Hoàng Mai
(VNTB) – Cũng có nhiều người mong muốn hòa hợp – hòa giải thật sự. Tuy nhiên, hình như, một số ý kiến khác có vẻ không như thế.
Chủ trương hòa hợp – hòa giải dân tộc đã và đang được Đảng và Nhà nước thực hiện, bởi lẽ, dầu sao đi chăng nữa (dù bên nào có sai đi chăng nữa), tất cả cũng là đã quá khứ, cũng là nghĩa đồng bào, cần chung tay hướng tới tương lai, xây dựng một Việt Nam giàu và đẹp…
Trong dân gian có câu “mật ngọt chết ruồi”. Con người thường hướng tới cái đẹp, dù quá khứ có ra sao chăng nữa, cũng hy vọng một tương lai sáng sủa ở ngày mai. Chính vì lẽ đó, những từ ngữ hoa mỹ (trừ những trường hợp đặc biệt) thường dễ… lọt lỗ tai.
Về vấn đề hòa hợp – hòa giải này cũng vậy. Có thể nói, đồng ý rằng, cũng có nhiều người mong muốn hòa hợp – hòa giải thật sự. Tuy nhiên, hình như, một số ý kiến khác có vẻ không như thế.
“Công nhận một điều là mình không rõ thực hư như thế nào. Phần vì nào giờ những giờ học Sử trên lớp, chủ yếu nghe nói là Pháp rồi Mỹ rồi chính quyền Sài Gòn làm này làm nọ không tốt với dân không à. Thì thầy cô giảng sao, mình nghe vậy. Nếu không nghe làm sao làm bài thi, rồi làm sao lên lớp? Phần vì cái thời của mình, Internet chưa phát triển mạnh, một cái laptop chỉ có 128MB thôi mà gần cả ngàn đô, tiền đâu mà mua, rồi mạng đâu mà tìm hiểu, và tìm như thế nào, thời gian đâu mà tìm. Rồi cũng chẳng thắc mắc.
Đến cái tuổi chuẩn bị thi vào đại học, mình mới cảm thấy có cái gì đó kỳ kỳ. Tại sao một số trí thức Sài Gòn cũ từng kêu mình bị lừa? Nếu chính quyền xấu như vậy, tại sao ngày trước, người dân miền Nam vẫn đầy đủ đồ ăn, sau giải phóng ăn kham khổ hơn nhiều? Những điều này mình biết được là nhờ mình đi nhiều, tiếp xúc với nhiều bậc trung niên rồi ông già bà cả kể lại. Nếu nói một người nói dối vậy không lẽ cả làng nói dối?
Phần nữa, sau này, có dịp đọc thêm nhiều tài liệu, biết nhân vật Lê Văn Tám là dựng. Người ta thường nói “một lần bất tín, vạn sự bất tin” – một cựu sinh viên ngành xã hội chia sẻ cảm nghĩ của chuyện “nhìn lại”.
Một câu chuyện khác của kẻ chiến thắng luôn mặc nhiên đúng.
“Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là “địa ngục trần gian” là bằng chứng về tội ác dã man, tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ – Ngụy.
Trong thời gian tồn tại chưa đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973), địch đã giam giữ 40.000 lượt tù binh, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, ngoài ra còn có cán bộ dân chính đảng và dân thường. Số lượng tù binh bị nhồi nhét trong các phòng giam lúc cao điểm từ 120 – 180 người; khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế. Bộ máy điều hành, quản lý của địch ở Trại giam Phú Quốc có khoảng 2.000 nhân viên và sỹ quan, gồm cả hải quân, lục quân, không quân…” (theo trang Cục di sản Văn hóa).
Nói về độ chính xác của những mô hình được phục dựng, một bạn sinh viên ý kiến: “Cứ cho mọi thứ được phục dựng là hoàn toàn chính xác đi, vậy thì ai là nhân chứng cho những phục dựng đó? Trí nhớ của họ có hoàn toàn chính xác, đúng y như trước năm 1975 hay không? Và ai là người làm chứng khách quan rằng họ là người trong cuộc, từng ở nhà tù Phú Quốc?
Những mô hình hay những bài viết, những bài thuyết về các di tích, về cái gọi là tội ác cũng là do con người làm ra. Đó là chưa kể, có thể bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân. Thí dụ như ông A không xấu nhưng vì ông A không được lòng ông B, nên ông B “vạch lá tìm sâu” ông A. Đã gọi là mô hình, nhất là để tuyên truyền, mình nghĩ tỷ lệ chính xác chắc cũng không cao lắm”.
Gần tròn 46 năm trôi qua, mỗi khi đến ngày Tháng tư đen, có lẽ nhiều người khó có thể quên được, bởi hơn ai hết, chính người thân của họ đã bị đấu tố, bị mất đất đai do chính mình gầy dựng; cái ngày mà đám giỗ của không biết bao nhiêu người. Khó quên và bỏ qua lắm.
Càng khó quên hơn nữa khi những di tích được phục dựng lại kia, độ chính xác bao nhiêu không thể xác định được khi “lịch sử nằm trong tay kẻ thắng cuộc”, rồi những buổi kỷ niệm mang tên “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, những rêu rao tự hào đem yên bình về cho miền Nam…
Xem ra, câu nói của cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa vẫn còn đúng đấy nhỉ!