Việt Nam Thời Báo

VNTB – Học hành tử tế, rồi hãy đi… “ứng cử”

Đào Đức Thông


(VNTB) – Không thể chỉ cần “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng”, là người ta được quyền khoác áo thuyền trưởng.
Người đứng đầu đảng CSVN, đã có lời huấn thị về công tác nhân sự vào chiều 7-5, bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XII, với tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, “then chốt của then chốt”…”.
Người đứng đầu CSVN, cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của ứng viên bộ chính trị là phải có: “Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả”.
Ở đây, cái quan trọng bậc nhất đã không được nhắc tới: những người đứng đầu một đảng phái, tổ chức chính trị – nếu thực sự là vì dân, vì nước, thì ở hiện tại, những cá nhân ấy phải được “học hành tử tế – đàng hoàng”. Quản trị một quốc gia, cũng tối kỵ chuyện “định kiến”, nên cụm từ được sắp xếp theo thứ bậc “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc”, là một “định kiến” sẽ cản trở mọi tiến bộ.

Lỗi hệ thống?
Thử xét “giáo huấn” của người đứng đầu đảng CSVN từ hiện thực đời sống.
Những năm gần đây, trong nước, chuyện xe khách tông nhau làm hàng chục người chết xảy ra liên miên, đã trở thành thông tin  bình thường được đăng tải trên đài, báo. Nghiêm trọng hơn là chuyện máy quân sự rơi, gây bao đau thương, tang tóc cho gia đình, người thân, đồng đội của nạn nhân.
Xét mọi nguyên nhân, được cho là do tài xế, phi công, hay nói chung là người cầm lái. Đối với ngành giao thông đường bộ, thì tài xế cầm lái ô tô, xe khách thường thiếu chuẩn, thiếu năng lực, thiếu kiến thức, thiếu trách nhiệm, chạy theo tiến độ, theo doanh thu, vi phạm luật, hối lộ CSGT để mỗi khi vi phạm luật – và nhiều khi chỉ vì “bôi trơn” để “được việc”…
Thời gian gần đây đã xảy ra một số tai nạn đối với máy bay quân sự nên Bộ Quốc phòng mới rốt ráo tìm hiểu chuyện lâu nay việc kiểm tra khâu an toàn bay, từ đảm bảo về hậu cần, kỹ thuật đến việc chuẩn bị, tổ chức bay…, được tuân thủ ra sao. Đây là hành động giống như “mất bò mới lo làm chuồng”.
Khoảng 11g30 ngày 16-4, hai chiếc máy bay SU-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không – Không quân) đang bay huấn luyện trên vùng biển gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thì va chạm với nhau và rơi xuống biển. Theo đánh giá ban đầu của các nhà chuyên môn, tai nạn xảy ra do hai máy bay va chạm vào nhau trước khi rơi xuống biển, không phải lỗi kỹ thuật mà do lỗi người cầm lái.
Tài xế xe khách, phi công máy bay, họ mang vác trọng trách trên hàng chục, hàng trăm hành khách mỗi chuyến, hàng triệu lượt hành khách trong suốt đời hành nghề, đòi hỏi phải được lựa chọn tử tế, không xuê xoa “phong bì”, hay “gửi gắm”…

Làm “quan” cũng phải có nghề
Lãnh đạo đất nước cũng vậy. Họ mang trọng trách cả quốc gia. Việc chọn lựa lãnh đạo đòi hỏi đúng chuẩn, có tâm, có tầm của người làm nghề quản trị quốc gia.
Ở Việt Nam, khi ra đường có thể chẳng cần leo lên một chiếc xe của ai hết, ta đi bộ hay đi xe của ta, ta đi rất ngay hàng thằng lối bên phải, theo đúng luật lệ đàng hoàng…, thế nhưng vẫn có thể chết bất cứ lúc nào (!?) vì tai nạn giao thông đủ mọi kiểu, mọi lúc và mọi nơi từ sự tắc trách của người điều khiển, cho đến tắc trách công vụ của cơ quan đăng kiểm, lực lượng cảnh sát giao thông.
Tương tự, người dân đang làm nghề lương thiện, đàng hoàng, hôm nào đó bỗng dưng bị “mời” vào đồn công an, đối diện với đầy oan khuất vì sự thiếu sót của ngành điều tra, hệ thống tư pháp.
Điều khiển một chiếc xe máy trở lên là phải có bằng, nếu là xe hơi phải học có trường lớp. Điều khiển một bộ máy nhà nước thì phức tạp hơn, nặng nề hơn. Sẽ rất đổi trầm trọng…khi thuyền trưởng lèo lái con tàu quốc gia bị mất lái, mất cần hãm tàu… Hậu quả kinh khủng hơn rất nhiều, song các vị thuyền trưởng này ở Việt Nam, chưa thấy ai cắp cặp đi học trường hàng hải, để qua những kỳ sát hạch, qua thời gian thực tập sóng gió đại dương…
Không thể chỉ cần “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng”, là người ta được quyền khoác áo thuyền trưởng.

Quốc gia bị chìm đắm trong vũng lầy do vị thuyền trưởng cứ loay hoay không bị nên xoay bánh lái về hướng nào, phương vị ra sao…, xem ra còn nguy hại hơn cả khi hãy để con tàu đắm, và người ta sẽ đóng mới con tàu khác cùng ê kíp thuyền trưởng khác.

Tin bài liên quan:

VNTB – Báo chí Việt Nam trong ĐH Đảng XII

Phan Thanh Hung

VNTB- Hướng đi chệch của sự học trong xã hội cộng sản

Phan Thanh Hung

VNTB- Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Sập cầu, cháy chợ, hạn hán… ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo