị chế độ độc tài Việt Nam cách chức với các lý do không có thật. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó tiếp tục sử dụng quyền lực của mình để tấn công hàng loạt nhân viên của ITACO, gia đình và tôi. (Xem đầy đủ tại https://www.newswire.com/
Nhóm luật sư thân hữu trang Việt Nam Thời Báo đưa ra nhận xét ban đầu là có thể vụ kiện tụng kể trên vừa được một kênh truyền thông của Quốc hội Mỹ ‘xới lại’ bằng một “phỏng vấn độc quyền”, cho thấy rất có thể hướng đến cản trở ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế quyền lực cao nhất trong Đảng, vì chuyện xử trí hai dự án này của Tân Tạo là ở nhiệm kỳ của ông.
Dĩ nhiên cũng không loại trừ nghi vấn phe nhóm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có dấu hiệu trở lại chính trường ở Hội nghị Trung ương lần thứ 6 sẽ diễn ra vào tháng mười tới đây.