Kiên Giang
(VNTB) – Khen ngợi một quan chức Việt Nam xuất hiện hiếm hoi, nhưng chửi một quan chức Việt Nam là đại trà.
Và chênh lệch đó tiếp tục tồn tại hiển nhiên. Trong câu chuyện hôm nay, là khen ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc.
Lý do, ông đã ‘lắng nghe tiếng nói của anh em báo chí, sau đó thẳng thắn tiếp thu và chỉ đạo UBND xã Phước Vĩnh Đông tổ chức lấy ý kiến người dân.’ Và trường hợp đa số người dân đồng thuận, thì ‘địa phương sẽ giữ lại cây cầu để gia đình anh Thiện đi lại.’
Trước đó, anh Thiện (một người dân ở ấp Vĩnh Thạnh) đã xây một cây cầu không phép qua kênh Bảo Sinh để gia đình thuận tiện đi lại. Nhưng vì không phép nên bị buộc tháo dỡ và phạt 40 triệu đồng.
Báo Sạch lên tiếng trong một bài viết vào ngày 22-02, hai ngày sau thì chính quyền huyện Cần Giuộc đã lên tiếng với quan điểm vừa hợp tình, vừa hợp lý nêu trên.
Cách giải quyết của chính quyền huyện Cần Giuộc, mà đứng đầu là ông Nguyễn Tuấn Thanh không phải là dung túng cho cái sai. Bởi trong trao đổi với Báo Sạch, ông cũng đề cập tình huống nếu về sau khu vực sinh sống nhà anh Thiện có nằm trong giải toả thì sẽ không có bồi thường; mức tiền phạt liên quan đến xây dựng không phép vẫn giữ nhưng sẽ giảm vì hoàn cảnh anh Thiện; và cuối cùng là đảm bảo có lối đi cho người dân.
Quan trọng hơn, điều ông Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo chứa đựng khía cạnh ‘vì dân’ thông qua nắm tâm tư, nguyện vọng. Tạo đồng thuận người dân không phải bằng những lời rêu rao, phát biểu thiếu thực tế mà bằng cách cho bà con địa phương đó biểu quyết ‘giữ cầu hay không’.
Ông Thanh và chính quyền huyện Cần Giuộc đã ghi điểm trong mắt dân lẫn cánh báo chí như thế. Nếu gọi đây là chủ nghĩa dân tuý hình thức thì không phải, nhưng gọi đó là thực hành dân vận theo tinh thần của ông Hồ Chí Minh là đúng đắn. Bởi thực hành phong cách dân vận theo ông Hồ là ‘trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân’, ‘nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin’.
Trong câu chuyện cây cầu dân sinh của anh Thiện, chỉ đạo và hướng giải quyết của UBND huyện Cần Giuộc đã đủ để ‘lắng nghe dân, làm dân tin, có trách nhiệm với dân’.
Đề cập như thế để thấy rằng, làm cán bộ của Việt Nam là cực kỳ dễ dàng, chiếm cảm tình của dân lại càng dễ dàng hơn nếu đáp ứng đúng tinh thần ‘vì dân’. Khi làm quan ‘vì dân’ thì chủ nghĩa ‘gần dân’ với hệ tư tưởng ‘của dân, do dân, vì dân’ không còn là những bài báo cáo, phát biểu dài lê thê, rỗng tếch nữa. Người dân đã yêu, đã quý, đã thương cách làm quan vì dân khi còn đương chức, thì lúc về hưu họ cũng sẽ tôn trọng, trân quý con người đó.
Hoan hô ông Chủ tịch huyện Cần Giuộc trong xử lý thấu đáo việc này là điều nên làm.