Khánh An dịch
(VNTB) – Các bài học từ vụ máy bay Trung Quốc đụng độ với máy bay do thám của Hoa Kỳ 21 năm trước
Trong thời đại đối đầu và nghi ngờ lẫn nhau giữa các siêu cường, thật lạ khi nói về những điều tốt trong mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Đã hai thập niên trôi qua kể từ vụ va chạm chết người giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ở Bắc Kinh, các học giả và quan chức bàn về việc khi nào thì vụ tai nạn kế tiếp sẽ xảy ra, chứ không phải liệu có xảy ra hay không. Sau đó, họ suy tính xem hai quốc gia đang đối đầu công khai về ý thức hệ trong bối cảnh sự ủng hộ chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao sẽ giải quyết sự cố này như thế nào.
Vụ tai nạn lần trước xảy ra giữa một máy bay chiến đấu của hải quân Trung Quốc và một máy bay do thám của Hoa Kỳ, ở biển Đông vào ngày 1 tháng Tư năm 2001. Phi công Trung Quốc tử nạn sau khi máy bay bị vỡ tung. Bị hư hại nặng, chiếc máy bay do thám của hải quân Hoa Kỳ, một loại máy bay chậm và không linh hoạt với động cơ cánh quạt EP-3 chở 24 quân nhân, cố bay về căn cứ quân sự gần nhất của Trung Quốc trên đảo Hải Nam, hạ cánh không phép. Việc Quân Đội Giải Phóng Trung Quốc (QĐTQ) bắt giữ các quân nhân này là một phép thử sớm đối với Tổng Thống George W. Bush lúc đó mới nhậm chức được 3 tháng. Phi hành đoàn được phóng thích chỉ 11 ngày sau đó, sau khi đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, Joseph Prueher, ký một lá thư nói rằng chính quyền Hoa Kỳ rất “lấy làm tiếc” về cái chết của viên phi công Trung Quốc. Trong khi nói rằng chiếc máy bay EP-3 hạ cánh khẩn cấp để bảo toàn mạng sống của phi hành đoàn, lá thư cũng nói rằng Hoa Kỳ “rất tiếc” vì máy bay đã hạ cánh xuống đảo Hải Nam khi chưa được phép. Bằng cách dịch khéo léo, Trung Quốc công bố lá thư này như một lời xin lỗi chính thức. Lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên thiếu tá phi công Wang Wei là liệt sĩ và là Người Bảo vệ Biển Trời Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông chính thức khuyên công dân biến nỗi đau thành nỗ lực làm việc chăm chỉ để Trung Quốc trở nên mạnh hơn và để tiếp tục tiến lên.
Năm 2001 cả hai chính quyền đều bất chấp một số rủi ro để giải quyết vụ đối đầu này. Chaguan tường thuật về vụ chạm máy bay này trong một bài viết trước đây về Trung Quốc. Vài giờ trước khi các quân nhân Hoa Kỳ bay về nước, tác giả có phỏng vấn một số người dân địa phương ngoài đường ngay trong mưa vào một ngày hè nóng bức gần nơi giam giữ các quân nhân Mỹ. Bất chấp công an đang nghe ngóng, những người qua đường la lên rằng nên xử phi công Hoa Kỳ. Sinh viên nổi giận bàn về các cuộc biểu tình trong các trường học bị dẹp và những biểu ngữ viết tay bị xé. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã hành động đúng. Bất chấp các đòi hỏi của họ rằng Washington phải chấm dứt các chuyến bay do thám gần Trung Quốc, lãnh đạo Đảng ra tín hiệu từ rất sớm với các phái viên Hoa Kỳ rằng họ muốn giải quyết việc này một cách êm thấm vì lợi ích của mối quan hệ song phương phát triển hơn. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc muốn được gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới, muốn tổ chức Thế Vận Hội 2008, và Hoa Kỳ có thể gây ảnh hưởng đến những việc này. Sau khi bày tỏ mong muốn giải quyết ổn thỏa vụ việc, Chủ tịch Giang Trạch Dân lên đường công du Nam Mỹ.
Hoa Kỳ cũng nhượng bộ. Lầu Năm Góc cung cấp cho phóng viên hình ảnh Wang Wei bay gần máy bay Mỹ đến mức người ta có thể nhìn thấy ông ấy đang trưng địa chỉ email riêng. Khi được phỏng vấn sau này, phi hành đoàn trên chiếc EP-3 vào ngày 1 tháng 4 nói rằng phi công Trung Quốc hai lần bay qua ngang qua máy bay của họ với khoảng cách chỉ có 3 mét, trước khi phạm sai lầm vào lần thứ 3 và va vào cánh quạt của chiếc EP-3. Tường thuật của QĐTQ bất chấp các định luật vật lý và lẽ thường: rằng Wang Wei ở khoảng cách an toàn là 400 m khi chiếc máy bay EP-3 lớn và chậm hơn đổi hướng đồng thời chặn đầu máy bay Trung Quốc. Nhưng để đưa dược phi hành đoàn về nước, những nhà thương thuyết Hoa Kỳ không phân bua.
May mắn đã xảy ra vào năm 2001. Ông Bush trao cho Colin Powell quyền giải quyết cuộc khủng hoảng. Khi đó Colin Powell là bộ trưởng ngoại giao mới và là một người thực dụng với sức ảnh hưởng khác thường vì ông đã từng là một vị tướng và là cựu tham mưu trưởng liên quân, đã có thể giúp Nhà Trắng ra quyết định nhanh chóng. Ông Prueher đã từng là một đô đốc và từng chỉ huy quân khu Thái Bình Dương, và cựu một phi công của hải quân, ông đã tự tin nói về những vụ đụng độ trên không. Dẫu vậy, các liên lạc sẵn có lúc đó với tướng lĩnh Trung Quốc không có ích gì, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại sau đó. Ông nói, QĐTQ “không tồn tại trong việc giải quyết vấn đề này. Họ không trả lời các cuộc gọi của tôi. Việc chiếc máy bay EP-3 thoát nạn cũng là may mắn. Thiếu tướng Neal Sealock, tùy viên quân sự của Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, dẫn dắt các cuộc đàm phán tại Hải Nam, khen ngợi phi công lái chiếc EP-3 này hết lời vì đã cứu được phi hành đoàn, vì vậy, tránh được một thảm họa lớn hơn hay một cuộc chiến tranh nếu 24 người Mỹ chết trong vụ rớt máy bay, hay, tệ hơn, bị bắn hạ. Khả năng ảnh hưởng lớn của ông Powell cũng đã giúp cho các nhà đàm phán Hoa Kỳ không bị gây khó khăn với vấn đề chính trị nội bộ ở Washington. Sau đó hai thập niên, một Quốc hội và giới truyền thông bị chia rẽ vì vấn đề đảng phái chắc chắn sẽ lên án hay cản trở bất kỳ một nhượng bộ nào tương tự như các giải pháp mà nội các Bush đã thực hiện. Ngày nay, “nếu Trung Quốc là một vấn đề, và thực tế đúng là vậy, thì vấn đề lớn hơn là là làm sao cải thiện hiệu quả của chính quyền chúng ta,” ông Prueher lo lắng.
Không ai may mãi
Về phần họ, những người chủ trương chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc sẽ khó bị kiềm chế hơn trong giai đoạn hiện nay. Phần lớn người Trung Quốc nghe tin tức từ các kênh truyền thông trên mạng, thường với luận điệu rất khó chịu, chứ không như những kênh tivi tẻ nhạt có khuynh hướng nói nhẹ đi về cuộc khủng hoảng vào năm 2001. Học giả Trung Quốc nhận thấy một số thay đổi tích cực, bắt đầu với năng lực gia tăng của QĐTQ. Zhang Tuoshen, một học giả quân sự và cựu nhân viên ngoại giao, là một chuyên gia xử lý khủng hoảng ở Viện Grandview, một trung tâm nghiên cứu có trụ sở ở Bắc Kinh. Vào năm 2001, ông nói các sĩ quan Mỹ tranh luận xem có nên hủy máy bay của họ sau khi đã hạ cánh để bảo toàn bí mật hay không, nhưng may mắn là họ đã quyết định không khai hỏa khi đang ở trong một căn cứ quân sự của Trung Quốc. Ông Zhang cho rằng, sức mạnh hiện tại của Trung Quốc sẽ khiến Hoa Kỳ còn thận trong hơn nữa. Ông Zhang khen ngợi các đường dây nóng và các quy tắc hành xử được các tư lệnh của QĐTQ và Hoa Kỳ thiết lập sau nhiều năm. Tuy vậy, ông thừa nhận Trung Quốc và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn có quan điểm trái ngược về vấn đề làm thế nào để tránh tai nạn. QĐTQ nhấn mạnh “an ninh quốc gia”, có nghĩa là Hoa Kỳ không nên đến gần Trung Quốc. Người Mỹ nhấn mạnh “an toàn”, nghĩa là việc hành xử đúng mực trong các vụ chạm trán.
Trong khi đó, phi công Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn. Từ năm 2021 máy bay do thám của Hoa Kỳ và đồng minh đã suýt va chạm với các máy bay của QĐTQ, họ cho biết đôi khi chỉ cách nhau có khoảng 30 mét. Khi họ phàn nàn với phía Trung Quốc, câu trả lời mà họ nhận được luôn là: hãy tránh xa ra. Một thảm họa có thể xảy ra. Và sẽ rất khó giải quyết vụ tai nạn tiếp theo.
Nguồn: The Economist