Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: Ổ tham nhũng ở Bộ Y tế Việt Nam? (phần 3)

Hoài Nguyễn – Thới Bình

 

(VNTB) – Tin tức về cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ chịu kỷ luật Đảng, dọn đường việc đối mặt tù tội, với nhiều người thì đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

 

Phần 3: Mới chỉ là phần nổi của tảng băng!

Thời gian xảy ra những vụ việc được nêu ở hai phần đầu của loạt bài này, thì người đứng đầu Bộ Y tế là bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Thế nhưng giới thạo tin hậu trường Ba Đình lại cho rằng rất có thể đầu dây mối nhợ cần tháo gút là cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang và tiền nhiệm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến là ông Nguyễn Quốc Triệu – người từng ngồi ghế Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội từ năm 2004 – 2007, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội từ năm 1994 – 1999, và Bộ trưởng Y tế từ tháng 8-2007 đến tháng 8-2011.

Ông Nguyễn Quốc Triệu nghỉ hưu ở tuổi 69 vào ngày 21 tháng 6 năm 2019. Vợ của ông là bác sĩ Trần Thúy Hạnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai.

Một chút về cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang.

Ông Cao Minh Quang được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế lần đầu từ tháng 2-2007. Sau khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Quang đã được giao phụ trách nhiều lĩnh vực như: an toàn vệ sinh thực phẩm, dược, thanh tra, đổi mới doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng… Đến giữa tháng 12-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định không bổ nhiệm lại chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Cao Minh Quang. Sau đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã điều chuyển ông Cao Minh Quang về làm chuyên viên Viện Dược liệu (Bộ Y tế) từ ngày 25-1-2013.

Một câu chuyện cũ.

Ngày 23-8-2012, trong cuộc họp với Sở Y tế Hà Nội và đại diện Cục Quản lý Dược về một số vấn đề liên quan đến việc cấp phép kinh doanh thuốc cho các doanh nghiệp tại chợ tân dược, ông Cao Minh Quang đã chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội cần phải cấp phép cho các doanh nghiệp dược kinh doanh tại 148 Giảng Võ trong thời gian tới.

Trước đó, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định: Điều 8 của Thông tư 48 quy định thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận “Thực hành tốt phân phối thuốc” là 3 năm; điều 29 Nghị định 79 quy định giá trị, thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc là 5 năm và thời gian gia hạn là 5 năm.

Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận GDP là cơ sở để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có quy định việc cấp phép tạm thời, cũng như quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép dưới 3 năm hoặc 5 năm.

Và khi ấy đại diện Bộ Y tế cho rằng: “Thời gian mà Trung tâm Hội trợ triển lãm Việt Nam cho các cơ sở bán buôn thuốc thuê hiện nay sẽ đủ thời hạn để cấp giấy chứng nhận GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) nhưng không đủ thời hạn để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Mục đích sử dụng đất của Trung tâm này là phục vụ các hoạt động triển lãm, không được cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thuê để sử dụng trái mục đích trên…”.

Tuy nhiên ở lúc đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho rằng, “Không có hợp đồng thuê đất không quan trọng. Quan điểm của tôi là phải tạo cho thị trường dòng chảy liên tục, không có chuyện đắp đập be bờ cho đến khi Bộ Y tế ban hành các văn bản pháp quy về trung tâm phân phối.

Việc không có hợp đồng thuê đất thì không quan trọng, bởi thông tư 02 và 08 quy định không cần cung cấp hồ sơ thuê đất, vẫn cấp GDP cho đơn vị kinh doanh dược có điều kiện và đủ khả năng, vẫn cấp chứng chỉ kinh doanh dược.

Luật Dược và thông tư 02 hoàn toàn không bị chi phối bởi bất kỳ quy định nào của các ngành khác”…

Hồ sơ vụ việc cho biết, trong hợp đồng giữa Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được ký năm 1999 về việc thuê 6682,5m2 đất nằm trong tổng số 68.380m2 đất mà Trung tâm Triển lãm quản lý (Trung tâm Dược tọa lạc tại đây) cũng có nội dung: “Trong thời gian thực hiện hợp đồng, bên thuê đất không được chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho tổ chức hoặc cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cho phép”.

Tuy nhiên không rõ thế lực nào chống lưng, Trung tâm Dược vẫn ký hàng trăm hợp đồng cho thuê mặt bằng với các tiểu thương kinh doanh thuốc hình thành nên chợ tân dược tại đây…

Ở phần tạm kết của loạt hồ sơ này, nhóm tác giả sẽ dừng lại ở cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tham nhũng trong ngành y tế vẫn là tảng băng chìm

Phan Thanh Hung

VNTB – Cẩm nang giúp biết tin ‘trảm’ hai phó thủ tướng là thật hay giả?

Do Van Tien

VNTB – Tranh chấp “bảo hiểm nhân thọ”: Khi dao cầm đằng lưỡi (Bài 2)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo