Lynn Huỳnh
(VNTB) – Ngày 9-7-1916, giữa Thế chiến I khốc liệt, đại úy – phi công Đỗ Hữu Vị đã hy sinh dưới làn đạn chiến tranh ở vịnh Somme, miền bắc nước Pháp. 106 năm sau, ông được nước Pháp tri ân bằng cách đặt tên cho một quảng trường ở Paris.
Tin tức cho biết trong hồ sơ quân ngũ của người phi công lừng lẫy này có những dòng nhận xét: “Lì lợm, kiên trì, dũng cảm, tinh tế trong chiến thuật, chữ sợ không có trong ngôn ngữ của sĩ quan Vị!”.
Đỗ Hữu Vị là phi công gốc Việt đầu tiên và phi công người Việt duy nhất thời đó của quân đội Pháp. Ở thời khởi đầu của không quân, Đỗ Hữu Vị cũng là sĩ quan dẫn đầu những chuyến bay trinh sát đầu tiên ở Morocco trong hàng ngũ quân đội Pháp.
Ông là người thiết lập nền tảng chiến lược của sự “thông tin từ trên không”. Có thể nói đó là “tiền thân” của quan sát vệ tinh và máy bay không người lái ngày hôm nay. Năm 1915, khi Thế chiến I bắt đầu được 1 năm, ông bay qua chiến tuyến của địch và truyền tải thông tin cần thiết. Do thời tiết xấu, máy bay của ông bị rơi trên đường trở về sau chuyến trinh sát ở Đức và ông bị trọng thương.
Thay vì trở về nhà nghỉ dưỡng vì ông có quyền làm vậy, Đỗ Hữu Vị lại xin tiếp tục phục vụ và trở lại quân đội Pháp vào năm 1916. Ông tham chiến ở vịnh Somme, một vùng đầm biển ở miền bắc nước Pháp. Đây là nơi quân đội Pháp và Đức giao tranh trong cuộc chiến sa lầy, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong Thế chiến I.
Đại úy Đỗ Hữu Vị từng nói: “Bạn phải dũng cảm gấp đôi bởi vì tôi là người Pháp và cùng là người An Nam”. Trong dữ liệu của Viện bảo tàng Quân đội Pháp có một câu ghi chú có thể nói lên tất cả về con người ông: “Người sĩ quan dũng cảm và tinh thần, đã ngã xuống vẻ vang trong khi chỉ huy đại đội của mình tấn công chiến hào của quân Đức”.
Còn trên mộ ông có văn bia: “Đại-úy phi công Đỗ-Hữu, đã hy sinh trên cánh đồng danh dự, vì đất nước An Nam, vì quê hương của ông, nước Pháp”.
Thân phụ của phi công Đỗ Hữu Vị là ngài Đỗ Hữu Phương, một thương gia thân Pháp, và tên ông này được chính quyền cũ thời Pháp và thời Việt Nam Cộng Hòa đặt cho con đường trung tâm lớn nhất khu Chợ Lớn – giống như đường Nguyễn Huệ khu Sài Gòn vậy, giờ bị đổi thành Châu Văn Liêm – là một trong sáu người tham gia hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930.
Ông Đỗ Hữu Phương sinh ở Chợ Đũi, Sài Gòn năm 1840, mất ngày 5-5-1915. Ông là gốc người Minh Hương. Ông Phương là một trong tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa: nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.
Năm 1861, Pháp sau khi chiếm thành Sài Gòn đã tuyên bố Sài Gòn là cảng tự do mở cửa buôn bán với thế giới bên ngoài. Đỗ Hữu Phương thấy được cơ hội mới, ông đã tiếp xúc và làm việc với người Pháp, lúc này còn chân ướt chân ráo cố gắng tuyển dụng người thiết lập một nền hành chính còn rất sơ khai ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Ông được phong ngay làm chức Trưởng khu Chợ Lớn (chef de quartier Cholon), sau thành huyện Chợ Lớn. Năm 1872, ông được phong là Đốc phủ tỉnh Chợ Lớn và huân chương Bắc đẩu bội tinh. Ông về hưu năm 1897.
Tương truyền thuở sinh tiền, nhà ông Phương có treo câu đối hoành phi sơn son thếp vàng: Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ,/ Đỗ một nhà: “ngũ phước tam đa”.
Nhà thơ Phan Văn Trị khi nghe ông Phương thách ai đối được câu đối ấy, đã đối lại rằng: Cù Lao Rồng, có lũ thằng phung,/ Phun một lũ: “Cửu trùng bát nhã”.
Đại khái, “Ngũ phước Tam Đa” trong câu đối là có ý nói ông Phương có 5 cậu con trai đều đỗ cao làm quan lớn, và 3 cô gái đều lấy chồng sang trọng là Đỗ Hữu Chẩn (đại tá Quân đội Pháp), Đỗ Hữu Trí (chánh án), Đỗ Hữu Vị (đại úy không quân trong quân đội Pháp). Con gái: Đỗ Thị Nhàn có chồng là Hoàng Trọng Phu (con Hoàng Cao Khải) là Tổng đốc Hà Đông, gia phong Thái tử Thiếu bảo, Hiệp biện đại học sĩ. Đỗ Thị Dần có chồng là Lê Nhiếp, Tri phủ Vinh Tường (Vĩnh Yên)….
Trong câu đối lại, thì “cù lao Rồng” ở Mỹ Tho là một bệnh viện phong cùi. Trong Nam khi phát âm “phung” và “phun” đều như nhau. Vì hiểu được ý thâm ấy, nên khi đọc xong, ông Phương giận tím người…
Trong biên khảo “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà văn Sơn Nam có viết: Ông Đỗ Hữu Phương còn có những hành động giúp Pháp khác nữa, như: Bắt quản Thiện và quản Việt ở Lò Gốm (Chợ Lớn); Cung cấp tài liệu và điều tra cuộc nổi dậy và nhiều vụ ám sát ở vùng Chợ Lớn vào năm 1866-1867; Trình danh sách một số lãnh tụ kháng Pháp sắp khởi nghĩa ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ năm 1873; Do thám khởi nghĩa ở Phước Lộc (Cần Giuộc) vào năm 1871 và năm 1875; Năm 1879, tố giác âm mưu nổi dậy của nhóm Thiên Địa hội ở Sóc Trăng; Năm 1881, cùng với một Cha sở ở Lương Hòa (Tân An) tố giác âm mưu các cuộc nổi dậy ở Long Hưng, Lộc Thành và ở vùng Bảy Núi (Châu Đốc); Năm 1878, bắt dân ở tổng Lộc Thành Hạ làm xâu, khi điều khiển việc sửa sang con kinh Nước Mặn. (trang 134 – 135 https://thuvienpdf.com/lich-su-khan-hoang-mien-nam).
Học giả Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn năm xưa” có đoạn: “Sự nghiệp (của ông Phương) trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhân Trần thị gây dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, làm của đẻ thêm ra mãi, lại được trường thọ, mất sau chồng…”.
Chính bà vợ của Tổng đốc Phương đã bỏ tiền ra xây trường Collège de Jeunes files Indigènes, tức trường Áo tím (Gia Long) mà bây giờ mang tên trường Nguyễn Thị Minh Khai, nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM) (Tham khảo: https://www.dtv-ebook.com/sai-gon-nam-xua-vuong-hong-sen_7164.html).
Có tin cho biết anh trai của phi công Đỗ Hữu Vị là Đỗ Hữu Chấn cũng phục vụ trong quân đội Pháp, lên đến hàm đại tá, là người mang hài cốt Đỗ Hữu Vị từ Bắc Phi về Việt Nam chôn cất.